Xây dựng 'chiến thuật' khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển

GD&TĐ - Để gia tăng cơ hội trúng tuyển, các em cần có “chiến thuật” đăng ký và nắm chắc quy trình kỹ thuật, không để xảy ra sai sót đáng tiếc.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2024. Ảnh: Đình Tuệ
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2024. Ảnh: Đình Tuệ

Theo kế hoạch, từ ngày 18 - 30/7, thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT (Hệ thống).

Làm đúng, đủ quy trình

Năm nay, toàn bộ quy trình từ đăng ký, thay đổi nguyện vọng, nộp lệ phí tuyển sinh và xác nhận nhập học đều tiến hành trực tuyến. Do đó, với phương tiện là máy tính kết nối Internet, thí sinh có thể thực hiện những bước này mọi lúc, mọi nơi

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội tư vấn, thí sinh nên quay video toàn bộ quá trình đăng ký nguyện vọng của mình trên Hệ thống. Nếu đã làm đúng, đủ quy trình nhưng Hệ thống vẫn chưa ghi nhận kết quả đăng ký thì các em có thể sử dụng video này để nhờ bộ phận kỹ thuật hỗ trợ, tìm ra nguyên nhân để có giải pháp khắc phục.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền cho hay, Bộ GD&ĐT sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ sở đào tạo. Theo đó, thông tin trên Cổng thông tin tuyển sinh, thống kê nguyện vọng thí sinh, điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm kết quả học tập cấp THPT, điểm thi đánh giá năng lực, tư duy (nếu có), các minh chứng về khu vực ưu tiên của thí sinh và phần mềm xét tuyển, cơ sở đào tạo phải cập nhật đúng phiên bản phần mềm xét tuyển mới nhất... Qua đó, giúp công tác tuyển sinh thuận lợi.

Lưu ý với thí sinh, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh, khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển, thí sinh phải thực hiện hết quy trình từ đầu đến cuối trên Hệ thống, không được dừng lại và thoát giữa chừng. Việc dừng lại và thoát ra khỏi Hệ thống giữa chừng sẽ khiến các thao tác của thí sinh không được ghi nhận.

Trường hợp, muốn thay đổi nguyện vọng xét tuyển, thí sinh cũng thực hiện tương tự và thao tác tới các bước cuối cùng. PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho hay, ở các mùa tuyển sinh trước, có em đã điều chỉnh, thay đổi nguyện vọng nhưng không thực hiện đến bước cuối cùng nên hệ thống không ghi nhận được thay đổi. Khi đó, Hệ thống quay trở lại nguyện vọng đăng ký trước, nghĩa là các em không thực hiện thành công việc thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển của mình nên có thể gặp rủi ro. Vì thế, thí sinh đặc biệt lưu tâm đến chi tiết này.

dang ky nguyen vong xet tuyen (1).JPG
Thí sinh và phụ huynh tại ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp. Ảnh: Sỹ Điền

“Chiến thuật” sắp xếp nguyện vọng

Ngoài ra, trong quá trình đăng ký và sắp xếp nguyện vọng, thí sinh cũng có thể mắc những sai lầm đáng tiếc. Chẳng hạn, nhầm lẫn về đối tượng ưu tiên hoặc cho rằng, bắt buộc phải đặt nguyện vọng 1 là ngành/trường đã trúng tuyển sớm. PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh, cơ sở đào tạo không được yêu cầu thí sinh phải đặt nguyện vọng trúng tuyển xét tuyển sớm ở vị trí số 1. Việc này thuộc quyền tự chủ, tự quyết của thí sinh; vì thế các em yêu thích, mong muốn được trúng tuyển vào ngành, trường học nào nhất thì đặt là nguyện vọng 1.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, khi đăng ký nguyện vọng trên Hệ thống, thí sinh không cần chọn phương thức xét tuyển, mà chỉ lựa chọn ngành, trường yêu thích. Hệ thống sẽ tự động rà soát tất cả dữ liệu mà thí sinh đã cung cấp để xem xét. Nếu thí sinh trúng tuyển bằng bất kỳ phương thức nào trong số dữ liệu có trên Hệ thống, các em sẽ được xác nhận trúng tuyển. Như vậy, việc của thí sinh là phải sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Nguyện vọng 1 là nguyện vọng ưu tiên cao nhất, thí sinh mong muốn trúng tuyển nhất.

Liên quan đến nội dung này, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa (Hà Nội) tư vấn, khi đặt nguyện vọng xét tuyển, thí sinh cần phân tích phổ điểm những năm gần đây của các cơ sở đào tạo mà mình dự kiến đăng ký xét tuyển. Sau đó, chia nguyện vọng thành 3 nhóm: Cao hơn điểm mình đạt được, ngang bằng và điểm thấp hơn, để đảm bảo an toàn.

Khuyên thí sinh mạnh dạn đặt ngành/trường yêu thích nhất là nguyện vọng 1, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh phân tích, nếu đó là nguyện vọng trúng tuyển sớm thì các em chắc chắn trúng tuyển. Giả sử, thí sinh đã trúng tuyển sớm và đặt nguyện vọng này ở vị trí thứ 10, khi 9 nguyện vọng đầu đều trượt, chắc chắn thí sinh vẫn trúng tuyển nguyện vọng 10. Đó là ưu việt của Hệ thống và cũng là quy định nhân văn của Bộ GD&ĐT.

Để gia tăng cơ hội trúng tuyển, PGS.TS Chu Văn Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên lưu ý, thí sinh cần chiến thuật hợp lý. Theo đó, không nên lựa chọn quá ít hoặc quá nhiều nguyện vọng. Các em có thể chọn từ 1 đến 3 trường đại học; mỗi trường khoảng 3 nguyện vọng.

Sau đó, chia các nguyện vọng thành 3 nhóm: Nhóm 1 là những ngành, trường yêu thích nhưng điểm đầu vào các năm trước cao hơn điểm thi. Nhóm 2 là ngành, trường yêu thích và có điểm chuẩn năm trước bằng điểm thi. Nhóm 3 là những ngành, trường yêu thích và có điểm trúng tuyển năm trước thấp hơn điểm thi.

Cơ sở đào tạo không được yêu cầu hoặc thỏa thuận với thí sinh việc cam kết, xác nhận nhập học sớm dưới bất kỳ hình thức nào như: Nộp kinh phí giữ chỗ, thu giữ hồ sơ…. Bộ GD&ĐT yêu cầu, cơ sở đào tạo tuyệt đối không đặt ra những yêu cầu gây phiền hà cho thí sinh như yêu cầu nộp, xuất trình giấy xác nhận thông tin về cư trú khi thực hiện thủ tục hành chính (theo quy định của Chính phủ...).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.