Vượt ngàn cây số xin bàn ghế, máy vi tính cho HS

GD&TĐ - Chiếc xe tải lùi vào cổng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) khiến dòng phương tiện qua lại bị tắc nghẽn. Phía đuôi xe, một người đàn ông vừa ra tín hiệu xin đường, vừa nói: “Làm phiền, mong mọi người thông cảm!”, kèm theo nụ cười thật hiền. Khi chiếc xe đã lọt vào cổng trường, người đàn ông ấy cúi đầu nói to lời cảm ơn với người đi đường, dù chẳng mấy ai để ý.

Thầy Hùng tự tay chất những bộ bàn ghế xin được lên xe tải
Thầy Hùng tự tay chất những bộ bàn ghế xin được lên xe tải

Thầy hiệu trường hết lòng vì HS

Khuôn mặt hiền từ, nụ cười tươi tắn, trang phục chỉn chu như mách bảo chúng tôi một điều gì đó đặc biệt về người đàn ông này. Anh hồ hởi trả lời khi chúng tôi bắt chuyện: “Xe chúng em vào chở bàn ghế HS trong trường! Các thầy cô Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) vừa cho HS trường chúng em cả trăm bộ bàn ghế, mấy chục bộ máy tính nữa. Mừng lắm!”.

Cuộc gặp gỡ lần đầu tiên của chúng tôi với một người thầy giáo đã không quản ngại khó khăn, vượt qua cả ngàn cây số từ vùng sâu tỉnh Đắk Lắk xuống Đà Nẵng xin đồ dùng, thiết bị học tập cho HS ở ngôi trường của mình đã diễn ra như thế. Đó là thầy Lê Phi Hùng - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Đình Chinh (xã Ea Rốc, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk).

Nói về hành trình của mình, thầy Hùng kể: Trong thời gian theo học cao học tại Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), thầy tình cờ biết nhà trường đang tiến hành thay đổi cơ sở vật chất, bàn ghế, trang thiết bị dạy học. Những lần đi qua các dãy phòng học, nhìn những bộ bàn ghế dành cho SV được thay ra xếp ở hành lang, thầy lại nhớ đến những HS của mình đang phải ngồi học với những bộ bàn ghế cũ kỹ, xập xệ.

Suy nghĩ nhiều hôm, thầy quyết định tìm gặp lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng). Nghe thầy Hùng trình bày nguyện vọng, đồng thời thấu hiểu những điều kiện thiếu thốn của HS vùng sâu, vùng xa, PGS.TS Lưu Trang - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) đã quyết định chuyển giao cho Trường THCS Lê Đình Chinh của thầy Hùng 100 bộ bàn ghế, 20 dàn máy vi tính.

Sau khi nhận được thịnh tình của lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), thầy Hùng đã về ngay trường để trao đổi với Ban giám hiệu, xin ý kiến của lãnh đạo chính quyền địa phương và Phòng GD&ĐT để được bố trí nguồn kinh phí thuê xe, nhân công vận chuyển. Với kinh phí ít ỏi được cấp, thầy lại nhờ bạn bè giới thiệu để thuê được một chuyến xe tải một chiều từ Đà Nẵng lên tới Đắk Lắk, chỉ với 8 triệu đồng. Để “chắc ăn”, ngay đêm đó, thầy bắt xe khách quay lại Đà Nẵng cho kịp hợp đồng thỏa thuận với nhà xe. Thầy bảo: “Khối lượng hàng lớn, lại cồng kềnh, trong khi đường sá nội đô rất khó khăn, mình không nhanh chóng nếu chẳng may nhà xe đổi ý, lại phải tìm nơi khác, vừa mất thời gian mà khó có mức giá tốt như thế”.

HS Trường THCS Lê Đình Chinh ngồi học với những bộ bàn ghế đã cũ nát (Ảnh thầy Lê Phi Hùng cung cấp)
  • HS Trường THCS Lê Đình Chinh ngồi học với những bộ bàn ghế đã cũ nát (Ảnh thầy Lê Phi Hùng cung cấp)

Tâm niệm làm những điều tốt

Không những vậy, để tiết kiệm kinh phí thuê mướn vận chuyển, thầy Hùng còn tự mình bốc xếp bàn ghế lên xe. Rồi tự mình tháp tùng chuyến xe tải xuyên đêm vượt qua những cung đường rừng núi trở về trường trong niềm mong đợi của đồng nghiệp và các em HS. Xếp xong những bộ bàn ghế cuối cùng lên xe, thầy phấn khởi nói: “Những bộ bàn ghế này sẽ thay thế cho toàn bộ số bàn ghế HS đã hư hỏng ở 6 phòng học. Mặc dù đây là bàn ghế thuộc diện thanh lý, nhưng còn tốt lắm, cái nào cũng cứng cáp, chắc nịch. Nếu bảo quản tốt thì vẫn sử dụng được cả chục năm nữa”.

Trước khi chia tay, thầy Hùng tâm sự, Trường THCS Lê Đình Chinh đóng chân trên địa bàn xã Ea Rốc (huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) là một địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Trường có số lượng HS DTTS chiếm tỷ lệ hơn 50%; tỉ lệ HS thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo chiếm hơn 65%. Đời sống người dân địa phương dựa vào nông nghiệp, thu nhập hết sức bấp bênh. Chính vì vậy mà việc đầu tư cho con cái học tập chưa được chú trọng, phần nhiều phụ huynh còn phó thác cho nhà trường, thầy cô.

Có lẽ, vì thấu hiểu với những điều kiện khó khăn đối với con em HS, mà trong thời gian qua, không chỉ riêng thầy Lê Phi Hùng, các thầy cô giáo nơi đây đã hết lòng chăm chút, nỗ lực tạo dựng một môi trường học tập ngày càng tốt hơn cho HS. Thông qua những mối quan hệ bạn bè, người thân, đồng nghiệp, họ tìm kiếm, vận động các nguồn tài trợ, giúp đỡ những HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Nói như lời tâm sự của thầy Lê Phi Hùng, niềm vui mỗi ngày đối với những người giáo viên đứng chân dạy học tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là được thấy con em HS đến trường. Buổi học nào cũng đầy đủ HS trong lớp, trong trường. Nỗi buồn lớn nhất của các thầy cô nơi đây là mỗi khi nghe tin HS vắng học, nghỉ học giữa chừng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Chính vì thế, luôn tâm niệm sẽ làm những điều gì tốt nhất có thể cho con em HS; cho dù đó là những việc làm nhỏ bé, hết sức đời thường trong cuộc sống hằng ngày.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ Ukraine trong một cuộc tập trận tại thao trường Yavoriv, phía tây Ukraine.

NATO hưởng lợi trong chiến sự

GD&TĐ - Binh sĩ Ukraine bị Nga bắt giữ tiết lộ các huấn luyện viên NATO cố gắng học hỏi lực lượng Kiev khi huấn luyện những người này.