Xác định mộ của Copernicus nhờ… sợi tóc

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Là nhà khoa học thiên tài nhưng nhiều thế kỷ sau khi Nicholas Copernicus qua đời, phần mộ của ông đã bị lịch sử lãng quên.

Nicholas Copernicus.
Nicholas Copernicus.

Trong khi những người cùng thời với Nicholas Copernicus cho rằng Trái đất của chúng ta đứng yên và là trung tâm của vũ trụ, thì ông đã phát hiện điều ngược lại.

Là nhà khoa học thiên tài nhưng nhiều thế kỷ sau khi ông qua đời, phần mộ của Copernicus đã bị lịch sử lãng quên. Mãi đến gần đây, các nhà khoa học mới xác định hài cốt của ông nhờ vào mấy sợi tóc còn vương lại trong một quyển sách.

Lý thuyết mới về vũ trụ

Nicholas Copernicus sinh ra ở Torun, miền Bắc Ba Lan vào năm 1473, là con út trong gia đình có bốn người con. Sau cái chết của người cha, ông được một người chú đảm nhận trách nhiệm giáo dục. Ban đầu, ông học tại Đại học Kraków (Ba Lan) từ năm 1491 - 1494, sau đó tại các trường đại học ở Bologna, Padua và Ferrara thuộc Italy.

Học xong Y học, Giáo luật, Thiên văn toán học và Chiêm tinh, Copernicus trở về nước vào năm 1503 và làm việc cho một người chú rất có thế lực ở Warmia. Copernicus vừa làm thầy thuốc, vừa tiếp tục nghiên cứu toán học. Vào thời điểm đó, cả thiên văn học và âm nhạc đều được xem là những nhánh của toán học.

Năm 1517, ông phát triển lý thuyết “Số lượng tiền tệ”, sau này được John Locke và David Hume trình bày lại và được Milton Friedman phổ biến vào những năm 1960. Năm 1519, ông đưa ra khái niệm mà ngày nay được gọi là “Định luật Gresham”, một nguyên tắc tiền tệ nhằm giải quyết vấn đề lưu thông và định giá tiền.

Nền tảng cho những đóng góp trong lĩnh vực khoa học của Copernicus là mô hình mang tính cách mạng về vũ trụ. Trái ngược với mô hình Ptolemaic phổ biến, cho rằng Trái đất đứng yên, là trung tâm của vũ trụ, Copernicus lập luận, Trái đất và các hành tinh khác quay quanh Mặt trời. Ông còn so sánh kích thước của quỹ đạo hành tinh bằng cách biểu thị chúng theo khoảng cách giữa Mặt trời và Trái đất.

Nhận ra những ý tưởng của mình trái với quan điểm phổ biến của những người cùng thời, Copernicus luôn tỏ ra cẩn trọng. Do đó, kiệt tác De Revolutionibus Orbium Coelestium (về sự chuyển động của các thiên thể) chỉ được xuất bản ngay trước khi ông qua đời vào năm 1543.

Việc cho ra đời tác phẩm này đã tạo tiền đề cho những thay đổi đột phá trong hiểu biết của chúng ta về vũ trụ, giúp các nhà thiên văn học tương lai, chẳng hạn như Galileo, người sinh ra hơn 20 năm sau cái chết của Copernicus, có nhiều thuận lợi trong nghiên cứu.

Nơi an nghỉ hiện nay của nhà khoa học thiên tài Nicholas Copernicus.

Nơi an nghỉ hiện nay của nhà khoa học thiên tài Nicholas Copernicus.

Cuộc tìm kiếm thế kỷ

Sau khi Copernicus qua đời, ngôi mộ của ông được cho là nằm ở đâu đó trong nhà thờ Frombork, lẫn trong số hơn một trăm ngôi mộ khác, hầu hết đều không có tên. Đã có nhiều cuộc tìm kiếm, trong đó có nỗ lực của Hoàng đế Pháp Napoléon năm 1807, người rất coi trọng những thành tựu của nhà khoa học thiên tài này, nhưng đều không thành công. Từ đó, nơi an nghỉ của Copernicus cũng dần bị lãng quên.

Mãi đến năm 2005, một nhóm nhà khảo cổ học người Ba Lan mới tiếp tục công việc tìm kiếm này. Họ được hướng dẫn bởi lý thuyết của nhà sử học Jerzy Sikorski. Ông suy luận rằng, Copernicus từng là giáo sĩ của nhà thờ Frombork, chịu trách nhiệm chăm sóc Bàn thờ Thánh Wacław, ngày nay được gọi là Bàn thờ Thánh giá, nên chắc sẽ được chôn cất gần nơi này.

Một cuộc khai quật đã tìm thấy 13 hài cốt tại đây, trong đó có một bộ xương không hoàn chỉnh của một người đàn ông từ 60 - 70 tuổi, mà các nhà khảo cổ cho rằng khớp nhất với Copernicus.

Từ hộp sọ này, các chuyên gia tại phòng thí nghiệm pháp y trung ương ở Warsaw đã tái tạo khuôn mặt qua máy vi tính và so sánh với các bản sao chân dung Copernicus. Khuôn mặt tái tạo tiết lộ một người đàn ông trông giống như Copernicus, với đặc điểm có một vết sẹo trên trán.

Ngoài các nghiên cứu về hình thái, phân tích DNA thường được sử dụng để xác định các hài cốt cổ xưa. Tuy nhiên, có một trở ngại khiến các nhà khoa học bối rối: Không có hài cốt nào được biết đến từ họ hàng của Copernicus, do đó, việc đối chiếu qua xét nghiệm DNA là không thể.

Vào năm 2006, một phát hiện mới đã giúp giải quyết điều này. Trong quyển sách thiên văn mà Copernicus sử dụng nhiều năm còn vương lại 9 sợi tóc nằm giữa các trang.

Quyển sách này đã được người Thụy Điển thu giữ như một chiến lợi phẩm, sau cuộc xâm lược Ba Lan của họ vào giữa thế kỷ 17 và hiện thuộc quyền sở hữu của Bảo tàng Gustavianum tại Đại học Uppsala (Thụy Điển). Một cuộc kiểm tra tỉ mỉ đã tiết lộ các sợi tóc thuộc về người sử dụng chính cuốn sách, khả năng cao là của Copernicus.

Những sợi tóc được so sánh với DNA từ răng và xương của bộ hài cốt được phát hiện. Kết quả cho thấy cả DNA ty thể từ răng và mẫu xương đều khớp với DNA của những sợi tóc.

Từ đó, các nhà khoa học mạnh dạn xác định hài cốt được phát hiện gần Bàn thờ Thánh giá ở nhà thờ Frombork là của Nicholas Copernicus. Vào năm 2008, họ công bố phát hiện này ra toàn thế giới.

Vào tháng 5/2010, tức 467 năm sau khi qua đời, Nicholas Copernicus, nhà thiên văn học lỗi lạc và anh hùng dân tộc của Ba Lan, một lần nữa được yên nghỉ tại thánh đường Frombork. Lần này, các chức sắc cao cấp của nhà thờ đã dành cho ông nghi lễ an táng trọng thể. Ngày nay, du khách đến Frombork xinh đẹp đều có thể đến thăm ngôi mộ của một nhân vật lỗi lạc thời kỳ Phục hưng, người đã thay đổi quan niệm của chúng ta về vũ trụ.

Theo Theconversation

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ