Xây dựng bộ công cụ “Lượng giá âm lời nói của trẻ” hỗ trợ trẻ khiếm khuyết về giao tiếp, lời nói

GD&TĐ - Sáng nay 29/6, Trường CĐ Sư phạm Trung ương (CĐ SPTƯ)TPHCM đã phối hợp với Trường ĐH Sư phạm TPHCM, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TPHCM tổ chức Hội thảo Khoa học quốc tế “Lượng giá âm lời nói của trẻ từ 2 đến 7 tuổi ở TPHCM”

 Quang cảnh buổi hội thảo
Quang cảnh buổi hội thảo

Đến dự Hội thảo có sự tham gia hơn 40 nhà khoa học trong nước và quốc tế đến từ các nước Úc, Đức… cùng đông đảo các giảng viên trường ĐH, các y bác sĩ, chuyên gia âm ngữ trị liệu (ANTL) đến tham dự.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo- PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Anh, Phó Hiệu trưởng, Trường CĐSP TƯ TPHCM cho biết: Hội thảo khoa học quốc tế “Lượng giá âm lời nói của trẻ từ 2 đến 7 tuổi ở TPHCM” là kết quả hợp tác giữa Sở KH&CN TPHCM với Trường ĐH Sư Phạm TPHCM, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TPHCM, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Trường CĐ SPTƯ TPHCM. Trường CĐ SPTƯ TPHCM rất vinh dự là đơn vị chủ trì tổ chức Hội thảo khoa học giầu ý nghĩa này.

Hội thảo thể hiện sự quan tâm đặc biệt của chúng ta đến giáo dục Mầm non - bậc học giáo dục đầu tiên đặt nền móng cho sự phát triển về lĩnh vực thể chất, ngôn ngữ, tình cảm, nhận thức, thẩm mỹ, hình thành những nhân tố đâu tiên của nhân cách tạo nền tảng cho việc học tập và thành công sau này của trẻ.

Hội thảo là dịp để các nhà khoa học trong và ngoài nước, các giảng viên ĐH, CĐ, các y bác sĩ, các nhà âm ngữ trị liệu, các giáo viên …có dịp chia sẻ kết quả nghiên cứu, những ý tưởng đề xuất về việc xây dựng những bộ công cụ, những biện pháp trị liêu, những phương pháp giáo dục cho trẻ Mần non từ 2 đến 7 tuổi, gặp khó khăn trong giao tiếp.

“Hy vọng qua hội thảo lần này, sẽ là cơ sở khoa học để tổ chức các Hội thảo khoa học quốc tế khác về phát triển ngôn ngữ cho trẻ Mầm non ở nước ta", PSG Kim Anh nhấn mạnh

Theo PGS.TS.BS. Nguyễn Thị Ngọc Dung, Trưởng đơn vị ANTL, Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, Nguyên Hiệu trưởng, Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, TPHCM chia sẻ: Âm ngữ trị liệu là một lĩnh vực rất mới ở Việt Nam. Ở các nước phát triển, Nhà ANTL, Nhà giáo dục, Nhà tâm lý lâm sàng và các giáo viên trong lĩnh vực giáo dục Mầm non, giáo dục Tiểu học, giáo dục Đặc biệt, thường xuyên làm việc chung với nhau trên những trẻ em có vấn đề về giao tiếp, ngôn ngữ và lời nói. Đặc biệt họ đều được đào tạo rất cơ bản, họ có những bộ công cụ đã được chuẩn hóa để tiến hành lượng giá, can thiệp cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt.

Ở Việt Nam, chúng ta bắt đầu theo hướng phối hợp giữa y tế và giáo dục để hỗ trợ các trẻ em bị khiếm khuyết về giao tiếp, ngôn ngữ và lời nói. Tuy nhiên muốn phối hợp tốt, chúng ta cần có những bộ công cụ lượng giá lời nói của trẻ em phát triển bình thường được chuẩn hóa, như các nước có lĩnh vực y tế và giáo dục phát triển.

Năm 2012 đến năm 2015, các nhà chuyên môn về ANTL, giáo dục ngôn ngữ cho trẻ em của trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TPHCM, Bệnh viện Nhi Đồng 1 và trường ĐH Sư phạm TPHCM đã phối hợp làm việc và cùng nhau hoàn thành đề tài KHCN cấp Bộ “Xây dựng hệ thống bài tập trị liệu cho học sinh lớp 1 ở TPHCM mắc chứng khó đọc”; đề tài KHCN cấp thành phố “ Xây dựng hệ thống bài tập chỉnh âm cho trẻ 3 đến 9 tuổi ở TPHCM bị khe hở môi - vòm miệng sau phẫu thuật” -  cả hai đề tài trên đều được xếp loại xuất sắc…

Năm nay, các nhà khoa học tiếp tục thực hiện đề tài KHCN cấp thành phố: “Xây dụng bộ công cụ lượng giá âm lời nói cho trẻ em 2- 7 tuổi tại TPHCM”. Đề tài này sẽ lấy mẫu lời nói của trên 3.000 trẻ em phát triển bình thường ở các mốc từ 2 đến 7 tuổi với mong muốn góp phần tìm kiến bộ công cụ lượng giá chuẩn về lời nói của trẻ em phát triển bình thường và bước đầu xác lập quy trình âm vị của trẻ em người Việt, nói tiếng việt, phương ngữ Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.