Xã hội đồng lòng góp sức, kỳ thi thành công

Xã hội đồng lòng góp sức, kỳ thi thành công

(GD&TĐ) - Buổi thi sáng 10/7 với khối B thi Hóa học, khối C và D thi Ngữ văn, đã khép lại đợt thi thứ hai của kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ năm 2013. Các trường đang tích cực chuẩn bị cho công tác chấm thi. Dự kiến kết quả sẽ được các trường công bố trước ngày 5/8.

Đề thi đáp ứng yêu cầu tuyển chọn

Giám thị cụm thi Vinh hướng dẫn, động viên thí sinh trước giờ thi
Giám thị cụm thi Vinh hướng dẫn, động viên thí sinh trước giờ thi

Đánh giá chung về 2 đợt thi, ông Ngô Kim Khôi – Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng GD cho biết: Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2013 tiếp tục giữ ổn định và thực hiện theo giải pháp “3 chung” (chung đợt, chung đề và sử dụng chung kết quả thi để xét tuyển).

Các trường đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, quy định về Quy chế tuyển sinh, tăng cường tập huấn cho giám thị. Kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, kỷ luật phòng thi được siết chặt, không thí trường thi trật tự, an toàn. Các vi phạm Quy chế  tuyển sinh được phát hiện, xử lý nghiêm túc, kịp thời.

Đề thi ĐH của cả 2 đợt thi được bảo mật an toàn tuyệt đối trong tất cả các khâu từ soạn thảo, in sao đến vận chuyển tới các Hội đồng thi, các điểm thi và phòng thi. Theo đánh giá ban đầu của các chuyên gia giáo dục, các nhà khoa học, quản lý, các thầy cô giáo, dư luận xã hội, cũng như của thí sinh, đề thi của tất cả các môn thi không có sai sót, nội dung nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12; bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT, phù hợp với thời gian làm bài; kiểm tra được kiến thức cơ bản, năng lực vận dụng kiến thức, đồng thời có khả năng phân hóa được trình độ của thí sinh, đáp ứng yêu cầu của kỳ thi tuyển chọn.

Đặc biệt đề thi môn Địa lý có nội dung gắn với thực tiễn và tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Đó là vấn đề biển đảo, vấn đề an ninh và tài nguyên biển của Việt Nam. Qua đó góp phần xác định cho thế hệ trẻ về chủ quyền biển đảo, về sử dụng, khai thác tài nguyên, cũng như giá trị của biển và hải đảo trong vai trò bảo vệ đất nước.

Trong 3 buổi thi của đợt 2, trên phạm vi cả nước, có 199 thí sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật (khiển trách: 43; cảnh cáo: 13; đình chỉ: 143), số bị đình chỉ thi chủ yếu mang điện thoại di động và tài liệu trái phép vào phòng thi; có 3 cán bộ tham gia công tác tuyển sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật, trong đó 2 khiển trách, 1 bị đình chỉ.

Nhìn chung ở đợt thi thứ 2 thời tiết mát mẻ, thuận lợi cho thí sinh làm bài thi và việc đi lại của thí sinh. Cả hai kỳ thi đều không xảy ra hiện tượng ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, thí sinh đến dự thi đúng giờ. Điện nước được cung cấp ổn định, thông tin liên lạc thông suốt. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được đảm bảo tuyệt đối. Tại Thái Nguyên, do mưa to vào đầu giờ sáng ngày 10/9, nhưng do có sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của các cơ quan hữu quan (quân đội, công an, sinh viên tình nguyện,…) nên thí sinh đến dự thi đúng giờ, không có thí sinh đến muộn không được dự thi.

Sự vào cuộc của cả xã hội

Thí sinh ra về sau khi hoàn thành bài thi
Thí sinh ra về sau khi hoàn thành bài thi

Làm nên thành công chung của kỳ thi là do công tác chuẩn bị và tổ chức được thực hiện tích cực và chu đáo từ Trung ương đến các trường. Bộ GD&ĐT, các bộ, ban, ngành, UBND các tỉnh, thành phố, các trường ĐH đã ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đáp ứng yêu cầu và bảo đảm tiến độ tổ chức.

Chiều 10/7, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bùi Văn Ga – Trưởng Ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH, CĐ 2013, Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo công bố thành công của 2 đợt thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013. Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã đánh giá cao nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ của các Hội đồng thi, tinh thần trách nhiệm cao của giám thị, đặc biệt là sự đồng lòng, góp sức của các bộ, ban, ngành và toàn xã hội.

Các trường ĐH đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, vật lực phục vụ tổ chức thi; các giải pháp bảo mật đề thi, bảm đảm an ninh, an toàn, trật tự trường thi được triển khai. Các phương án dự phòng được xây dựng để ứng phó kịp thời với các tình huống bất thường có thể xảy ra. Đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các lực lượng xã hội, thanh niên, sinh viên tình nguyện và phụ huynh để đảm bảo an toàn về đi lại, ăn ở, an ninh, trật tự cho thí sinh.

Theo đề nghị của Bộ GD&ĐT, các bộ, ban, ngành, các địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội và các tổ chức xã hội đã phối hợp đồng bộ, tích cực, có hiệu quả với ngành Giáo dục làm nên thành công chung của kỳ thi.

Chương trình tiếp sức mùa thi tiếp tục được triển khai có hiệu quả tại các tỉnh, thành phố lớn, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các trường đã huy động trên 35.000 lượt thanh niên, sinh viên tình nguyện tham gia phân luồng, giảm ùn tắc giao thông, hướng dẫn thí sinh đến các điểm thi, hỗ trợ việc đi lại, ăn ở cho thí sinh..... Đặc biệt các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, các tổ chức đoàn thể... đã hỗ trợ hàng chục ngàn chỗ trọ miễn phí hoặc giá rẻ; hàng ngàn suất ăn miễn phí hoặc giá rẻ cho thí sinh; hỗ trợ hàng chục ngàn vé xe buýt cho thí sinh di chuyển đến điểm thi, nhất là thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, thí sinh miền núi, vùng sâu, vùng xa... Các hội Phật tử và các tổ chức xã hội cùng tham gia hỗ trợ lưu trú và sinh hoạt miễn phí cho thí sinh. Điều này thể hiện nghĩa cử tốt đẹp và mang ý nghĩa xã hội nhân văn sâu sắc của toàn xã hội đối với sự nghiệp GD-ĐT nước nhà.

Trên toàn quốc có 133 trường ĐH  tổ chức thi đợt I và 125 trường ĐH tổ chức thi đợt II; với tổng số thí sinh đăng ký dự thi cả 2 đợt là 1.673.628, số thí sinh đến dự thi là 1.298.522 (đạt tỷ lệ 77,60%, giảm 0,70% so với 2012). Các trường đã huy động 141.632 lượt cán bộ tham gia công tác tuyển sinh.

Trong cả 2 đợt, các Hội đồng thi đã xử lý 333 thí sinh vi phạm quy chế; trong đó khiển trách 62, cảnh cáo 17, đình chỉ thi 254, đến muộn không được dự thi 6. Có 19 cán bộ tham gia công tác tuyển sinh bị xử lý kỷ luật, trong đó khiển trách 7 và kỷ luật 3.

DH

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.