WHO: Đóng cửa trường học có thể làm giảm mức độ lây lan cúm A/H1N1

WHO: Đóng cửa trường học có thể làm giảm mức độ lây lan cúm A/H1N1
Đóng cửa trường học đúng lúc và đúng cách sẽ làm giảm sự lây lan của cúm A/H1N1
Đóng cửa trường học đúng lúc và đúng cách sẽ làm giảm sự lây lan của cúm A/H1N1

“Việc đóng cửa trường học là một biện pháp tiên phong nhằm làm giảm sự lây bệnh trong trường học và lây lan ra cộng đồng” – WHO tuyên bố trên trang web của mình.

Theo WHO, lợi ích chính của việc đóng cửa trường học là làm chậm sự lây lan của ổ dịch trong một khu vực nhất định, do đó giảm mức độ lây lan cao điểm.

“Lợi ích của việc trên đặc biệt quan trọng khi số người cần được chăm sóc y tế khi dịch ở mức cao điểm sẽ đe dọa khả năng ứng phó của các trung tâm y tế quá tải”. Bằng việc làm chậm tốc độ lây lan, việc đóng cửa trường học cũng có thể tăng thêm thời gian cho các nước để tăng cường các biện pháp chuẩn bị hoặc cung cấp vaccine, thuốc chống virus và các biện pháp phòng ngừa khác.

Thời điểm đóng cửa cũng rất quan trọng. Các nghiên cứu cho rằng sẽ có lợi nhất khi các trường đóng cửa vào ngay thời điểm dịch bắt đầu bùng phát, lý tưởng là trước khi 1% cộng đồng bị cúm.

Tại một trường học ở Trung Quốc trong thời điểm có dịch cúm A/H1N1
Tại một trường học ở Trung Quốc trong thời điểm có dịch cúm A/H1N1

Dưới các điều kiện lý tưởng, việc đóng cửa trường học có thể làm giảm nhu cầu chăm sóc y tế từ 30-50% khi dịch ở mức cao điểm. Tuy nhiên, nếu các trường đóng cửa quá muộn khi dịch đã bùng phát mạnh ra cộng đồng thì việc giảm lây nhiễm sẽ rất thấp.

Các chính sách đóng cửa trường học cũng cần thêm các biện pháp giới hạn tiếp xúc giữa HS với nhau khi không đến trường. Nếu HS tụ tập ở một nơi không phải là trường học thì virus sẽ tiếp tục được lây lan và lợi ích của việc đóng cửa trường học sẽ giảm mạnh, nếu không muốn nói là phản tác dụng.

Chính phủ các nước nên xem xét thiệt hại về kinh tế và xã hội khi trường học đóng cửa để đối phó với dịch bệnh lây lan. Thiệt hại về kinh tế sẽ phát sinh khi các bậc phụ huynh phải nghỉ việc để trông con. Ngoài ra, việc đóng cửa trường học cũng có thể cản trở hoạt động của trung tâm y tế vì nhiều bác sĩ và y tá cũng là phụ huynh HS.

Hôm qua, WHO cũng cho biết, ít nhất 3.205 người trên toàn thế giới đã chết vì cúm A/H1N1 kể từ khi loại dịch này được phát hiện. Trong số những người đã chết, có 2.467 người ở châu Mỹ, 306 người ở khu vực tây Thái bình dương, còn lại các vùng khác là Đông Nam Á 221 người, châu Âu 125 người và châu Phi 35 người.  

Phương Hà (Theo Xinhua)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ