Theo thông tin từ Cơ quan chức năng huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng): Địa phương này xuất hiện đàn sâu lạ màu xanh chúng có khả năng làm rung cả cây tràm khi nghe tiếng người hoặc phát hiện có người dân tiếp cận chúng.
Ông Nguyễn Văn Đầy - Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Mỹ Tú, người thường xuyên thực tiếp theo dõi loài sâu lạ) - cho biết: Khi có tiếng động, phần đuôi của con sâu lạ bám chặt thân cây, còn phần đầu thì lắc lia lịa làm rung lá cây.
“Hồi đó tới giờ, tôi chưa thấy con sâu nào có phản ứng như vậy. Hành động này như một dạng phòng thủ, thông báo cho nhau có dấu hiệu bất lợi với chúng”, ông Đầy nói.
Theo ông Đầy, những hình ảnh, hành động về loại sâu trên đã được ông quay phim, chụp ảnh lại gửi Trường Đại học Cần Thơ, Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long và Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam ở Tiền Giang để các nhà khoa học theo dõi tập quán sinh sống và định danh loài sâu lạ trên.
“Mặc dù dễ giết loại sâu lạ này bằng thuốc hoá học, nhưng cách làm này bị phản tác dụng. Khi phun thuốc hoá học, sâu chết thì các loại thiên địch cũng chết theo. Vì vậy, khi đợt sâu non mới xuất hiện, không còn thiên địch ăn chúng, chúng sẽ dễ phán tán hơn. Đây cũng là lý do tại sao vườn tràm càng phun thuốc hoá học nhiều thì thiệt hại càng nặng”, ông Đầy - cho biết.
Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Mỹ Tú, hiện nay, trên địa bàn huyện có khoảng 125 ha vườn tràm bị sâu lạ tấn công, các vườn tràm bị thiệt hại từ 10 - 30% lá, làm giảm năng suất đáng kể.
Đợt sâu gần nhất đang già và làm kén để kết thúc vòng đời kéo dài khoảng 30 - 35 ngày. Một số nông dân thấy tràm còn nhiều sâu đã phun thuốc tiêu diệt hoặc đốn cây bỏ.