Xác định chương trình hành động của ngành tư pháp năm 2019

GD&TĐ - Chiều 8/1, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2019. Dự Hội nghị có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham dự Hội nghị
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham dự Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điểm lại và đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành tư pháp năm 2018, tuy nhiên, cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập cần khắc phục; nhất là một số văn bản chưa theo kịp thực tiễn, thiếu khả thi. Có văn bản mới ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung.

Theo Thủ tướng, nhiều vụ việc thanh tra, điều tra vừa qua ở nhiều bộ, ngành, địa phương cho thấy có nhiều vi phạm trong quản lý Nhà nước như đất đai, tài sản công, cổ phần hóa, vụ việc AVG, Thủ Thiêm, nhất là tại địa bàn Đà Nẵng, Khánh Hòa, TPHCM, Hà Nội và nhiều địa phương khác. “Điều này nói lên cái gì? Cán bộ pháp chế, tư pháp suy nghĩ gì”, Thủ tướng nhấn mạnh. Với vai trò là “người gác gôn” về pháp luật thì “các đồng chí đã làm hết trách nhiệm trong tham mưu cho lãnh đạo chưa hay góp ý rồi mà lãnh đạo không nghe”. Có vấn đề gì trong cơ chế tham mưu của cán bộ tư pháp với lãnh đạo. Thủ tướng nhấn mạnh cán bộ tư pháp cần làm hết chức trách, nhiệm vụ trong công tác tư vấn thì sai phạm ít xảy ra…

Tại Hội nghị, Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Tư pháp làm tốt hơn vai trò gác gôn của Chính phủ trước các vấn đề pháp lý quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích của quốc gia, dân tộc, Bộ cần chú trọng đào tạo cán bộ pháp luật có đủ trình độ tham gia các vụ tranh chấp quốc tế... 

Nhấn mạnh chương trình hành động của Chính phủ với phương châm “12 chữ” trong đó có chữ “bứt phá”, Thủ tướng đặt vấn đề, nội dung “bứt phá” của Bộ Tư pháp là gì? Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu là “năm 2019 phải hơn năm 2018”, vậy năm 2019 của ngành tư pháp hơn 2018 là gì?

Thủ tướng nêu rõ, với chức năng vai trò được giao, Bộ Tư pháp cần xác định tập trung thực hiện tốt nhất nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế. “Các đồng chí là nhạc trưởng, là cơ quan gác cửa trong việc bảo đảm tính thống nhất, tính hợp pháp, tính hợp lý và khả thi của hệ thống pháp luật và là người gác gôn của Chính phủ trước các vấn đề pháp lý quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích của quốc gia, dân tộc”, Thủ tướng nói.

Về vai trò nhạc trưởng trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế của Bộ Tư pháp, Thủ tướng cho rằng, ngoài thực hiện chương trình luật, pháp lệnh mà Quốc hội thông qua, thì Bộ cần tham mưu cho Chính phủ nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện thể chế, để thực hiện các mục tiêu như tạo môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện cho khởi nghiệp…

Bên cạnh đó, Bộ cần đôn đốc, chủ trì hướng dẫn một số công việc chuẩn bị chương trình xây dựng pháp luật bảo đảm đúng tiến độ, đúng quy trình, khả thi, chất lượng, hiệu quả. Gương mẫu trình đúng thời hạn và bảo đảm chất lượng các dự án luật được giao chủ trì soạn thảo. Với vai trò gác cửa về tính hợp pháp, theo Thủ tướng, Bộ Tư pháp cần kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng xem xét xử lý việc ban hành văn bản trái luật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ