Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Đối tác loại trừ bệnh lao phổi (STBP) vừa ra cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn bùng nổ bệnh lao phổi ở trẻ em trên toàn cầu.
Ảnh MH (Nguồn Internet) |
Theo đó, WHO và STBP nhấn mạnh, trẻ em dưới 15 tuổi hiện đang đứng trước nguy cơ đặc biệt về bệnh lao phổi vì không được chẩn đoán và điều trị kịp thời do không được tiếp cận các dịch vụ y tế hoặc những người chăm sóc không sẵn sàng thừa nhận các dấu hiệu và những triệu chứng của bệnh này.
Một nguyên nhân khác là lao rất khó chẩn đoán. Những nước có thu nhập cao hiện nay sử dụng phương pháp xét nghiệm phân tử tinh vi để phát hiện lao cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, hầu hết các nước đang phát triển vẫn sử dụng phương pháp có từ cách đây 130 năm.
Theo thống kê, ít nhất có nửa triệu trẻ sơ sinh và trẻ em bị mắc bệnh lao phổi và 70.000 trẻ em đã chết vì bệnh này mỗi năm. Trẻ em dưới 3 tuổi hoặc trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng hoặc bị suy giảm hệ miễn dịch thuộc nhóm có nguy cơ cao nhất nhiễm lao phổi.
Bệnh lao phổi không chỉ tác động đến phổi, mà còn biến chứng thành những dạng nguy hiểm nhất của bệnh lao như lao màng não, để lại các di chứng như mù, điếc, liệt chi hoặc tàn tật về tinh thần. Vắcxin BCG là vắcxin duy nhất hiện nay chống lao phổi có tác dụng bảo vệ rất hạn chế chống biến chứng lao màng não ở trẻ em.
WHO và STBP lưu ý rằng, mặc dù thế giới đã giảm được 40% tỷ lệ người chết vì bệnh lao trên toàn cầu so với năm 1990 và hàng triệu người bị bệnh lao đã được cứu sống, nhưng bệnh lao ở trẻ em vẫn là dịch bệnh tiềm ẩn rất nguy hiểm ở hầu hết các nước trên thế giới.
Cũng theo WHO và STBP, trong bối cảnh này, bảo vệ trẻ em khỏi bệnh lao phổi phải là hành động toàn cầu. Nhân viên y tế cần được đào tạo tốt hơn và kết hợp hài hoà các chương trình y tế khác nhau để cung cấp những dịch vụ y tế tốt nhất cho trẻ em, thế giới có thể cứu được hàng trăm nghìn trẻ em khỏi bị chết vì lao phổi mỗi năm. Đây là trách nhiệm đòi hỏi sự hợp tác hiệu quả giữa các chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự và khu vực tư nhân.
Theo TTXVN