Chuyên gia về dịch tễ học Maria van Kerkhove của WHO hôm qua cho biết “chúng tôi đang làm việc với các đối tác và ước tính khoảng 10-20% số ca mắc đang chịu trách nhiệm cho 80% các sự kiện lây nhiễm”. Bà nhắc lại rằng khi virus corona lây lan trong không gian kín và các nơi sinh sống lâu dài, nó dễ lây lan qua việc hát hò, la hét cũng như khi mọi người ở với nhau trong một thời gian dài.
Bà Maria cũng nói rằng “tỷ lệ tử vong vì Covid-19 đang giảm xuống, nhưng điều này không có nghĩa là virus thay đổi mà do chúng ta đã làm tốt hơn. Với tôi đó là dấu hiệu tuyệt vời về hy vọng”.
Nhà dịch tễ học cho biết các chuyên gia y tế hiện đã cải tiến thiết bị và việc chẩn đoán để phát hiện các ca mắc. Kinh nghiệm tích lũy được sẽ giúp các bác sĩ điều trị bệnh nhân dương tính với virus corona.
Theo Ngân hàng thế giới (WB), “đại dịch Covid-19 ước tính sẽ đẩy thêm 88 đến 115 triệu người vào cảnh nghèo cùng cực trong năm nay và lên tới 150 triệu người vào năm 2021, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của sự suy giảm kinh tế”. WB chỉ ra rằng khoảng 82% những người được gọi là “người nghèo mới” sẽ ở các nước có thu nhập trung bình vốn đã có tỷ lệ người nghèo cao.
Người nghèo cùng cực được định nghĩa là người sống dưới mức 1,9 USD mỗi ngày và có thể chiếm tới khoảng 9,1 đến 9,4% dân số. WB lưu ý, nếu không có đại dịch, tỷ lệ nghèo cùng cực dự kiến sẽ dưới 8%.
Chủ tịch WB David Malpass cho biết “đại dịch và suy thoái kinh tế toàn cầu có thể khiến hơn 1,4% dân số thế giới rơi vào cảnh nghèo cùng cực”. Ông kêu gọi các quốc gia chuẩn bị cho một nền kinh tế hậu Covid-19 bằng cách cho phép vốn, lao động, kỹ năng và sự đổi mới chuyển sang các lĩnh vực và doanh nghiệp mới.
Tại Mỹ, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm Mỹ, tiến sĩ Anthony Fauci hôm qua cảnh báo, số ca tử vong vì Covid-19 tại Mỹ có thể tăng gấp đôi vào các tháng mùa thu và đông nếu như không có các biện pháp ngăn ngừa thích hợp. Tính đến hôm qua, số ca tử vong ở đây đã gần 211.000 ca.
Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), nước này không có ít hơn 13.000 ca mắc mỗi ngày kể từ 24/3 khi Covid-19 bắt đầu xuất hiện tại đây và tốc độ lây nhiễm vẫn tăng lên.
Ông Fauci lên án sự chia rẽ chính trị về cách phản ứng với đại dịch, ví dụ như các cuộc tranh luận về việc phong tỏa, đóng cửa trường học, giãn cách xã hội và đeo khẩu trang. “Khi bạn gặp cuộc khủng hoảng về sức khỏe cộng đồng, tất cả mọi người phải tập trung theo cùng một hướng... Bạn không thể chia rẽ và phân biệt đối xử trong các thông điệp về sức khỏe cộng đồng, nó sẽ cản trở cộng đồng hoàn thành công việc. Khi bạn khiến cho các biện pháp về sức khỏe cộng đồng trở thành quan điểm đối lập, về cơ bản bạn đã thua cuộc chơi”.
Tại Iran, nhà chức trách xác nhận số ca tử vong trong ngày cao kỷ lục là 239 ca và số ca mắc mới hơn 4.000 ca trong 24 giờ. Hiện tổng số ca tử vong vì Covid-19 ở đây là 27.568 ca, số ca mắc là 483.800, trong khi đó gần 400.000 người đã hồi phục. Số ca mắc và tử vong tăng lên đã khiến Iran phải tái áp đặt các giới hạn ở một số tỉnh, bao gồm Tehran. Các biện pháp mới bao gồm tạm đóng cửa trường học, nhà thờ, rạp chiếu phim, sảnh cưới, phòng tập gym, tiệm làm đẹp và bể bơi.
Tại Anh, Bộ trưởng Y tế Matt Hancock cho biết đợt bùng phát số ca mắc Covid-19 tại đây và số ca dương tính trong ngày tăng gấp nhiều lần là một “vấn đề rất nghiêm trọng”.
“Đây là thử thách và mọi người sẽ chứng kiến từ số ca mắc tới số ca nhập viện tăng lên rất nhiều trong tuần qua khiến chúng ta gặp vấn đề rất nghiêm trọng” – Ông nói và cho biết chính phủ đang đối mặt với một thách thức trong việc đối phó với làn sóng dịch thứ 2 trong khi đảm bảo gây ra càng ít “tổn thất” càng tốt.