Đó là tâm niệm của chúng tôi khi đi làm nhiệm vụ phát hành Báo GD&TĐ đến với các trường học ở vùng cao Nghệ An.
Vượt núi đưa tri thức đến với học trò
Nghệ An, mảnh đất địa linh nhân kiệt, nổi tiếng với truyền thống hiếu học lâu đời. Không chỉ có bãi biển trải dài, những di tích lịch sử hào hùng mà địa phương này còn có những dãy núi trùng điệp, bản làng heo hút ẩn hiện trong mây.
Ở những nơi đó, việc tiếp cận thông tin, báo chí còn gặp nhiều khó khăn. Đường sá xa xôi, hiểm trở, giao thông không thuận tiện là những rào cản lớn trong việc đưa báo chí đến với người dân, đặc biệt là các em học sinh và thầy cô giáo.
Thấu hiểu được điều này, bên cạnh công tác chuyên môn, các phóng viên Báo GD&TĐ đóng chân trên địa bàn Nghệ An luôn xem việc phát hành báo đến các trường học là một nhiệm vụ quan trọng. Bằng tất cả nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm, chúng tôi không quản ngại khó khăn, vượt qua hàng trăm cây số đường rừng, đến tận các trường học để giới thiệu, tư vấn cách thức đặt báo.
Hình ảnh những phóng viên với balo trên vai, tay xách những chồng báo mới nhất, len lỏi trên những con đường mòn, vượt qua những đèo dốc cheo leo, đã trở nên quen thuộc với người dân nơi đây.
“Mỗi tờ báo là một món quà, mỗi chuyến đi là một hành trình gieo tri thức”. Đó là tâm niệm của tôi khi hàng ngày đồng hành với Báo GD&TĐ trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Không quản ngại đường sá xa xôi, hiểm trở, chúng tôi đến từng trường học, từ bậc Mầm non đến THPT, mang theo những ấn phẩm báo chí chất lượng, gặp gỡ, trao đổi cùng thầy cô giáo và các em học sinh. Chúng tôi không chỉ giới thiệu về tờ báo, giải đáp thắc mắc mà còn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các thầy cô, cùng trao đổi những vấn đề nóng trong ngành Giáo dục.
Với tôi công tác phát hành báo không chỉ là nhiệm vụ mà còn là sứ mệnh cao cả, góp phần lan tỏa tri thức đến với mọi miền quê hương. Và trong hành trình ấy, mỗi tờ báo được trao đi chính là một món quà tinh thần ý nghĩa, chứa đựng tấm lòng và trách nhiệm của người làm báo.
Tại nhiều trường học ở Nghệ An, Báo GD&TĐ trở thành một tài liệu tham khảo hữu ích trong các hoạt động chuyên môn, sinh hoạt chính trị, tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa. Những bài viết chất lượng, thông tin cập nhật, kiến thức bổ ích trên báo đã giúp thầy cô và các em học sinh bổ sung thêm kiến thức về giáo dục, xã hội và thế giới xung quanh.
Thầy giáo Nguyễn Thế Vĩnh - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Huồi Tụ 2 (xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn) chia sẻ: “Báo GD&TĐ là nguồn thông tin quan trọng, giúp giáo viên nhà trường cập nhật những kiến thức mới về giáo dục, phương pháp giảng dạy. Đồng thời cũng là cầu nối để giáo viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm với các đồng nghiệp trên khắp cả nước. Mỗi khi nhận được báo, chúng tôi đều rất vui mừng và trân trọng.”
Không chỉ là người bạn đồng hành tin cậy của thầy cô giáo, Báo GD&TĐ còn là cầu nối giữa nhà trường, gia đình và xã hội, giúp phụ huynh hiểu rõ hơn về hoạt động giáo dục của con em mình, đồng thời tham gia vào quá trình giáo dục một cách hiệu quả.
“Em rất thích đọc Báo GD&TĐ. Tờ báo có nhiều bài viết hay, bổ ích, giúp em hiểu biết thêm về thế giới xung quanh, về những tấm gương hiếu học, vượt khó. Em mơ ước sau này sẽ trở thành một cô giáo, mang con chữ đến với các em nhỏ vùng cao”, em Nguyễn Thị Kiều, học sinh lớp 11 ở huyện miền núi Kỳ Sơn tâm sự.
Dấu ấn của những “người đồng hành thầm lặng”
Để Báo GD&TĐ đến được với các trường học vùng cao, không thể không kể đến sự đóng góp thầm lặng của những nhân viên bưu tá. Họ chính là những “cánh tay nối dài”, đưa tờ báo đến với bạn đọc ở khắp mọi miền đất nước.
Hơn 10 năm về trước, khi các phương tiện thông tin đại chúng còn chưa phổ biến, công việc thường ngày của chị Vi Thị E Dung (SN 1981, nhân viên Bưu điện xã Nga My, huyện Tương Dương) là trực điện thoại, đưa thư phục vụ nhu cầu liên lạc của người dân. Những năm trở lại đây, khi Báo GD&TĐ được phát hành về các trường học, chị Dung lại kiêm thêm công việc đưa báo.
Địa hình miền núi Nghệ An phức tạp, với những con đường đèo dốc quanh co, hiểm trở. Vào mùa mưa, đường sá lầy lội, trơn trượt, nhiều đoạn bị sạt lở, gây nguy hiểm cho người đi đường. Chính vì thế, công việc đưa báo hằng ngày lại thêm khó khăn, nguy hiểm.
Chị Dung kể, mỗi lần đi phát hành báo, chị đều chuẩn bị kỹ lưỡng áo mưa, ủng, đèn pin... để đối phó với những tình huống bất ngờ. Có những lần đi đường gặp mưa lớn, nước suối dâng cao, chị phải chờ nước rút mới qua được. Vào mùa Đông, buổi sáng nhưng trời đất sương mù, chị Dung phải mò mẫm, dùng ánh đèn pin le lói để soi đường đi.
Mặc dù gặp muôn vàn khó khăn, vất vả, nhưng người phụ nữ này chưa bao giờ nản lòng. Chị Dung luôn tâm niệm rằng, mỗi tờ báo mang đến cho các thầy cô, các em học sinh vùng cao là một món quà tinh thần quý giá, góp phần thắp sáng ước mơ, khát vọng vươn lên trong học tập.
Không chỉ đối mặt với địa hình hiểm trở, những người đưa báo còn phải chịu đựng thời tiết khắc nghiệt của miền núi. Mùa Hè nắng nóng như đổ lửa, mùa Đông lạnh giá, mưa phùn gió bấc. Có những ngày mưa rét, bưu tá phải mặc áo mưa, đội mũ, che chắn cẩn thận để bảo vệ báo không bị ướt, nhưng vẫn không tránh khỏi những cơn gió lạnh cắt da cắt thịt.
Có 9 năm trong nghề bưu tá, anh Lương Văn Mây (SN 1989, nhân viên bưu điện xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương) cho biết, hằng ngày khoảng 6 giờ sáng, anh lại đi xe máy vượt quãng đường hơn 10km đèo dốc để nhận báo, rồi mang phát tại các điểm trường.
“Có những hôm trời mưa tầm tã, đường trơn như đổ mỡ, xe máy không thể đi được, tôi phải gửi xe ở nhà dân rồi cuốc bộ cả chục cây số mới đến được trường. Báo mang theo cũng nặng lắm, nhưng nghĩ đến các thầy cô, các em học sinh đang mong chờ tờ báo, tôi lại có thêm động lực để vượt qua khó khăn”, anh Mây tâm sự.
Trên hành trình mang tri thức đến với bạn đọc, bưu tá là những “người hùng thầm lặng”, ngày đêm góp phần vun đắp cho sự nghiệp giáo dục. Họ không chỉ mang đến những tờ báo, mà còn mang đến niềm tin, hy vọng cho những vùng đất còn nhiều khó khăn. Hành trình của những người như chị Dung, anh Mây tuy gian nan, vất vả nhưng lại mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Công tác giới thiệu, phát hành Báo GD&TĐ tại các trường học ở Nghệ An trong những năm vừa qua đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác này, phóng viên cần tiếp tục nỗ lực, khắc phục khó khăn, đổi mới phương thức hoạt động, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc.
“Các ấn phẩm của Báo GD&TĐ là tài liệu không thể thiếu trong thư viện của nhà trường. Tôi đặc biệt ấn tượng với những bài viết chuyên sâu về đổi mới giáo dục, phương pháp dạy và học hiện đại, cũng như các vấn đề tâm lý học đường. Những bài viết này không chỉ cung cấp kiến thức bổ ích cho giáo viên, học sinh mà còn góp phần định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận của xã hội về những vấn đề quan trọng của ngành Giáo dục”, thầy Hồ Quốc Việt - Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 Nghệ An chia sẻ.