Xăng dầu tăng giá sau 4 phiên giảm liên tiếp

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Nhiều cây xăng trên địa bàn TP Hà Nội luôn trong tình trạng 'quá tải' khi người dân xếp hàng dài đổ xăng trước giờ điều chỉnh giá...

Người dân xếp hàng đổ xăng tại cây xăng đường Láng.
Người dân xếp hàng đổ xăng tại cây xăng đường Láng.

Trước 15 giờ ngày 11/10, nhiều cây xăng trên địa bàn TP Hà Nội luôn trong tình trạng “quá tải” khi người dân xếp hàng dài đổ xăng trước giờ điều chỉnh giá... Giá xăng dầu đã có lần đầu tăng giá sau 4 phiên giảm liên tiếp.

Không còn lối ô tô vào

Có mặt tại cây xăng đường Láng, phóng viên ghi nhận rất đông người dân xếp hàng mua xăng. Anh Trần Văn Tiến (SN 1989), trú tại phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, bình thường khu vực bên ngoài dành cho ô tô đổ xăng nhưng hôm nay cũng không còn lối vào.

“Cây xăng luôn trong tình trạng xếp hàng chật kín, ô tô đỗ phía lòng đường phải di chuyển tránh ùn tắc. Dù chưa quan tâm đến giá nhưng xe gần hết xăng phải đổ vì không thể dắt xe được...”, anh Tiến nói.

Tại Trạm xăng dầu Cầu Giấy, đường Dương Đình Nghệ, anh Nguyễn Văn Thắng - phường Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm) cho biết, mất gần 30 phút xếp hàng mới đổ được bình xăng cho xe máy.

“Lúc 14 giờ tôi xếp hàng thì 14 giờ 30 phút mới đổ xăng xong. Lượng xe máy, ô tô nhiều, có phương tiện không đủ kiên trì nhất là xe máy đã bỏ đi...”, anh Thắng chia sẻ. Theo anh Thắng, nghe tin tăng giá xăng nên đi đổ chứ không rõ tăng bao nhiêu. “Tâm lý chung là đổ xăng trước khi tăng giá chiều nay, còn tăng bao nhiêu chưa nắm được...”, anh Thắng nói.

Còn chị Nguyễn Thị Thu Trang (SN 1993) trú tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì sau khi chờ 30 phút tại Trạm xăng Cầu Giấy thấy dòng người chờ đợi vẫn đông đã thất vọng ra về. “Mình định đổ đầy bình xe máy Vison, tuy nhiên đợi lâu, nắng nóng đành để chiều có tăng giá đổ sau...”, chị Trang nói.

Cũng tại Trạm xăng Cầu Giấy, do lưu lượng phương tiện đổ xăng đông khiến cho nhân viên tại đây làm việc hết công suất. Ngay cả cột bơm dành cho ô tô cũng có tình trạng xe máy di chuyển vào đợi đổ xăng.

Liên Bộ họp bàn, tháo gỡ khó khăn

Chiều 11/10, liên Bộ Tài chính – Công Thương vừa điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong kỳ điều chỉnh hôm 11/10. Thời gian áp dụng là từ 15 giờ.

Cụ thể, tại đợt điều chỉnh lần này, giá xăng E5 RON 92 tăng 560 đồng/lít, lên 21.710 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 560 đồng/lít, lên 22.440 đồng/lít. Tương tự, giá dầu hỏa tăng 1.140 đồng/lít, lên 23.270 đồng/lít; dầu diesel tăng 1.960 đồng/lít, lên 24.640 đồng/lít. Như vậy, giá xăng dầu đã có lần đầu tăng giá sau 4 phiên giảm giá liên tiếp.

Tại kỳ điều hành ngày 11/10, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã tăng mức chi phí vận chuyển xăng dầu từ nhà máy về cảng và mức premium trong nước (chi phí theo bình quân gia quyền sản lượng xăng dầu doanh nghiệp đầu mối phải trả cho nhà máy lọc dầu hoặc đơn vị bao tiêu sản phẩm nhà máy lọc dầu) tại giá cơ sở xăng dầu.

Theo thống nhất của liên Bộ, premium trong nước với xăng RON92 (xăng nền pha chế E5RON92), RON95 tăng 350 đồng, lên 1.320 - 1.340 đồng/lít; dầu diesel là 30 đồng/lít; dầu hỏa và mazut 0 đồng. Chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về cảng với xăng RON92 (xăng nền để phối trộn E5RON92) tăng 40 đồng lên 290 đồng/lít; RON 95 tăng 70 đồng lên 280 đồng/lít; dầu diesel được tăng lên 240 đồng; dầu hỏa, dầu mazut 0 đồng.

Dữ liệu của Bộ Công Thương cập nhật giá xăng dầu đến ngày 7/10 của Bộ Công Thương cho thấy, xăng RON 95-III nhập khẩu có giá 96,75 USD/thùng, xăng E5 RON 92 94,37 USD/thùng, dầu diesel vọt lên 143,22 USD/thùng. Trên thị trường thế giới, giá dầu cũng tăng trở lại trong các phiên gần đây.

Thông tin từ Bộ Công Thương gửi các cơ quan báo chí chiều tối 10/10, trong những ngày gần đây, có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tập trung tại một số tỉnh, thành phố như: TPHCM, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk…

Bộ Công Thương khẳng định, hiện tượng này không phải phổ biến, có hơn 100 cửa hàng đóng cửa trong tổng số 17.000 cửa hàng đang hoạt động. Một số cửa hàng khác thiếu hụt nguồn hàng.

Nguyên nhân chính của hiện tượng trên là do từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng mạnh, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng. Bởi vậy, chủ yếu chỉ duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của doanh nghiệp mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định.

Nhiều doanh nghiệp đã giảm mạnh chiết khấu bán hàng để hạn chế việc lấy nhiều hàng của các đại lý bán lẻ, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thua lỗ. Ngoài ra, tình hình bão lũ vừa qua cũng ảnh hưởng một phần đến việc giao hàng của các doanh nghiệp, dẫn đến gián đoạn hoặc thiếu hụt nguồn cung cục bộ tại một số địa phương.

Trong thông tin gửi báo chí, dự kiến (ngày 12/10), Bộ Công Thương tổ chức cuộc họp với Bộ Tài chính, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho kinh doanh xăng dầu.

Đồng thời, Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường trên toàn quốc phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trên địa bàn (đầu mối là Sở Công Thương) tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường một cách chặt chẽ ở khâu bán lẻ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bạn có thể tận hưởng sự gắn kết thể xác với bạn tình và có một mối quan hệ yêu đương, nhưng vì lý do nào đó, bạn trở nên ít hứng thú với tình dục. (Ảnh: ITN)

Khi nàng rối loạn ham muốn 'yêu'

GD&TĐ - Rối loạn ham muốn ở phụ nữ là một loại rối loạn chức năng tình dục khiến người trong cuộc có rất ít hoặc không có hứng thú với chuyện ấy.
Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.