Vượt đại dịch, các trung tâm ngoại ngữ "gượng dậy"

GD&TĐ - Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình hoạt động của trung tâm ngoại ngữ tại TP.HCM. Để khởi động trở lại một cách hiệu quả, các đơn vị đã có sự điều chỉnh hoạt động trong thời gian qua.

Một lớp học trực tiếp của Hệ thống Anh ngữ Á Châu trong ngày 14/2. Ảnh: Nam Sơn
Một lớp học trực tiếp của Hệ thống Anh ngữ Á Châu trong ngày 14/2. Ảnh: Nam Sơn

Kết hợp online và offline

Từ ngày 14/2, Hệ thống Anh ngữ Á Châu, có trụ sở chính tại quận Gò Vấp chính thức tổ chức lớp học trực tiếp cho học viên. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Đình Hải, Giám đốc Hệ thống Anh ngữ Á Châu, 60% học viên quay trở lại học trực tiếp trong ngày đầu tiên.

Ông Hải nhận định: Dịch bệnh chưa thể ổn định trong một sớm một chiều. Nhiều phụ huynh còn e ngại nên chưa đăng ký học trực tiếp (offline) cho con, nhất là với học sinh từ lớp 6 trở xuống. Nhiều người vẫn chưa tin vào hiệu quả của học tiếng Anh trực tuyến (online). Vì vậy, trong thời điểm này, các trung tâm tiếng Anh nên kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp là tốt nhất.

Trong khi đó, các lớp học trực tiếp của Trung tâm Anh ngữ SEAMEO RETRAC, Quận 1 được tổ chức trở lại vào ngày 16/2. Theo chia sẻ của bà Lê Thị Thùy Dương, Phó Giám đốc trung tâm, đây là những lớp học dành cho học sinh 14 tuổi trở lên, đã tiêm ít nhất 2 mũi vắc-xin ngừa Covid-19.

Với những lớp học dành cho trẻ dưới 14 tuổi, trung tâm đang thực hiện khảo sát về tình trạng học sinh và xin ý kiến của phụ huynh về việc cho học viên tới học trực tiếp. Sau khi khảo sát, trung tâm sẽ lên phương án và chuẩn bị các điều kiện dạy học an toàn.

Trung tâm SEAMEO RETRAC hiện có lớp học cho học viên ở lứa tuổi khác nhau. Theo chia sẻ của bà Dương, dù một số lớp học dành cho người lớn đã đủ điều kiện để học trực tiếp trở lại nhưng do khóa học sắp kết thúc, nên trung tâm vẫn tổ chức học trực tuyến.

Ví dụ như khóa học “Tiếng Anh giao tiếp dành cho người làm công tác báo chí” do Trung tâm SEAMEO RETRAC tổ chức với sự tài trợ của Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TPHCM, được khai giảng từ tháng 9/2021 và sẽ bế giảng trong tháng 2/2022. Các học viên học trực tuyến trong toàn bộ khóa học và chỉ riêng lễ bế giảng mới tổ chức trực tiếp dù rằng theo kế hoạch ban đầu, khóa học được tổ chức cả bằng hình thức online và offline.

Hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ (VUS) cũng cung cấp giải pháp linh hoạt cho phụ huynh và học viên chọn giữa trực tuyến và trực tiếp. Theo đại diện VUS, đơn vị sẽ có phương án bổ trợ kiến thức, kỹ năng, tạo môi trường tương tác tốt cho học viên sau thời gian gián đoạn việc học trực tiếp và hoàn thiện hệ thống giáo dục tích hợp toàn diện để nâng cao trải nghiệm, chất lượng dạy và học của học viên, giáo viên.

Một trung tâm ngoại ngữ ở Quận 1, TPHCM. Ảnh: Nam Sơn
Một trung tâm ngoại ngữ ở Quận 1, TPHCM. Ảnh: Nam Sơn

Nỗ lực giữ lương cho đội ngũ

Dịch bệnh khiến một số trung tâm ngoại ngữ phải dừng hoạt động. Tình trạng nợ lương giáo viên, thu tiền học viên mà không dạy cũng không phải là hiếm. Thế nên, việc những trung tâm vẫn hoạt động ổn định, đảm bảo vấn đề “cơm áo, gạo tiền” cho đội ngũ nhân sự rất đáng trân trọng.

“Trong năm 2020, Hệ thống Anh ngữ Á Châu đảm bảo trả lương đầy đủ cho giáo viên, tuy ở một số thời điểm bị chậm. Sang năm 2021, dịch bùng phát mạnh và đóng cửa kéo dài, nhất là TPHCM, khiến công việc kinh doanh bị ảnh hưởng. Đứng trước khó khăn, nhiều doanh nghiệp lựa chọn cắt giảm nhân sự để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn quyết định không giảm người và không giảm lương”, ông Hải chia sẻ.

Trung tâm SEAMEO RETRAC có khoảng 100 giáo viên. Trong mùa dịch, các giáo viên vẫn dạy online và được nhận lương theo giờ giảng. Theo bà Dương, trong quá trình dạy online, trung tâm có đội ngũ kỹ thuật (IT), sẵn sàng hỗ trợ các giáo viên để không bị ảnh hưởng đến công việc. Chính vì thế, thu nhập của hầu hết giáo viên vẫn được đảm bảo, trừ một số ít người không có Internet ổn định nên việc giảng dạy trực tuyến bị ảnh hưởng.

Dịch bệnh Covid-19 dần được kiểm soát, số lượng các trung tâm ngoại ngữ hoạt động trở lại ngày càng tăng. Đây là tín hiệu đáng mừng đối với các trung tâm ngoại ngữ ở TPHCM nói riêng và cả nước nói chung trong giai đoạn bình thường mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.