Xác định được nghi phạm đe dọa bắn hạ máy bay Vietnam Airlines

GD&TĐ - Cảnh sát Nhật Bản đã xác định một trường hợp nghi phạm đe dọa bắn máy bay Vietnam Airlines và đã mời lên làm việc.

Hành khách trên chuyến bay VN5311. Ảnh: Diễn đàn hàng không.
Hành khách trên chuyến bay VN5311. Ảnh: Diễn đàn hàng không.

Theo thông tin trên Báo Giao thông (Bộ Giao thông Vận tải), nghi phạm là một người đàn ông Nhật Bản, đã theo dõi thông tin chuyến bay được đăng tải công khai trên mạng internet và phát sinh hành động đe dọa an ninh an toàn. Thông tin ban đầu cho thấy người đàn ông này thực hiện hành vi đe dọa một mình, không có đồng phạm.

Qua thẩm vấn cho thấy, nghi phạm khai báo có hành vi đe dọa bắn hạ máy bay của Việt Nam nhưng không có động cơ, không có mục đích.

Đáng chú ý, là người này có những biểu hiện về vấn đề sức khỏe, thần kinh không bình thường. Việc đe dọa an ninh an toàn được xác định là có nhưng không nguy hiểm. Hiện nay, cơ quan chức năng Nhật Bản vẫn đang tiếp tục xác minh làm rõ vụ việc và chưa có kết luận chính thức.

Như thông tin đã đưa, chuyến bay VN5311 sử dụng máy bay B787-868 từ Narita - Nhật Bản về Hà Nội khởi hành lúc 10 giờ 30 ngày 5-1 (giờ địa phương) với 15 thành viên tổ bay cùng 47 hành khách. Đây là chuyến bay thương mại đầu tiên từ Nhật Bản về Việt Nam của Vietnam Airlines, kể từ khi hai nước khôi phục đường bay thường lệ.

Khoảng 11 giờ 10 (giờ địa phương), Chi nhánh Vietnam Airlines tại Nhật Bản nhận được 1 cuộc điện thoại từ 1 đối tượng giọng nam giới tự xưng là người Mỹ, nói tiếng Nhật, với nội dung trao đổi: "Chuyến bay VN5311 tốt nhất là quay lại Narita, nếu không sẽ bị bắn hạ khi bay qua Vịnh Tokyo", "Tôi đang chuẩn bị bắn VN5311 khi bay qua Vịnh Tokyo, tốt nhất nên quay lại".

Thời điểm này, chuyến bay VN5311 đã bay được khoảng 40 phút và chuẩn bị bay qua Vịnh Tokyo. Ngay sau khi nhận cuộc điện thoại đe dọa nêu trên, chi nhánh Vietnam Airlines tại Nhật Bản đã báo cáo nhanh vụ việc về Tổng công ty Hàng không Việt Nam. Tổng công ty đã báo cáo vụ việc cho Nhà chức trách Nhật Bản, Cục Hàng không Việt Nam và các cơ quan chức năng của Bộ Công an, đồng thời triệu tập cuộc họp của Ủy ban Khẩn nguy và Tiểu ban chỉ đạo phòng chống khủng bố của Tổng công ty Hàng không Việt Nam.

Sau khi được sự đồng ý của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh - Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia - và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đã chỉ đạo Vietnam Airlines xin phép nhà chức trách hàng không Nhật Bản chuyển hướng máy bay hạ cánh xuống sân bay Fukuoka, Nhật Bản.

Khi đã xác định chuyến bay an toàn, không có dấu hiệu bất thường, nhà chức trách và Cảnh sát sân bay Fukuoka đã thông báo cho phép chuyến bay VN5311 khởi hành về Hà Nội. Vietnam Airlines báo cáo Cục Hàng không Việt Nam và quyết định cho chuyến bay VN5311 khởi hành lúc 15h48 (giờ địa phương) từ sân bay Fukuoka tiếp tục hành trình về Hà Nội. Vào hồi 18h12 phút (giờ Việt Nam) ngày 5.1.2022, chuyến bay VN5311 hạ cánh an toàn xuống Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài.

Liên quan đến vụ việc máy bay Vietnam Airlines bị dọa bắn sau khi cất cánh tại Nhật Bản hôm 5/1, ông Tô Tử Hùng, Trưởng phòng An ninh hàng không (Cục Hàng không Việt Nam) cho biết, phương án xử lý đã nằm trong các kịch bản được lường trước.

Vietnam Airlines kịp thời triển khai quy trình ứng phó khẩn nguy an ninh để xử lý vụ việc theo đúng quy định, bảo đảm an toàn cho chuyến bay.

Thông tin trên Báo Dân Việt, ông Lê Hồng Hà - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines - đánh giá sự việc uy hiếp an toàn hàng không nhưng không phải là quá cao và khẳng định tin tưởng vào hệ thống an ninh hàng không nói chung của Nhật Bản.

"Trên thực tế, việc bắn hạ máy bay là khó bởi khi đó máy bay đã bay bằng ở độ cao hơn 10.000 m, cơ quan an ninh đánh giá nếu bắn hạ máy bay cự ly đó thì phải sử dụng rocket hạng nặng. Tuy nhiên, mọi thông tin liên quan tới an ninh an toàn đều phải xử lý như thật, mọi trường hợp đều không được phép lơ là, chủ quan. Tình huống khẩn nguy xảy ra với chuyến bay đã được xử lý rất tốt và tôi đánh giá cao tổ bay" - ông Hà nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Máy bay chiến đấu F-16C của Không quân Singapore. (Ảnh: Singapore Airshow 2022)

Tiêm kích F-16 rơi

Thế giới
GD&TĐ - Một chiếc tiêm kích F-16 của Không quân Singapore (RSAF) rơi tại căn cứ không quân Tengah ngay sau khi cất cánh ngày 8/5.

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Khâu trọng yếu

GD&TĐ - Để Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 diễn ra an toàn, nghiêm túc yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất...