Vượt Cấm Sơn tìm chữ

Vượt Cấm Sơn tìm chữ

(GD&TĐ) - Bơi thuyền, vượt núi để tới trường, học chữ chuyện hết sức bình thường của những em học sinh sống trong vùng hồ Cấm Sơn ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.

Khó khăn đủ đường

Chúng tôi về Sơn Hải vào một ngày cuối xuân, khi cơn mưa phùn khiến cho con đường liên xã đặc quánh bùn đất. Cách trung tâm thị trấn huyện có 18km nhưng xã Sơn Hải là một trong những xã khó khăn nhất, nếu không nói là nằm trong thế bị cô lập của lòng hồ Cấm Sơn, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang. 

Gian nan đường đến trường
Gian nan đường đến trường

Sơn Hải chỉ có 5 thôn là Cầu Sắt, Đấp, Đồng Mậm, Tam Chẽ, Cổ Vài, song mỗi thôn lại nằm tách biệt nhau bởi những dãy núi và hồ, muốn đi từ thôn này tới thôn kia phải vượt núi, qua sông mất vài tiếng đồng hồ. Xa xôi, biệt lập nhất có lẽ vẫn là thôn Đồng Mậm, nằm vòng vèo quanh những chân núi cao, thuộc lòng hồ Cấm Sơn. Dù chỉ có 94 hộ dân nhưng Đồng Mậm lại chia thành nhiều cụm nhỏ khác nhau như Đồng Mậm, Suối Khoan, Thùng Thình…, mỗi điểm cách nhau tới vài giờ đi bộ, đường đến đó không chỉ có cuốc bộ mà còn phải leo núi, thậm chí có cụm phải đi thuyền như Suối Khoan.

Nếu không bám rừng, vượt sông thì có lẽ chúng tôi không thể nào hiểu hết sự vất vả và khó khăn mà người dân nơi lòng hồ Cấm Sơn đang sống như thế nào… Quả đúng như những gì mà Chủ tịch Hội nông dân xã Sơn Hải, Trương Hồng Thanh đã nói trước khi dẫn chúng tôi vào thăm Đồng Mậm, bởi sau khi mất 45 phút để đi thuyền và cuốc bộ từ trung tâm xã vào thôn Đấp (giáp ranh với Đồng Mậm), chúng tôi lại tiếp tục theo những con đường mòn quanh co qua hai dãy núi cao mất hai giờ đồng hồ nữa mới có thể vào bản “hồ trên núi”.

Nếu đi xuôi thuyền dọc theo hồ Cấm Sơn thì từ trung tâm xã vào Đồng Mậm cũng mất 90 phút đi xuồng máy. Cả thôn Đồng Mậm chỉ có khoảng 2, 3 chiếc xuồng máy do các hộ chung tiền mua, chủ yếu chỉ dùng cho thuê và để chuyên chở hàng hóa. Mỗi chuyến thuê xuồng đi ra trung tâm xã cũng mất 200-300 ngàn đồng, điều này là quá sức với người dân, khi mà đa số hộ dân ở đây đều thuộc hộ nghèo. Vì vậy, hầu hết người dân, trẻ đi học, các cán bộ địa phương, muốn đi lại đều chọn cách đi xuyên qua núi, rồi chèo thuyền qua một khúc sông ở thôn Đấp để ra xã. “Nếu muốn ra trung tâm xã họp hành gì thì cũng mất nửa ngày dành cho việc bám rừng, vượt núi”, anh Trương Văn Quảng, trưởng thôn Đồng Mậm cho biết.

Chiếc đò nhỏ hằng ngày đưa các em đến trường
Chiếc đò nhỏ hằng ngày đưa các em đến trường

Khó khăn về địa hình, giao thông khiến cho đời sống kinh tế của Đồng Mậm chủ yếu là tự cung, tự cấp, hàng hóa làm ra khó có thể bán cho các lái buôn như những nơi khác mà vẫn bị ép giá. Vào mùa vải cũng là 1 kg vải thiều, ở các xã khác của Lục Ngạn được thu mua với giá 10 ngàn đồng thì ở Đồng Mậm chỉ có thể bán với giá 3 ngàn đồng. Ngay cả việc xây dựng nhà cửa cũng không phải đơn giản. “Nếu làm cái nhà cấp 4 như ở các xã khác chỉ mất 50 triệu thì ở Đồng Mậm phải tốn gấp đôi, gấp ba vì tiền vận chuyển nguyên vật liệu quá cao, người dân muốn xây nhà mới cũng khó”, anh Trương Văn Quảng chỉ vào ngôi nhà hai gian vẫn còn vách đất của mình, than thở với chúng tôi. Nhưng khó khăn nhất vẫn là chuyện các em đi học.

Gian nan con chữ

Ở Sơn Hải, mỗi thôn đều có trường mầm non, trường tiểu học, riêng trường học thôn Đồng Mậm nằm biệt lập ở một đảo giữa lòng hồ. Trẻ em ở vùng lân cận trong thôn như Suối Khoan, Thùng Thình… muốn đến trường phải cuốc bộ khá xa, trung bình khoảng 3, 4km đường đất, sau đó phải đi thuyền hoặc xuồng mới đến nơi. Cho đến nay, có gần 140 học sinh tiểu học và học sinh trung học ở Đồng Mậm và Đấp phải đi học bằng thuyền để tới trường. Khi chúng tôi đến đúng lúc các em tan học, nên sẵn theo chân các em ra bờ sông đón thuyền. Một con thuyền nhỏ mà có cả chục em đứng xếp hàng chờ đến lượt. Thấy có khách lạ, chị Than lái đò cho biết: “Trung bình một ngày chị chèo thuyền 4 lần đưa các em sang trường đi học có em nhà xa đi bộ từ 5 giờ sáng mới đến nơi. Hôm nào mưa rét, đò của chị vơi hẳn”. Con gái chị học lớp 5 trường tiểu học Đồng Mậm nhiều hôm cũng phải chèo đò phụ mẹ đưa các bạn qua sông đi học. Bao năm qua, gia đình chị Than gắn bó với bến nước này nên chị thuộc làu cả ngày con nước lên, lúc con nước rút. 

Qua sông tìm chữ
Qua sông tìm chữ

Mặc dù gần đây, thôn đã được một số đơn vị, cá nhân hảo tâm tài trợ cho một chiếc đò trị giá hàng chục triệu đồng để đưa đón các em tới trường song vẫn còn một số học sinh lớp 3, lớp 4 hằng ngày vẫn phải tự chèo thuyền cùng nhau đi học. Chuyện các em tự chèo thuyền đi học không phải là hiếm ở Đồng Mậm, nhiều gia đình bố mẹ không có thời gian đưa đón, buộc phải đóng thuyền nhỏ để các em tự túc. Ở đây, các em biết chèo thuyền từ thuở lên 3 như trẻ em nơi khác biết đi xe đạp. Trao đổi với cô giáo Phùng Thị Thắm, phó hiệu trưởng trường tiểu học Đồng Mậm về việc các em đi học chủ yếu bằng thuyền, cô cho biết: “Nhà trường cũng biết việc đó nhưng không thể làm khác được, chỉ còn cách dạy các em biết cách ứng phó với những hiểm họa sông nước”.

Trung bình một ngày các em phải đi thuyền gần một giờ đồng hồ rồi leo núi, cuốc bộ 6, 7 km từ nhà tới trường và ngược lại. Hiện nay, dù được cấp áo phao, cặp phao nhưng vẫn còn nhiều em học sinh vẫn không có. Đặc biệt, nhiều em vẫn thường xuyên tự chèo thuyền qua sông đi học mà không có cặp, áo phao cứu sinh. Anh Quảng cho hay, thỉnh thoảng vẫn có vài vụ bị chìm thuyền nhưng may mắn đều có người phát hiện kịp thời nên không có thiệt hại về người. Đối với học sinh cấp hai, may mắn hơn là được học nội trú. Tuy nhiên cuối tuần, các em lại phải về nhà cõng gạo, thực phẩm trên những cái dốc thẳng đứng, trơn trượt này.

Cuộc sống của các thầy cô nơi đây cũng không khá hơn. Chúng tôi gặp cô giáo Lê Thị Hòa, 28 tuổi, người Yên Thế (Bắc Giang) về Đồng Mậm dạy học đã được 6 năm. Hòa mới xây dựng gia đình được vài năm, chồng cô cũng là giáo viên ở một điểm trường trong xã. Như tất cả những em học sinh nơi đây, ngoài việc dạy học, cô Hòa cũng rất giỏi việc chèo thuyền. Ngày mới về đây dạy, nhiều đêm Hòa khóc vì nhớ nhà và buồn. Nơi ốc đảo xa xôi này không có điện cũng không có bất cứ phương tiện giải trí nào, ngay cả trạm y tế cũng không. Mỗi khi có ai ốm đau nhẹ thì dùng lá cây trên rừng, nặng thì chỉ có cách chèo thuyền đưa vào bờ. Chả thế mà có biết bao chuyện dở khóc, dở cười quanh việc đưa người đi cấp cứu. Không vì lòng yêu nghề và thương những đứa trẻ giỏi chèo thuyền hơn học này chắc cô cũng bỏ về từ lâu rồi. Cô Hòa cho biết, không phải quá vất vả để vận động các em như những đồng nghiệp miền núi nhưng ngày 2 buổi lo lắng cho việc đi lại của các em cũng khiến cho thầy cô nơi đây cũng khối phen hốt hoảng. Chỉ cần một em vắng mặt cũng buộc cô phải kiểm tra xem vì sao em không đến lớp và việc đầu tiên cô làm là chạy ra bến hỏi thăm xem hôm nay có thuyền nào đắm không? Cực nhọc và thiếu thốn như vậy nhưng những giáo viên ở đây vẫn bám trường, bám học sinh và coi mảnh đất này như quê hương thứ hai của mình. Họ ngày ngày cần mẫn gieo những hạt giống tâm hồn trên mảnh đất khô cằn bốn bề bao quanh là núi và sông này.

Nếu câu chuyện có được một cây cầu dân sinh để việc đi lại của người dân thôn Đồng Mậm và thôn Đấp, xã Sơn Hải được thuận tiện là một điều xa xôi thì việc được xem ti vi, được biết đến những sản phẩm của công nghệ thông tin với các em học sinh và người dân nơi đây có lẽ sẽ còn là giấc mơ xa hơn nữa. Bởi hiện tại, Đồng Mậm là thôn duy nhất của Sơn Hải chưa có điện; bao nhiêu năm qua, câu chuyện vượt sông tìm chữ của trẻ em Sơn Hải vẫn là điều làm đau đầu các ban ngành của tỉnh Bắc Giang.

An Nguyễn 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.