Vượt qua ám ảnh của người xưa cũ

GD&TĐ - Tâm lí nghi ngờ cảm xúc của đối phương; mất tự tin với chính mình; ám ảnh, ác cảm với người cũ khiến nhiều người sau li hôn không dám đi bước nữa. Tâm trạng của họ luôn như "Con chim sợ cành cong".

Vượt qua ám ảnh của người xưa cũ

Ám ảnh quá khứ

Chuyện li hôn giờ không phải là hiếm, hơn nữa cũng không bị người đời dị nghị hay soi xét nhiều như trước nên cũng đỡ áp lực cho những người trong cuộc trước quyết định li hôn. Phải chăng, vì thế mà các cặp vợ chồng bỏ nhau ngày càng dễ dàng hơn, nhiều hơn?

Với những người có “lí do” bỏ chồng (vợ) có thể họ sẽ không cảm thấy đau đớn, xót xa, hay nuối tiếc về những gì họ đã có với gia đình, con cái, vợ (chồng) trong quá khứ, họ có thể dễ dàng dứt tình ra đi???… Thế còn với những người vợ (chồng) là nạn nhân của cuộc chia li này thì sao? Nhiều người trong cuộc, họ nói: Họ luôn bị ám ảnh bởi những hành động, lời nói, việc làm của chồng (vợ) cũ khiến cho cơ hội tìm lại hạnh phúc của chính họ cũng rất khó khăn.

Chị Hoa, cán bộ Dân số (Hà Nội) tâm sự: Tôi đã từng có một gia đình êm ấm, hạnh phúc với người chồng hơn tôi 3 tuổi. Chúng tôi chung sống với nhau được hơn 5 năm thì chia tay. Khi yêu nhau, anh rất chiều chuộng và thương yêu tôi, hơn nữa anh lại cùng quê nên mỗi khi đi về chúng tôi thường về cùng nhau. Hai bên họ hàng ai cũng quý mến và vun vén cho chúng tôi cho nên tôi nghĩ như thế là đủ để chúng tôi tiến đến hôn nhân.

Thời gian đầu chúng tôi chung sống với nhau rất hạnh phúc. Anh luôn là người chồng tốt, chu đáo với hai bên gia đình thật sự khi đó tôi cảm thấy mình may mắn vì đã tìm được bến đỗ bình yên cho cuộc đời mình… Nhưng rồi không ai học được chữ ngờ. Khi đứa con thứ nhất rồi thứ hai ra đời, cái gọi là hạnh phúc vợ chồng với tôi thật xa xỉ. Cái gia đình mà tôi bấy lâu nay vun vén, giữ gìn bỗng chốc tan thành mây khói khi anh phải lòng một cô gái trẻ rồi về phụ bạc, ruồng rẫy tôi.

Bị chồng phản bội tôi đau đớn, xót xa vô cùng nhưng vì thương con tôi vẫn cố gắng nhẫn nhịn để níu giữ anh. Kết cục càng cố gắng níu giữ càng làm cho anh chán ghét tôi và chúng tôi ngày càng cách xa nhau hơn. Càng ngày anh càng ít về nhà hơn và mỗi khi về nhà anh thường kiếm cớ để cãi nhau với tôi. Khi mâu thuẫn ngày càng lên đỉnh điểm, tôi đã buồn, khóc rất nhiều và suy nghĩ rất nhiều, rồi cuối cùng tôi đã phải quyết định chia tay. Bởi vì tôi không thể chịu đựng được sự dối trá và sự chung đụng kia của chồng.

Đến bây giờ, tôi đã li hôn được 5 năm. Tôi cũng đã có những cuộc tình mới và cũng “thử” bước qua gianh giới của tình yêu để đến với hôn nhân nhưng rồi vẫn không thể... Bởi trong tôi vẫn còn một khoảng trống quá lớn chưa thể lấp đầy khiến tôi không tin hạnh phúc gia đình sẽ đến. Tôi vẫn còn hoài nghi, người đàn ông tôi chọn lựa lần nữa có thể thương yêu tôi, đi cùng tôi đến hết cuộc đời. Tôi sợ lại giẫm phải vết xe đổ trước đây và trái tim tôi sẽ lại rỉ máu.

Thèm khát một bờ vai nhưng vẫn không thể đi bước nữa

Cùng tâm trạng với chị Hoa, chị Lan ở (Thanh Trì - Hà Nội) đang sống cảnh nuôi con một mình. Chị Lan tâm sự, nhiều khi nhìn thấy cảnh vợ chồng con cái đèo nhau đi chơi, chị lại thèm và tủi cho thân phận mình. Nhìn đứa con nhỏ mà chị thấy xót xa. Đã nhiều khi chị thèm lắm một bờ vai để tựa vào, nhưng nghĩ đến cảnh chồng chị đối xử với chị trước đây chị lại không đủ can đảm. Chính vì nỗi ám ảnh đó khiến chị đã bỏ lỡ đi nhiều cơ hội tốt đến với chị.

Bùi ngùi một lát, chị Lan kể tiếp: Câu chuyện của nhà tôi cũng chẳng giống nhà ai. Cú sốc này làm tôi vô cùng đau đớn. Tôi không những đã bị mất hết tài sản mà còn mất luôn cả chồng chỉ vì một người đàn bà xảo quyệt. Trước kia ả là cô bạn thân thiết của cả hai vợ chồng tôi nên cùng nhau hùn vốn làm ăn. Nhiều lần chồng tôi về nhà giục tôi bán nhà, bán đất để đầu tư, tôi đã gạt đi vì sợ rủi ro, nhưng năm lần, bảy lượt chồng tôi phân tích rằng phải liều mới có tiền chứ chôn tiền vào nhà là tiền chết. Nghe mãi rồi cũng lọt tai lúc nào không hay và tôi đã tin tưởng chồng bán hết tài sản, nhà cửa, đất cát đưa chồng làm ăn. Cái nhà tôi đang ở hiện giờ cũng là của người ta. Tôi chỉ là người thuê lại vì chủ nhà chưa sử dụng đến.

Sau khi dụ tôi lấy hết tài sản anh ta đã về bắt tôi ký vào đơn ly hôn. Lúc đâu tôi không ký vì nghĩ như thế thì dễ dàng cho chúng nó quá. Tình trạng khủng hoảng xung đột vợ chồng tôi kéo dài thêm hơn một năm sau nữa.

Cho đến khi tôi nhận thấy giữa chúng tôi đã không còn tình cảm, tôi đã quyết định ký vào đơn li hôn để mình được thoải mái, không vướng bận để tôi tiếp tục sống làm việc, nuôi con. Kể từ đó đến nay anh ta đi biệt, tôi vẫn một thân một mình nuôi hai đứa nhỏ.

Li hôn xong, nhiều người hàng xóm tốt bụng, thương tôi đã mai mối cho tôi một vài người đàn ông tốt bụng, nhưng sau một thời gian tiếp xúc tôi đều không nhận lời vì ở đâu đó trong họ tôi vẫn thấy có điều gì không ổn.

Thật lòng nhiều lúc nằm vắt tay lên trán nghĩ, mình vẫn còn tuổi trẻ, cũng cần lắm một bờ vai để chia sẻ... Nhưng những ám ảnh về người chồng cũ lúc nào cũng đeo bám khiến những tia le lói về một bến bờ hạnh phúc trong tôi lại vụt tắt.

Nên tìm lại hạnh phúc cho chính mình

Tâm lý chung của nhiều người sau li hôn thường rất khó khăn khi tính chuyện đi bước nữa. Rào cản với họ không phải do con cái hay tuổi tác, hay một lí do nào đó mà rào cản chính vẫn là tâm lý e ngại do họ vẫn còn bị ám ảnh về người trước. Chính điều này đã dẫn đến xã hội ta ngày càng có nhiều người li hôn và sống độc thân không đi bước nữa.

Theo các chuyên gia tâm lý về gia đình cho biết: Khó có thể khuyên những ai có vết thương lòng nhanh chóng quên đi quá khứ để bắt đầu làm lại. Nhưng cứ để nỗi thù hận, ám ảnh quá khứ dấn sâu trong lòng, thì chính những người đó lại bị tổn thương đầu tiên.

Hận quá khứ khiến họ nghi ngờ cảm xúc và những giá trị của chính mình. Họ không tin người khác giới, ngờ vực những tình cảm mình nhận được có phải là thực hay không? Những ám ảnh, ác cảm xưa với người cũ cứ án ngữ và làm hỏng cảm xúc của họ. Những người đã đổ vỡ về tình cảm lại càng khiếm khuyết trong tâm hồn, càng thiếu tự tin đón nhận tình cảm mới.

Bị ám ảnh bởi những nỗi đau cũ, không ít người không thể mở lòng đón nhận những tình cảm mới. Họ giống như con chim sợ cành cong, vì cho rằng mọi điều mình thấy chỉ là ảo ảnh, không dám nắm giữ, không dám yêu thương.

Muốn thoát khỏi sự ám ảnh đó, chúng ta chỉ có thể nhìn thẳng vào sự thật, nhìn thẳng vào thực tế, sống rộng lượng, tha thứ, tin tưởng lạc quan thì nỗi cay đắng kia mới có thể trở nên nhẹ nhõm hơn. Và có như thế chúng ta mới tự tin vào cuộc sống, hy vọng vào cuộc sống và có thể đi tìm được hạnh phúc cho chính mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên lồng ghép các trò chơi trong giờ học tiếng Anh tăng cường nhằm tăng hứng thú cho học sinh.

Còn nhiều khó khăn và thách thức

GD&TĐ - Để triển khai tốt chương trình tiếng Anh tăng cường cần phải đẩy mạnh xã hội hóa, trong đó sự đồng thuận của phụ huynh đóng vai trò quan trọng.

9 dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư vú

9 dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư vú

GD&TĐ - Ung thư vú phủ bóng đen lên cuộc sống của vô số người trên toàn cầu, ảnh hưởng đến những người mắc bệnh và gia đình của họ.