Xác định thủ phạm làm tuyệt chủng động vật lớn ở biển

GD&TĐ - Từ lâu, các nhà khoa học đã đặt vấn đề, các sự kiện vũ trụ như vụ nổ siêu tân tinh, có thể có ảnh hưởng đến sự sống trên Trái đất. Nghiên cứu của các nhà khoa học dưới sự điều hành của Giáo sư Andrian Melott ở ĐH Kansas (Mỹ) đã liên kết vụ nổ siêu tân tinh từ 2,6 triệu năm trước với sự kiện tuyệt chủng hàng loạt.

Xác định thủ phạm làm tuyệt chủng động vật lớn ở biển

Các chứng cứ được tìm thấy không chỉ trong hóa thạch mà còn trong các vỉa quặng đồng vị bức xạ sắt 60 (Fe 60) và trong cái gọi là bong bóng địa phương hay bong bóng cục bộ (local bubble) – tức là khu vực không gian liên sao, có mật độ vật chất thấp, hình thành do vụ nổ của ít nhất là một siêu tân tinh.

Fe 60 là chất đồng vị phóng xạ, vốn không gây ra cái chết cho các loài động vật. Thế nhưng nó lại là chứng cứ cho vụ nổ siêu tân tinh, bởi nó chỉ có thể đến Trái đất sau khi có vụ nổ như vậy. Fe 60 có tính chất không bền, sau quá trình phân rã sẽ trở thành niken.

Chu kỳ bán rã của đồng vị này chứng tỏ nó đến Trái đất từ 2,6 triệu năm trước và có liên quan đến vụ nổ siêu tân tinh cũng như sự tuyệt chủng động vật lớn ở biển.

Mối liên quan thứ hai đã tồn tại từ lâu trong khu vực vũ trụ gần chúng ta trong bong bóng địa phương. Đây là khoảng không gian trống rỗng ở trung tâm liên sao; bao gồm khí, plasma, bụi và các dạng năng lượng khác nhau như neutrino hoặc bức xạ điện từ. Hệ Mặt trời nằm ở rìa bong bóng này.

Vụ nổ của ít nhất một siêu tân tinh có thể đã đẩy toàn bộ số bụi vật chất ra khỏi không gian vũ trụ xung quanh và tạo nên bong bóng với bán kính gần 300 năm ánh sáng. Điều này được thể hiện trong một loạt sự kiện liên kết giữa sự tuyệt chủng và vụ nổ siêu tân tinh. Tuy nhiên, bong bóng địa phương cũng không phải là thủ phạm.

Theo các nhà khoa học, thủ phạm đích thực gây ra sự tuyệt chủng là các hạt cơ bản muon. Đó là những hạt không bền vững, lẽ ra chúng phải phân rã ở đâu đó trên đường đến Trái đất; tuy nhiên do có vận tốc di chuyển cao, gần bằng vận tốc ánh sáng nên chúng vẫn đến được Trái đất trong tình trạng “hoàn toàn khỏe mạnh”.

Trong quá trình nổ siêu tân tinh, số lượng muon tăng lên vài trăm lần. Các cơ thể đã thích nghi với mức bức xạ nền nhất định gặp phải thử thách lớn, đặc biệt là những loài động vật có diện tích cơ thể lớn. Chúng bị nhiễm xạ nặng nề.

Chính vì vậy, các vụ nổ siêu tân tinh đã làm tăng số lượng các hạt muon bay đến Trái đất, khiến số động vật, đặc biệt là động vật kích thước lớn, bị mắc bệnh ung thư tăng cao. Điều đó dẫn đến sự tuyệt chủng hàng loạt của nhiều loài, trong đó có loài cá mập megalodon với kích thước tương đương những chiếc xe buýt ngày nay.

Theo Nauka

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.