Từ ngày 17/2, một số địa phương đã bắt đầu triển khai dạy học trực tuyến như yêu cầu bắt buộc trong thời gian học sinh tạm dừng đến trường để phòng dịch Covid-19.
Phối hợp chặt chẽ với phụ huynh
Cô Nguyễn Thị Thắm - GV trường Tiểu học Mỹ Hưng, Thanh Oai (Hà Nội) cho biết, cả cô và trò đều đã có kinh nghiệm và kỹ năng nên triển khai dạy học trực tuyến lần này khá suôn sẻ. Được sự phối hợp và hỗ trợ của phụ huynh, học sinh hào hứng tham gia bài giảng, giáo viên cũng nỗ lực để hoàn thành mục tiêu bài học. Tuy nhiên, còn vài học sinh thiếu thiết bị nên phụ huynh đã chủ động cho các con học ghép cùng nhau.
Cô Hà Thu Trang, Hiệu trưởng trường Tiểu học Bần Yên Nhân 2 (Thị xã Mỹ Hào, Hưng Yên) cho biết, ngay sáng 17/2, nhà trường đã triển khai đồng loạt dạy học trực tuyến cho toàn bộ các khối học sinh theo hướng dẫn trước đó của Sở GD-ĐT. Nhà trường yêu cầu giáo viên chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung cũng như tích cực ôn tập cho học sinh và phối hợp chặt chẽ với phụ huynh.
“Nhà trường quán triệt tới giáo viên duy trì nề nếp, chất lượng dạy học ngay từ tiết học đầu tiên. Được phụ huynh trang bị máy tính, ipad, điện thoại có kết nối internet nên đa phần học sinh có thể tham gia học trực tuyến. Ngay từ đợt dịch lần thứ 2, nhà trường đã thống nhất dùng chung phần mềm Zoom nên việc học trực tuyến của các em không gặp nhiều khó khăn”, cô Thu Trang chia sẻ thêm.
Cũng theo cô Trang, với lứa tuổi tiểu học, để học hiệu quả thì phải có sự tham gia của phụ huynh, đặc biệt khối lớp 1, 2 vì các em chưa biết cách sử dụng thiết bị kết nối mạng cũng như cách tương tác, sử dụng bài giảng hay liên hệ với giáo viên. Học sinh khối 1, sẽ được học vào buổi tối khi phụ huynh có nhà. Giáo viên hướng dẫn phụ huynh đăng nhập tạo tài khoản qua Zalo. Giáo viên sẽ dạy thử trong khi phụ huynh ngồi kèm các con 1-2 buổi cho quen.
Còn với học sinh khối lớp 3 - 4 - 5, nếu có ý thức tự giác, phụ huynh chỉ cần hướng dẫn con cách sử dụng phần mềm, mở bài giảng, tải bài học về. Ngoài ra, phụ huynh hỗ trợ in, gửi bài tập cho giáo viên. Chỉ cần hướng dẫn con trong thời gian đầu, sau đó các em có thể hoàn toàn chủ động trong việc học của mình.
Kịp thời hỗ trợ học sinh
Việc học trực tuyến mới triển khai nên cả giáo viên và học sinh đều có thể gặp những khó khăn riêng nhưng không phải là không khắc phục được. Giáo viên cần có giải pháp hỗ trợ các em không có điều kiện học tập qua internet, không có người lớn hỗ trợ, hạn chế về khả năng học tập và tự học.
Với lứa tuổi tiểu học, đặc biệt các em học sinh lớp 1, ngồi học một mình ở nhà rất khó tập trung, giáo viên phải thiết kế bài giảng sinh động để thu hút các em. Cô Lê Thị Thuý, giáo viên lớp 1 Trường tiểu học Bần Yên Nhân 1 (Thị xã Mỹ Hào, Hưng Yên) chia sẻ, giáo viên phải nghĩ ra đủ kế để "dụ" học sinh, thiết kế bài giảng xen kẽ trò chơi, đổi mới cách dạy,... Do sử dụng ứng dụng Zoom miễn phí nên mỗi giờ chỉ dạy 40 phút, giữa hai giờ cho các em nghỉ 10 phút.
Hầu hết giáo viên đều khẳng định để việc học trực tuyến hiệu quả cần có sự hỗ trợ về phương tiện, kỹ thuật của phụ huynh. Nhưng thực tế cũng có một vài phụ huynh ít sử dụng thiết bị công nghệ nên không biết để hướng dẫn cho con. Do vậy, cô Thuý phải dùng điện thoại quay lại từng thao tác sử dụng phần mềm, gửi cho phụ huynh xem và làm theo. Trong quá trình hỗ trợ con, nếu phụ huynh không hiểu, không làm được có thể liên lạc trực tiếp với giáo viên.
Đối với những học sinh không có người lớn hỗ trợ, việc học trực tuyến càng trở nên khó khăn hơn. Do phụ huynh đi làm, một số em vẫn ở lại quê với ông bà sau kỳ nghỉ Tết nên không có người hỗ trợ. Với những trường hợp này, cô Đỗ Thị Luyến, giáo viên Trường tiểu học Đại Yên (Ba Đình, Hà Nội) đã gửi bài qua Zalo để phụ huynh in bài mang về cho con hoặc gửi nhờ họ hàng ở quê in bài cho con làm. Có trường hợp phụ huynh bận công việc, cô Luyến đã in bài ra gửi cho các em.
Ngoài ra, trong quá trình dạy, cô Luyến cũng phân loại học sinh thành từng nhóm bởi có những em hạn chế về khả năng học tập và tự học để hướng dẫn cụ thể. Sau mỗi buổi học, cô Luyến sẽ tổ chức 2-3 buổi trực tuyến để tương tác trực tiếp riêng với học sinh, giảng lại bài hay hướng dẫn các em làm bài tập và giải đáp thắc mắc. Có học sinh cô phải gửi bài giảng chi tiết cho phụ huynh nhờ hướng dẫn một lần nữa cho con.