Wealth Report 2021: Dân số siêu giàu tại Việt Nam sẽ tăng vọt trong 5 năm tới

Dù giảm nhẹ trong năm 2020 do đại dịch, giới siêu giàu tại Việt Nam được dự báo có tốc độ tăng tưởng nhanh hàng đầu thế giới 5 năm tới...

Cá nhân siêu giàu là những người sở hữu tài sản trên 30 triệu USD - Ảnh: Reuters
Cá nhân siêu giàu là những người sở hữu tài sản trên 30 triệu USD - Ảnh: Reuters

Theo Báo cáo Thịnh vượng (Wealth Report) năm 2021 vừa được hãng tư vấn Knight Frank công bố, số lượng người siêu giàu tại Việt Nam đã giảm trong năm 2020 khi đại dịch Covid-19 bùng phát. 

Cụ thể, số lượng cá nhân siêu giàu - sở hữu tài sản có thể đầu tư trên 30 triệu USD - tại Việt Nam năm 2020 là 390 người, giảm từ 405 người của năm trước. 

Không chỉ vậy, số lượng người giàu - sở hữu tài sản có thể đầu tư trên 1 triệu USD - cũng giảm từ 20.645 xuống còn gần 19.491 người, tương đương mức giảm 6%.

Mặc dù vậy, Knight Frank dự báo Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng người siêu giàu nhanh hàng đầu thế giới (31%) trong 5 năm tới. Dự kiến, tới năm 2025, Việt Nam sẽ có 511 người có tài sản trên 30 triệu USD và 25.812 sở hữu tài sản hơn 1 triệu USD. 

Không chỉ Việt Nam, nhiều quốc gia khác cũng chứng kiến số lượng người siêu giàu giảm trong năm ngoái như, Đức, New Zealand, Nga, Thái Lan...

Theo Wealth Report 2021, để lọt vào top 1% người giàu nhất Việt Nam, một người cần có tài sản ít nhất 160.000 USD. Tại châu Á, Singapore có điều kiện cao nhất để lọt vào top 1% giàu nhất với 2,9 triệu USD. Điều kiện này tại Hàn Quốc và Trung Quốc đại lục lần lượt là 1,2 triệu USD và 850.000 USD. Tại Malaysia là 540.000 USD, Philippines và Indonesia cùng là 60.000 USD. 

Trên toàn cầu, dân số siêu giàu tăng 2,4% trong năm 2020 lên hơn 520.000 người nhờ cú hích từ lãi suất thấp và các gói cứu trợ Covid-19. Mặc dù vậy, xu hướng này không đồng đều khi các khu vực như Mỹ Latin, Trung Đông chứng kiến sự sụt giảm của người siêu giàu do biến động tiền tệ và tác động của đại dịch.

Trong 5 năm tới, Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục là quốc gia có số lượng người siêu giàu đông nhất thế giới. Tới năm 2025, nước này dự kiến có 223.955 người siêu giàu, tăng từ 180.060 của năm 2020. Còn số lượng người giàu sẽ tăng lên gần 25,4 triệu người, từ hơn 19 triệu người năm 2020. 

 Tuy nhiên, châu Á sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng nhóm người này nhanh nhất thế giới với mức tăng 39%, so với mức tăng trung bình 27% toàn cầu. Dự kiến tới năm 2025, dân số siêu giàu châu Á sẽ chiếm 24% toàn cầu, tăng 17% so với một thập kỷ trước. Khu vực này hiện có số lượng tỷ phú USD nhiều nhất thế giới, chiếm 36% toàn cầu. 

Trung Quốc đại lục được dự báo sẽ là động lực chính cho xu hướng này khi số lượng người siêu giàu tại nước này được dự báo sẽ tăng 46% trong giai đoạn từ 2020-2025. Nước này hiện có 70.426 người siêu giàu và con số này được dự báo tăng lên 103.042 vào năm 2025.

Wealth Report cho biết chứng khoán, chiếm khoảng 25% tài sản của giới siêu giàu, là động lực chính giúp tài sản của họ tăng mạnh trong năm 2020. Với việc các chính phủ áp lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại, họ có nhiều thời gian hơn để theo dõi thị trường chứng khoán.

Tháng 3/2020, các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới lao dốc khoảng 30%, nhưng từ đó đến nay đã phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là tại Mỹ. Ví dụ, chỉ số S&P 500 của Mỹ đã tăng 70%.

"Bất kỳ ai có khả năng xác định đúng thời điểm mua hoặc bán chứng khoán theo những diễn biến của thị trường sẽ được hưởng lợi đáng kể", báo cáo chỉ ra.

Theo vneconomy.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.