Vượt sông, băng đồng mang chữ đến học trò

GD&TĐ - Giữa mùa dịch, nhiều học sinh bị kẹt lại trong vùng phong tỏa, nhiều em ở vùng sâu, vùng xa thiếu thiết bị học trực tuyến. Không để học trò “đứt chữ”, thầy cô giáo vùng ĐBSCL vượt sông, băng đồng đến với các em…

Thầy cô giáo Trường THCS thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) đến nhà gửi bài tập cho học sinh.
Thầy cô giáo Trường THCS thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) đến nhà gửi bài tập cho học sinh.

Thầy cô "ship" sách, thiết bị cho trò

Năm học 2021 - 2022 bắt đầu cũng là lúc các tỉnh miền Tây căng mình chống dịch Covid-19. Thầy cô giáo và học sinh bắt đầu một học kỳ mới chưa có tiền lệ, việc học trực tuyến gian nan khi trò thiếu thiết bị, mạng Internet không phủ đến… Với quyết tâm không để học trò thiệt thòi, các thầy cô giáo không ngại dịch bệnh, hiểm nguy trên những chuyến đò chòng chành, qua những con đường vòng vèo đến tận nhà trò giúp đỡ.

Tiền Giang là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Thời điểm dịch phức tạp, nhiều nơi bị phong tỏa, cách ly y tế, nhiều học sinh bị kẹt lại, không có thiết bị học trực tuyến. Trước nguy cơ học trò dở dang việc học, Trường THPT Lê Thanh Hiền và THPT Phạm Thành Trung, huyện Cái Bè (Tiền Giang) kịp thời tặng sách giáo khoa, hỗ trợ thiết bị học trực tuyến cho học sinh. ​

Thầy cô Trường THPT Lê Thanh Hiền phải vượt đường xa, hẻo lánh để giao từng bộ sách giáo khoa, tập vở, dụng cụ học tập cho học sinh. Theo chia sẻ của thầy Trương Thành Trung, Bí thư Đoàn Trường THPT Lê Thanh Hiền, Đoàn trường đã thực hiện mô hình “Shipper Đoàn Trường THPT Lê Thanh Hiền”. Chưa đầy một tuần phát động, Đoàn trường đã nhận sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm trên 40 bộ sách giáo khoa ở các khối và trên 200 quyển tập, dụng cụ học tập.

Đội shipper có 5 thành viên là thầy cô giáo trẻ của trường. Sau khi tập hợp thông tin từ giáo viên chủ nhiệm, các thành viên đã đến tận nhà trao sách, dụng cụ học tập cho các em. Riêng địa phương có tình hình dịch bệnh phức tạp, thầy cô sẽ gửi tại các chốt kiểm soát dịch để học sinh đến lấy về học. “Khó khăn, vất vả rất nhiều, nhưng khi nhìn học sinh vui mừng nhận được tập sách, dụng cụ học tập, chúng tôi có động lực, vững tin vào năm học mới”, thầy Trung chia sẻ.

Bên cạnh hỗ trợ sách giáo khoa, Trường THPT Lê Thanh Hiền còn đứng ra vận động, trao điện thoại di động của nhà tài trợ cho học sinh không đủ điều kiện học tập trực tuyến. Đoàn trường còn mua giúp và vận chuyển sách giáo khoa đến với học sinh gặp khó khăn trong việc đi lại.

Trường THPT Phạm Thành Trung, huyện Cái Bè (Tiền Giang) đứng ra vận động tặng thiết bị học trực tuyến. Thầy Lại Thành Nhân - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, sau một tuần học tập, trường có 8 học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện tiếp cận với việc học trực tuyến. Trường đưa ra 2 phương án là vận động nhà tài trợ và chở máy tính của trường đến tận nhà cho học sinh. Sau đó, nhà trường đã tiếp nhận được 10 máy tính bảng và trao kịp thời cho các em học tập.

“Gia đình em ở trong khu phong tỏa, hoàn cảnh khó khăn không có điện thoại học trực tuyến, cũng không thể đến nhà bạn học nhờ. Ba mẹ em rất lo lắng vì sợ em không thể tiếp tục theo học. Rất may, nhà trường biết hoàn cảnh của em nên hỗ trợ máy tính bảng kèm sim 4G. Em và gia đình rất vui mừng vì việc học không bị gián đoạn nữa”, em Phạm Mỹ Phương, học sinh lớp 12 Trường THPT Phạm Thành Trung chia sẻ.

Giáo viên Trường THPT Lê Thanh Hiền, huyện Cái Bè (Tiền Giang) hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh hoàn cảnh khó khăn trong vùng bị phong tỏa. Ảnh: NTCC
Giáo viên Trường THPT Lê Thanh Hiền, huyện Cái Bè (Tiền Giang) hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh hoàn cảnh khó khăn trong vùng bị phong tỏa. Ảnh: NTCC

Vượt sông, băng đồng giúp trò học tập

Em Phạm Quỳnh Như, học sinh lớp 7, Trường THCS thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) thuộc gia đình đặc biệt khó khăn. Năm học mới bắt đầu, em rất lo lắng vì không có thiết bị học trực tuyến. Chuyện học tưởng chừng bị bỏ dở nhưng nhà trường kịp thời đến tận nhà giúp em.

“Em nhận chiếc điện thoại mà mừng vô kể. Gia đình không có khả năng mua điện thoại, quy định giãn cách nên em không thể đi học nhờ. Em rất buồn vì sợ bị bỏ dở bài học, không theo kịp các bạn và lưu ban năm học này. Giờ có điện thoại kết nối mạng, em học tập rất thuận lợi”, Quỳnh Như xúc động cho biết.

Quỳnh Như là một trong hàng chục học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) được hỗ trợ trong thời điểm dịch bệnh phức tạp. Hoàn cảnh khó khăn của học sinh là động lực để thầy cô giáo không quản ngại nắng mưa, xa xôi đến tận nhà các em hỗ trợ thiết bị học trực tuyến hoặc giao tài liệu, bài tập, dạy kèm. Mỗi tuần, thầy cô giáo ở huyện Vĩnh Thạnh cùng nhau qua phà, băng đồng, vượt hàng chục km đường để hỗ trợ học trò.

Cô Trương Ngọc Bích, giáo viên Toán, Trường THCS thị trấn Vĩnh Thạnh chia sẻ, ở địa phương, nhiều gia đình hoàn cảnh khó khăn nên con em không có điện thoại thông minh, laptop để học online. Để hỗ trợ, trường gửi bài học qua đường bưu điện cho học sinh thời điểm thực hiện Chỉ thị 16. Đến khi thực hiện Chỉ thị 15, cô cùng đồng nghiệp đến nhà hướng dẫn các em học bài.

“Đến nhà mới thấy thương các em vì không chỉ thiếu thiết bị học trực tuyến mà chiếc bàn học, chỗ học tập cũng không có. Càng thương học sinh hơn, thầy cô càng không quản ngại xa xôi, lặn lội tới nhà các em. Dù khó khăn, vất vả nhưng tất cả cán bộ, giáo viên đều đồng lòng, nỗ lực cố gắng hỗ trợ để học trò không bị gián đoạn việc học”, cô Bích chia sẻ.

Vui mừng vì được thầy cô kịp thời hỗ trợ, em Trần Ngọc Bảo, học sinh lớp 8 Trường THCS thị trấn Vĩnh Thạnh cho biết: “Ban đầu em lo không theo kịp chương trình cùng các bạn, vì học trực tuyến mà không có thiết bị. Cha mẹ thất nghiệp mấy tháng qua nên không có khả năng mua điện thoại. Thông qua khảo sát đầu năm, cô chủ nhiệm biết hoàn cảnh của em nên đến giúp đỡ. Em rất cảm ơn thầy cô đã gửi bài, đến nhà hỗ trợ em trong suốt thời gian qua. Nhờ đó em theo học kịp chương trình, yên tâm học tập cùng các bạn”.

Không chỉ hỗ trợ thiết bị học trực tuyến, gửi bài tập đến nhà cho học sinh, các thầy cô giáo ở Cần Thơ còn liên hệ phụ huynh cho các em học nhóm… Thầy Nguyễn Văn Lộc - Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Vĩnh Thạnh cho biết, trường có hơn 800 học sinh nhưng có khoảng 50 em thiếu thiết bị học trực tuyến. Bên cạnh gửi tài liệu học tập qua bưu điện, giáo viên còn không ngại khó đến nhà hỗ trợ học trò. Nhờ đó các em yên tâm học tập, bảo đảm chương trình, được phụ huynh đồng tình. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ