Xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập, học tập suốt đời

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị.

Đáp ứng nhu cầu học tập của mọi lứa tuổi

Quán triệt chủ trương của Đảng và Nhà nước về "Xây dựng XHHT, bảo đảm cho tất cả công dân có cơ hội bình đẳng trong học tập, đào tạo", trong những năm qua, các Bộ, ngành, các tổ chức, đoàn thể, các địa phương trong cả nước đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng XHHT.

Thông tin từ Bộ GD&ĐT, qua 13 năm triển khai thực tế nhiệm vụ xây dựng XHHT, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, cụ thể: Ban chỉ đạo xây dựng XHHT được thành lập từ cấp tỉnh tới cấp xã; các mô hình học tập được triển khai nhân rộng; mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên được củng cố và phát triển, đặc biệt là mạng lưới các trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu học tập của mọi lứa tuổi.

Hệ thống Hội khuyến học đã phủ kín các cấp từ cấp tỉnh đến cấp xã với trên 17 triệu hội viên là các cựu giáo viên, các nhà hoạt động chính trị, xã hội quan tâm thúc đẩy sự nghiệp học tập cho mọi lứa tuổi. Cả nước đã có hơn 8 triệu gia đình đạt danh hiệu “Gia đình học tập”, gần 40 nghìn dòng họ đạt danh hiệu “Dòng họ học tập”, hơn 62 nghìn “Cộng đồng học tập” cấp thôn bản, tổ dân phố và 27,5 nghìn các tổ chức nằm trên địa bàn hành chính cấp xã, do cấp xã quản lý đạt danh hiệu “Đơn vị học tập”... 

Hiện đã có 100% xã đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 1 trở lên; 99,04% xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS. 99,9% đơn vị cấp xã duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ; tỷ lệ biết chữ ở độ tuổi 15-35 của cả nước đạt 98,87%; độ tuổi từ 15-60 là 97,57%. Số người mới biết chữ tiếp tục học tập và không mù chữ trở lại là 83,9%...

Các đại biểu tham gia Hội nghị Á – Âu về “Học tập suốt đời và mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030”
Các đại biểu tham gia Hội nghị Á – Âu về “Học tập suốt đời và mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030” 

Xây dựng XHHT là nhiệm vụ rất quan trọng của giáo dục

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chia sẻ về việc khoa học kỹ thuật, kiến thức xã hội thay đổi từng ngày, do đó để tồn tại, phát triển thì mỗi người phải học tập liên tục để cập nhập kiến thức cho mình. Trong công việc hằng ngày, mỗi người thường xuyên phải học tập để đáp ứng nhu cầu luôn thay đổi, phát triển của công việc. Ngày nay phải là học tập suốt đời để đáp ứng yêu cầu công việc và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bộ trưởng khẳng định, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách để xây dựng XHHT, tạo điều kiện cho mọi người dân được học tập thường xuyên, học tập suốt đời; coi học tập suốt đời, xây dựng XHHT là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của ngành Giáo dục.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Đề án xây dựng XHHT; cùng đó, Hội khuyến học phát triển rất mạnh; hệ thống, thiết chế về giáo dục suốt đời để tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người có thể tiếp cận với giáo dục đã rộng khắp, từ phường xã, làng xóm cho đến tận Trung ương. Với sự hỗ trợ của CNTT, internet như hiện nay, việc học tập thường xuyên, học tập suốt đời của người dân; xây dựng XHHT là rất thuận lợi. Chính phủ Việt Nam đang xây dựng Hệ tri thức Việt số hóa, dự kiến khai trương vào đầu năm 2019; qua đây, mọi người có trách nhiệm đóng góp, chia sẻ, mang lại lợi ích rất lớn.

So với thế giới, công bằng trong giáo dục của Việt Nam cũng đã đạt ở mức tương đối. Việt Nam đã hoàn thành: phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS; các đối tượng hòa nhập rất được chú trọng. Giáo dục suốt đời được phát triển mạnh cũng sẽ góp phần để thực hiện công bằng giáo dục – một trong những mục tiêu nhiều nước đang theo đuổi.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho rằng, đây là vấn đề không dễ, vì đối tượng, hình thức, nội dung, phương pháp, phương tiện kiểm tra đánh giá rất đa dạng. Những khó khăn, vướng mắc đang được tiếp tục nghiên cứu để khắc phục, hướng tới một xã hội học tập tốt hơn, mọi người được tham gia học tập thuận lợi hơn và trở thành một động lực cho mọi người chứ không phải bắt buộc.

Tại hội nghị, người đứng đầu ngành Giáo dục Việt Nam đã chia sẻ những vấn đề giáo dục Việt Nam rất cần được nghe tư vấn, học hỏi kinh nghiệm quốc tế. Trong đó có việc xây dựng hệ thống giáo dục mở, linh hoạt, liên thông - một nội dung quan trọng khi sửa Luật Giáo dục; xây dựng chương trình cho các phương thức giáo dục từ xa và cung cấp dịch vụ làm sao thuận lợi để mọi người cùng có thể tham gia; thiết chế về tổ chức các hình thức giáo dục suốt đời như thế nào cho linh hoạt, hiệu quả, tránh hình thức; ghi nhận, xác nhận và công nhận kết quả học tập theo hình thức không chính quy và phi chính quy nhằm khuyến khích việc học tập suốt đời...

Tại Hội nghị, các đại biểu trong nước, quốc tế đã trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về ghi nhận, xác nhận, công nhận kết quả học tập theo hình thức không chính qui, phi chính qui nhằm khuyến khích việc học tập suốt đời; biện pháp cung cấp các chương trình học tập nhằm đáp ứng nhu cầu của người học theo hình thức phi truyền thống; hoạch định chính sách học tập suốt đời hướng đến một nền văn hóa học tập suốt đời nhằm đạt được tri thức giáo dục ĐH cho mọi người.

Trong Chương trình hợp tác về GD&ĐT năm 2018 được thông qua tại hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEM lần thứ 13 và Hội nghị Hội đồng thống đốc Quỹ Á – Âu lần thứ 37, đã thống nhất tổ chức 4 hội nghị về Học tập suốt đời và phát triển bền vững tại 4 quốc gia với các chủ đề khác nhau; trong đó, Việt Nam là một trong 4 quốc gia đăng cai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.