Hành trình đi xin sách
Chị Hằng gắn bó với công việc thủ thư đã gần 6 năm. Trong quá trình làm việc và qua những lần tham gia khảo sát thư viện trường học chị nhận thấy thư viện hoạt động không hiệu quả do sự thiếu hụt về các đầu sách. Từ đó chị nảy sinh ý định “xin sách” để tặng lại cho các thư viện.
Để có thể kết nối được nguồn sách, tìm kiếm sự hỗ trợ chị Hằng hoàn toàn dựa trên “niềm tin”. “Đây là việc làm cá nhân nên em phải chủ động liên hệ với các nhà hảo tâm. Ban đầu, họ không biết em là ai cả nên mọi việc cũng rất khó khăn. Trải qua nhiều lần gọi điện, nhắn tin cho những người quen, đồng hương là nhà văn, nhà báo…từ đó kết nối thêm nhiều nhà hảo tâm khác. Dần dần, khi tạo dựng được niềm tin từ chính những việc làm của mình, mọi người biết đến nhiều hơn và sự giúp đỡ cũng đến kịp thời hơn”, chị Hằng tâm sự.
Những ngày đầu bắt tay vào công việc “xin sách”, chị Hằng phải tự vận dụng các mối quen biết, thậm chí là tự bỏ tiền túi để vận chuyển số sách xin được. Nguồn sách thì nhiều nhưng khó nhất là xin hỗ trợ đúng các đầu sách phù hợp với đối tượng bạn đọc nhỏ tuổi, như: sách truyện, sách dạy kĩ năng sống, tác phẩm văn học thiếu nhi, sách khoa học, sách tham khảo…
Trong 6 năm miệt mài với công việc thủ thư chị đã kết nối được hơn 10.000 cuốn sách các loại tặng cho thư viện trường học và thư viện cộng đồng các thôn, xã. Việc làm tốt của chị được lan tỏa trong cộng đồng và được Ủy ban Thị xã Kỳ Anh, Trung tâm văn hóa và Phòng giáo dục Thị xã Kỳ Anh đồng tình, ủng hộ. Như được tiếp thêm động lực, chị càng nỗ lực kết nối được thêm nhiều đầu sách, lan tỏa văn hóa đọc cho cộng đồng, nhất là trẻ em ở các vùng còn thiếu thốn về cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu đọc.
Bốn năm dạy hợp đồng ở vùng khó khăn, sáu năm gắn bó với công việc thủ thư, chị thấu hiểu hết sự khó khăn, thiệt thòi và cả khát khao tiếp cận với nguồn tri thức của các trẻ em vùng khó khăn.
Ý định ban đầu của chị là xin sách cho thư viện trường học nơi chị đã từng công tác. Sau đó nhân rộng lên thành hoạt động tặng sách cho các mô hình đọc sách cộng đồng. Để làm được những việc như vậy, trách nhiệm trong công việc thôi là chưa đủ mà còn cần cả lòng yêu nghề, yêu trẻ và sự ý thức trân trọng những giá trị to lớn mà sách mang lại.
Thiết nghĩ nếu không tạo dựng được niềm tin ở mọi người, chị Hằng khó lòng có thể kết nối và tạo ra những điều tốt đẹp ấy. Và khi niềm tin đã vin cành bén ngọn được trong lòng người thì việc tốt sẽ dễ dàng lan tỏa.
Vượt lên nghịch cảnh
Gặp nữ thủ thư Nguyễn Thị Hằng, mọi người luôn cảm nhận được tinh thần nhiệt huyết, tình yêu với công việc nhưng ít ai biết chị còn có một nghị lực sống phi thường.
Trong hai năm, chị liên tiếp đón nhận những cú sốc lớn: mẹ qua đời đột ngột, bản thân và anh trai cùng bị cắt hợp đồng giảng dạy ở trường học trên địa bàn, đứa con thứ hai cũng vì vậy sinh ra thiếu tháng, yếu ớt.
Vừa mới hợp đồng công việc thủ thư được hai năm thì chị phát hiện mình bị u não giai đoạn hai. Chị trở về từ cõi chết sau khi trải qua ca mổ sinh tử, rồi hai tháng liên tiếp xạ trị, truyền hóa chất 6 tháng.
Trong những ngày điều trị bệnh tại Hà Nội, được bạn bè gửi tặng sách. Tự mình cảm nhận ý nghĩa của những điều bổ ích do sách mang lại trong những ngày tháng cùng cực nhất của cuộc đời, chị càng tin tưởng hơn vào những việc mình làm.