(GD&TĐ) – Gần 2 tháng sau khi trang web WikiLeaks tiết lộ một loạt thông tin ngoại giao Mỹ, đến nay, trang web này đã công bố 2.658 tài liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ - chỉ hơn 1% so với số tài liệu trang web này có được.
Sau đây là những tác động của việc tiết lộ thông tin và tương lai cho WikiLeaks.
Vén tấm rèm về các mối quan hệ trên thế giới
WikiLeaks đã cho thế giới thấy được bức tranh phía sau của ngoại giao Mỹ. Trong số những tiết lộ gây chú ý là những thông tin về các nước A rập đã vận động hành lang cho một cuộc tấn công Iran, Trung Quốc có kế hoạch cho sự sụp đổ của liên minh Triều Tiên và Ngoại trưởng Hillary đã ra lệnh cho các nhà ngoại giao Mỹ thu thập các mật khẩu máy tính, dấu vân tay và thậm chí cả ADN của các vị đồng nhiệm nước ngoài.
Anthony Cordesman, một nhà phân tích của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu thế giới ở Washington lưu ý rằng một vài tài liệu có thể không gây hậu quả lớn khi xem xét vào thời điểm mà chúng được viết ra. Ông cho rằng vấn đề Arab căng thẳng với Tehran đã kéo dài hàng năm và vấn đề này lại được khơi dậy vào thời điểm chương trình hạt nhân của Iran gây căng thẳng.
Về vấn đề lấy dấu vân tay và các thông tin cá nhân khác, ông Cordesman cũng nói rằng “không có cơ quan ngoại giao nào trên thế giới mà không phục vụ cộng đồng tình báo của mình”.
![]() |
Nguyên chủ ngân hàng Thụy Sĩ Rudolf Elmer trao 2 CD tài liệu cho Julian Assange, người sáng lập Wikileaks |
Các nhà lãnh đạo nói dối như thế nào?
Hết lần này đến lần khác, những thông tin rò rỉ lại cho thấy các nhà lãnh đạo thế giới nói dối lẫn nhau, nói dối liên minh và ngay cả với công dân của mình.
Carne Ross, nguyên là một nhà ngoại giao Anh đã từ chức cho biết, ví dụ điển hình về việc nói dối là năm 2009, thông tin tiết lộ rằng Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh nói về một quan chức cấp cao khác đã che đậy một loạt vụ tấn công của Mỹ bằng cách nói dối quốc hội. Đây chỉ là một trong nhiều vụ nói dối khác của quan chức cấp cao các nước
Ngoại giao Mỹ bị lắc lư
Bộ trưởng Ngoại giao Italia Franco Frattini đã gây một sự chú ý lớn khi ông mô tả việc WikiLeaks tiết lộ thông tin là “Vụ 11 tháng 9 đối với ngoại giao thế giới”. Ít nhất thì trang web này cũng khiến những nhân vật cỡ lớn trên thế giới tức giận. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu các nhà ngoại giao Mỹ phải bị trừng phạt vì cho rằng ông đã lấy tiền cho vào các ngân hàng Thụy Sĩ; rồi thông tin về những nỗ lực bảo vệ nhiên liệu hạt nhân ở Pakistan đã gây ra sự bất bình trong một quốc gia nơi sự thù ghét đối với Mỹ khá cao; các nước như Nga đã tức giận và buộc tội Mỹ ngạo mạn và không trung thực..
Thậm chí nếu Bộ Ngoại giao Mỹ có thể mau chóng phục hồi thì cá nhân các quan chức tại đây cũng gặp phải những tổn hại to lớn trong con đường sự nghiệp của mình.
Tháng trước, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore George Yeo đã nói rằng các quan chức nên bớt cởi mở khi nói chuyện với những người đồng nhiệm Mỹ.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Hiện chưa rõ WikiLeaks có công bố toàn bộ thông tin mà mình có được hay không nhưng người sáng lập Julian Assange vẫn liên tục hứa rằng sẽ mau chóng tung ra các tài liệu mật. Ngoài ra, dù chưa rõ trang web này đã đưa ra những bí mật quan trọng nhất hay chưa, nhưng WikiLeaks vẫn đang ngồi trên một đống dữ liệu bị rò rỉ từ hầu hết các nước trên thế giới, trong đó bao gồm những thư điện tử của Ngân hàng Mỹ mà Assange đã nhắc tới.
Thậm chí trang web của mình không còn thu nhận tài liệu nhưng Assange nói rằng những bí mật vẫn tiếp tục đến với ông ta. Một chủ ngân hàng Thụy Sĩ hiện đang bị bắt vì có liên quan đến WikiLeaks cũng đã đưa cho Assange một loạt bí mật mới nhất, những dữ liệu mà ông cho rằng mang thông tin chi tiết về việc trốn thuế của khoảng 2.000 nhân vật nổi tiếng.
Hà Châu (Theo AP)