Chỉ với 4 bước, bạn có thể chấm dứt ngay thói xấu ngắt lời người lớn của trẻ

Cách xử lý đơn giản mà hiệu quả sẽ giúp bố mẹ không còn phiền lòng về thói quen xấu mà hầu như trẻ nào cũng mắc phải: ngắt lời khi người lớn đang nói chuyện.

Chỉ với 4 bước, bạn có thể chấm dứt ngay thói xấu ngắt lời người lớn của trẻ

Hầu hết trẻ nhỏ có thói quen ngắt lời bố mẹ. Và mặc dù được bố mẹ dặn dò rất nhiều lần ngắt lời người lớn đang nói chuyện là một thói quen xấu, nhưng trẻ vẫn lặp lại hành động đó, đặc biệt là khi bố mẹ đang nói chuyện với khách. Đó không phải là điều tồi tệ nhất mà các bậc phụ huynh gặp phải khi nuôi dạy một đứa trẻ, nhưng nó có thể làm ảnh hưởng đến tâm trạng của cả bố mẹ và con cái.

Trong những trường hợp như vậy, bố mẹ thường sẽ thấy trẻ phản ứng kịch liệt: “Mẹ không thèm nghe lời con nói!”, còn trẻ sẽ cảm thấy bản thân không được bố mẹ quan tâm khi nghe: “Con thật bất lịch sự!”.

Chi voi 4 buoc, ban co the cham dut ngay thoi xau ngat loi nguoi lon cua tre - Anh 1

Trẻ luôn hy vọng bố mẹ quan tâm đến lời nói của mình nhưng chưa biết tìm thời điểm thích hợp để trò chuyện.

Nhưng có một mẹo đơn giản mà hữu hiệu có thể giúp bố mẹ giải quyết vấn đề này. Đây là một phương pháp dạy trẻ cách xử sự đúng mực và thậm chí có thể nâng cao lòng tự trọng của trẻ. Mẹo nhỏ này được giới thiệu bởi Kristen Berger – một huấn luyện viên kỹ năng sống (life coach) và một nhà diễn thuyết chuyên nghiệp. Kristen cho biết mẹo vặt này thậm chí khá hiệu quả khi cô áp dụng với đứa con nhỏ nhất của mình. Kristen Berger dùng kênh youtube cá nhân có tên Mom Coach Kristen và trang blog kristenberger.com của mình để chia sẻ và hướng dẫn các bà mẹ nhiều mẹo vặt về nuôi dạy trẻ.

Bố mẹ và trẻ có thể cùng nhau luyện tập phương pháp mới này để khắc phục thói xấu ngắt lời người lớn của trẻ với 4 bước cơ bản sau đây:

Bước 1: Khi muốn được bố mẹ chú ý, trẻ đặt bàn tay lên người bố mẹ.

Bước 2: Bố mẹ đặt tay lên trên bàn tay của trẻ để thể hiện sự chú ý của bố mẹ với lời trẻ muốn nói.

Bước 3: Bố mẹ xin phép tạm ngừng cuộc trò chuyện với người khách.

Bước 4: Bố mẹ quay về phía trẻ, nhấc tay trẻ ra khỏi vai mình và lắng nghe cẩn thận lời nói của trẻ.

Chìa khóa của phương pháp mới này nằm ở ngôn ngữ hình thể. Ngôn ngữ cơ thể, đặc biệt là những cái chạm nhẹ, là một phương thức liên lạc tuyệt vời. Việc bố mẹ nắm tay trẻ thể hiện bố mẹ hoàn toàn biết trẻ có điều muốn nói. Điều đó có nghĩa là, trẻ biết bố mẹ quan tâm đến suy nghĩ của trẻ, nhưng trước hết bố mẹ cần hoàn thành việc đang làm trước khi có thời gian lắng nghe trẻ nói chuyện.

Chi voi 4 buoc, ban co the cham dut ngay thoi xau ngat loi nguoi lon cua tre - Anh 2

Chìa khóa của phương pháp này nằm ở ngôn ngữ cơ thể.

Phương pháp này nhận được sự tán dương của nhiều bà mẹ sau khi họ áp dụng thành công, trong đó có Kate, bà mẹ chuyên viết blog của diễn đàn An Everyday Story.

Trong một bài viết gần đây, Kate chia sẻ cô đang nói chuyện với một người bạn thì cậu con trai 3 tuổi của người bạn đó chạy đến và muốn nói điều gì đó.

Cô viết: “Thay vì ngắt lời người lớn, cậu bé chỉ đơn giản đặt tay mình lên cổ tay của mẹ cậu và đợi. Bạn tôi đặt tay mình lên trên tay cậu bé để cậu bé biết mẹ cậu chú ý đến lời nói của cậu và chúng tôi tiếp tục nói chuyện. Sau khi nói chuyện xong, cô ấy quay về phía cậu con trai. Tôi rất sửng sốt! Rất đơn giản. Rất nhẹ nhàng. Và đầy sự tôn trọng đối với người mẹ và cậu con trai. Con trai cô ấy chỉ cần đợi một vài giây để mẹ cậu hoàn thành câu thoại. Và sau đó cô ấy dành hết sự chú ý đến lời nói của con”.

Kate và chồng bắt đầu thử áp dụng cách làm mới này ngay lập tức. Họ giải thích với hai đứa con, và thực hiện đúng những gì người bạn của Kate đã làm cùng cậu con trai. Họ cần luyện tập một vài lần để hai đứa trẻ quen với điều đó, và đến giờ hai đứa con của Kate đã sửa được thói xấu ngắt lời bố mẹ.

Kate cũng viết: “Tôi không còn phải nói ‘Đợi đã’ hay ‘Đừng ngắt lời mẹ’. Chỉ cần một cử chỉ đơn giản: một cái chạm nhẹ. Đó là tất cả”.

Theo aFamily

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ