“Nét quỷ quái của các con số chính là chúng rất mực đơn giản”. Lời nói đó của ngài Quỷ Số vừa như lời động viên cậu bé Robert bước qua nỗi sợ hãi Toán học, lại vừa như lời giới thiệu tới độc giả về môn học tưởng đơn giản nhưng luôn biến hóa không bao giờ có điểm dừng.
“Những con số ma thuật” được NXB Trẻ ra mắt độc giả vào năm 2014 với lời dịch tiếng Việt của Kiều Hoa. Cuốn sách được chắp bút bởi nhà văn người Đức Hans Magnus Enzensberger, cùng những bức tranh minh họa sống động của Rotraut Susanne Berner.
Cuốn sách bao gồm 12 chương, tương ứng với 12 đêm theo chân cậu bé Robert tìm tòi, khám phá những kiến thức Toán học mới, cũng như vượt qua nỗi sợ Toán của chính mình cùng với ngài Quỷ Số.
Đơn giản làm sao!
Cuốn sách góp phần lan tỏa sự thú vị của bộ môn Toán học. Ảnh: Tấn Quyết. |
Chưa cần lần giở những trang đầu tiên, độc giả có thể thấy được sự đặc biệt nằm ở bìa sách. Đó là hình ảnh cậu bé Robert nằm trên giường, bên cạnh là ông thầy Quỷ Số. Chẳng phải đây là một điều thực sự khác biệt? Các tác giả khác thường trình bày thẳng những kiến thức toán học hoặc lấy những bối cảnh từ thực tại như trên bàn học hay ngoài bãi biển… Nhưng tác giả
Enzensberger đã tinh tế “mượn” giấc mơ Robert - một không gian “ảo” để lồng ghép những điều ông thầy Quỷ Số muốn nói. Bên cạnh đó, dòng tiêu đề phụ: “Sách gối đầu giường dành cho những ai… sợ Toán” cũng đã phần nào “nhắc khéo” độc giả rằng cuốn sách được viết với một ngôn ngữ “chẳng giống ai”, nhưng luôn luôn mang lại tiếng cười và niềm vui cho độc giả.
Và chỉ ngay từ đêm đầu tiên, ngài Quỷ Số đã đưa tới độc giả thông điệp rất đắt giá: Toán học luôn luôn khởi đầu từ những thứ dễ dàng nhất. Không ít người vẫn nghĩ rằng Toán học là môn học rất phức tạp, với nào là các số nguyên, số hữu tỉ, số vô tỉ, số ảo…
Nhưng nếu nghĩ một cách đơn giản hơn thì sẽ thấy ngay: Toán học tuy đa dạng là vậy, song cũng chỉ bắt nguồn từ một con số duy nhất! Chỉ cần con số Một là chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra bất cứ con số nào, với những phép tính rất đơn giản: 1+1 có được 2, cộng thêm 1 nữa lại được 3, thêm 1 nữa lại có số 4, và cứ thế, cứ thế, mỗi người hoàn toàn có thể tạo ra các con số lớn đến vô tận hay nhỏ đến vô tận, đều được khởi đầu từ số Một. Đó thực sự là một sự thật tuy trông rất hiển nhiên nhưng dường như ít người để ý tới.
Vượt qua chính mình
Nhà thơ, dịch giả người Đức Hans Magnus (11/11/1929 – 24/11/2022) được coi là một trong những nhân vật sáng lập nền văn học của Cộng hòa Liên bang Đức. Ông đã viết hơn 70 cuốn sách, và đã được trao nhiều giải thưởng, trong đó phải kể tới Giải thưởng Georg Büchner và Pour le Mérite. Các tác phẩm nổi tiếng của ông bao gồm: “The Number Devil”, “Tumult”, “Lost in Time”…
Bên cạnh mục đích giới thiệu sự lí thú của Toán học, tác giả Enzensberger còn mong muốn mọi người nên nỗ lực vượt qua chính bản thân mình. Khi vượt qua được chính bản thân mình, mỗi người sẽ luôn cảm thấy xứng đáng và tràn trề năng lượng để có thể bứt phá, vượt qua những chướng ngại vật tiếp theo.
Qua từng chương, hay qua mỗi đêm được học toán cùng ông thầy Quỷ Số, cậu bé Robert đã dần dần thay đổi. Bỏ lại phía sau những mặc cảm về một môn Toán tẻ nhạt và khô khan, Robert đã thực sự tìm thấy sự kì diệu và thấy yêu thích môn học này.
Sự tự tin của Robert có phần nào từ việc giúp đỡ của ông thầy Quỷ Số: Ngài đã đơn giản hóa mọi thứ, từ hình học cho đến khái niệm Toán học thành những từ ngữ không thể giản đơn hơn. Đó là 5 bùmmm! rất sinh động, thể hiện được tính chất đặc trưng của giai thừa: Các kết quả tăng rất nhanh, như động cơ tên lửa.
Hay đó còn là con số 2 nhảy bốn lần, thay thế cho kí hiệu toán học 2^4. Một sự so sánh rất sinh động và mang lại tiếng cười cho độc giả: Khi con số nhân với chính nó, có lẽ là nó đã tự nhảy lên cao hơn một chút!
Từ những đêm nằm mơ học Toán cùng Robert, tác giả như muốn khuyến khích độc giả nên đơn giản hóa mọi thứ, như lời ngài Quỷ Số đã nói: “Nét quỷ quái của những con số là chúng rất mực đơn giản”.
Hình ảnh minh họa sống động về dãy số Fibonacci qua sự sinh sản của loài thỏ. Ảnh: Tấn Quyết. |
Nhiều khi mọi người cứ lao đầu vào một bài toán rắc rối, nhưng cuối cùng chỉ cần đơn giản hóa một chút là đã có thể giải được bài toán ấy. Từ đó, việc đơn giản hóa mọi thứ còn là một kỹ năng giúp mỗi người phần nào vượt qua được giới hạn bản thân mình: Khi giải được bài toán mà ban đầu rơi vào bế tắc, ta sẽ có thêm động lực, thêm một cách đi đến hướng giải quyết vấn đề, xé bỏ rào cản tự đặt ra trước đó .
Với “Những con số ma thuật”, tác giả Enzensberger đã góp phần lan tỏa sự thú vị của bộ môn Toán học. Không chỉ dừng lại ở đó, ông cũng góp phần khuyến khích người đọc đơn giản hóa mọi thứ, từ đó có thể vượt qua những rào cản của chính bản thân mình.
Hình ảnh cậu bé Robert từ việc ghét bỏ đã trở nên say mê môn Toán được tác giả xây dựng như một tấm gương về sự thành công trong việc vượt qua chính bản thân mình. Một cuốn sách đã lan truyền những cảm hứng tích cực, những tiếng cười vui vẻ, thư giãn, và đặc biệt, là “sách gối đầu giường dành cho những ai… sợ Toán”.