Xác định mục tiêu, chuẩn đầu ra của từng bậc học, môn học

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Về nội dung này, báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT của Bộ GDĐT cho biết, đối với giáo dục mầm non, Bộ GDĐT đã ban hành chương trình giáo dục mầm non, theo đó quy định giáo dục mầm non phải đảm bảo giúp trẻ em phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào lớp một;

Hình thành và phát triển ở trẻ em những chức năng tâm sinh lí, năng lực và phẩm chất mang tính nền tảng, những kĩ năng sống cần thiết phù hợp với lứa tuổi, khơi dậy và phát triển tối đa những khả năng tiềm ẩn, đặt nền tảng cho việc học ở các cấp học tiếp theo và cho việc học tập suốt đời.

Đối với giáo dục phổ thông: Bộ GDĐT đã thông qua Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, theo đó quy định về mục tiêu, các phẩm chất, năng lực của từng bậc học từ tiểu học, THCS và THPT .

Đối với giáo dục nghề nghiệp: Năm 2017, hoàn thiện chuyển giao, kiểm định và công nhận 22 bộ chương trình cho 22 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế từ Cộng hòa Liên bang Đức. Dự kiến cuối năm 2018, sẽ xây dựng xong 159 bộ quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng (chuẩn đầu ra) cho 169 ngành, nghề.

Đối với giáo dục đại học, Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư hướng dẫn và chỉ đạo các trường đổi mới công tác xây dựng chương trình đào tạo, trong đó có sự tham gia của các nhà quản lý, các nhà sử dụng lao động; xây dựng và công bố chuẩn đầu ra theo từng ngành đào tạo.

Hầu hết các cơ sở giáo dục đại học đã tích cực rà soát, điều chỉnh, đổi mới chương trình đào tạo theo hướng hiện đại, phù hợp với từng ngành, nhóm ngành đào tạo và việc phân tầng của hệ thống giáo dục đại học, tăng cường năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, đạo đức nghề nghiệp và hiểu biết xã hội, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động.

Đào tạo kết hợp với doanh nghiệp được xem là một yêu cầu đột phá của nhiều trường trong các hoạt động xây dựng chương trình giảng dạy, thực tập, kiến tập….

Các cơ sở giáo dục đại học đã tích cực, chủ động đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy theo hướng tiếp cận năng lực, tăng cường kỹ năng ứng dụng và thực hành, chú trọng đạo đức nghề nghiệp và hiểu biết xã hội; quan tâm hơn đến phát triển các kỹ năng mềm, hoạt động ngoại khóa giúp sinh viên phát triển năng khiếu và tính sáng tạo, chủ động hội nhập và chấp nhận cạnh tranh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ