(GD&TĐ) - Do diễn biến giá xăng dầu trên thị trường thế giới từ cuối năm 2011, đầu năm 2012 vận động theo xu hướng tăng. Để giữ bình ổn giá trong nước, Chính phủ đã xử lý bằng nhiều biện pháp như sử dụng Quỹ Bình ổn giá, giảm thuế nhập khẩu.
Đến nay giá xăng dầu thế giới vẫn tiếp tục tăng, tạo ra chênh lệch giữa giá cơ sở cao hơn giá bán trong nước hiện hành, trong khi các giải pháp đã thực hiện để giữ bình ổn giá đã hết: Quỹ Bình ổn giá không còn, thuế đã lùi về 0%. Nếu không điều chỉnh giá thì kinh doanh xăng, dầu gặp nhiều khó khăn, nguồn cung bị ảnh hưởng.
Xăng RON 92 tăng 2.100 đồng/lít. Ảnh: Internet |
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh tại cuộc họp với đại diện Lãnh đạo: Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ chiều ngày 6/3/2012 về điều hành giá xăng dầu; đồng thời qua theo dõi diễn biến giá xăng dầu thế giới và kết quả kiểm tra, rà soát việc đăng ký giá của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối; Liên Bộ Tài chính - Công thương đã thống nhất cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối được điều chỉnh giá bán xăng dầu trong nước kể từ 16 giờ ngày 7 tháng 3 năm 2012.
Điều chỉnh giá bán các chủng loại xăng dầu trong nước (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng) ở nhiệt độ thực tế và ở địa bàn gần cảng nhập khẩu, gần nhà máy sản xuất, chế biến xăng, dầu, cụ thể:
Xăng điều chỉnh tăng 2.100 đồng/lít (xăng RON 92 từ 20.800 đồng/lít lên mức 22.900 đồng/lít);
Điêzen điều chỉnh tăng 1.000 đồng/lít (điêzen 0,05S từ 20.400 đồng/lít lên mức 21.400 đồng/lít);
Dầu hỏa điều chỉnh tăng 600 đồng/lít (dầu hỏa từ 20.200 đồng/lít lên mức 20.800 đồng/lít)
Madut điều chỉnh tăng 2.000 đồng/kg (madut 3,5S từ 16.800 đồng/lít lên mức 18.800 đồng/kg).
Nếu tính đủ thuế theo Barem thuế thì giá bán xăng dầu trong nước phải điều chỉnh tăng khoảng từ 4.200đ/lít đến 6.500đ/lít tuỳ theo từng chủng loại xăng dầu, mức điều chỉnh trên đây mới chỉ bằng từ 12,56% đên 40,95% mức đáng ra phải điều chỉnh theo quy định tại Nghị định 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Tổng số tiền giảm thu Ngân sách Nhà nước do thuế suất thuế nhập khẩu thấp hơn so với Barem quy định để giữ bình ổn giá xăng dầu trong năm 2011 ước khoảng 20.000 tỷ đồng; trong 2 tháng đầu năm 2012 ước khoảng 3.900 tỷ đồng.
Sau lần điều chỉnh giá xăng dầu trên đây, trong thời gian tới: tiếp tục thực hiện kinh doanh xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, cụ thể: nếu giá thế giới tăng, thì điều chỉnh giá trong nước; nếu giá thế giới giảm thì giảm sử dụng Quỹ BOG, khôi phục thuế nhập khẩu ở mức hợp lý nếu còn dư địa thực hiện giảm giá bán.
Vũ Thành