'Vườn trăm năm' - đám cưới trong mơ của các cặp đôi đặc biệt

GD&TĐ - Sự kiện “Vườn trăm năm” do người trẻ khởi xướng và thực hiện đã tạo nên nét đẹp nhân văn, điểm tô cho cuộc sống.

Chú rể Huỳnh Minh Phụng và cô dâu Nguyễn Thị Linh Phượng tiến vào lễ đường.
Chú rể Huỳnh Minh Phụng và cô dâu Nguyễn Thị Linh Phượng tiến vào lễ đường.

Nhóm sinh viên Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM đã tổ chức thành công hôn lễ cho 5 cặp đôi là người khuyết tật sinh sống trên địa bàn TP.

Những chủ hôn của “Vườn trăm năm”

Hôn lễ dành cho các cặp đôi khuyết tật là tâm huyết của 30 sinh viên khóa 21 ngành Truyền thông đa phương tiện. Sự kiện thuộc khuôn khổ thực hành môn học chuyên ngành “Tổ chức sự kiện” của Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM.

Ý tưởng “Vườn trăm năm” xuất phát từ ký ức của Đinh Thụy Hà Giang - Phó Trưởng ban tổ chức (BTC) về một đoạn phóng sự đám cưới tập thể của 120 cặp đôi được tổ chức vào ngày 12/12/2012. Hà Giang nhận thấy mỗi buổi hôn lễ luôn chứa đựng những ý nghĩa thiêng liêng không chỉ đối với cô dâu, chú rể, mà còn mang đến vô vàn cảm xúc đặc biệt cho những người chứng kiến.

“Từ đó, em nung nấu ước mơ trở thành người tổ chức những đám cưới ý nghĩa và trọn vẹn. Em đã chia sẻ mong ước này và nhận được rất nhiều sự ủng hộ, cổ vũ từ BTC về ý tưởng ‘sinh viên tổ chức hôn lễ’. Do đó, dù trải qua bao khó khăn, thử thách hay nhận phải nhiều ý kiến rằng rủi ro, không thể thực hiện; BTC vẫn cố gắng hết sức để biến ước mơ về buổi hôn lễ dành cho các cặp đôi khuyết tật trở thành hiện thực” - Hà Giang cho biết.

Bằng tất cả nhiệt huyết của tuổi trẻ, BTC đã dùng tình yêu thương cộng đồng để hiện thực hóa ước mơ cho các cặp đôi khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, việc lan tỏa những câu chuyện truyền cảm hứng của chính những cặp đôi này đến cộng đồng, xã hội cũng chính là “ước mơ” của nhóm sinh viên này.

Từ những kiến thức được giảng viên hướng dẫn, tham khảo thêm ý kiến từ những người có chuyên môn trong lĩnh vực tổ chức tiệc cưới hoạt động thiện nguyện, các thành viên đã bắt đầu từ những bước cơ bản nhất như thành lập BTC, phân chia 6 ban chuyên môn (nội dung, kỹ thuật, truyền thông, đối ngoại, sản xuất, take care), lên ý tưởng sự kiện cho đến các công việc phức tạp hơn như liên hệ nhân vật, vận động hợp tác biểu diễn và kêu gọi nhà tài trợ.

“Quỹ thời gian khá ngắn và nguồn lực cũng không quá mạnh, chúng em đã cố gắng hết sức mình để hoàn thành tốt từng nhiệm vụ riêng và chung trong suốt quá trình tổ chức hôn lễ. Các công việc từ sản xuất, truyền thông đến thiết kế, kỹ thuật, các thành viên BTC đều giúp đỡ nhau hết mình, tất cả đều hướng đến hôn lễ “Vườn trăm năm” và “các nhân vật đặc biệt””, Nguyễn Ngọc Trường An - Trưởng ban Nội dung trải lòng.

Các bạn sinh viên chụp hình lưu niệm với 5 cặp đôi và khách mời.

Các bạn sinh viên chụp hình lưu niệm với 5 cặp đôi và khách mời.

Chạm tay vào khoảnh khắc thiêng liêng

Hôn lễ đại diện cho một cột mốc thiêng liêng trong cuộc sống của mỗi người. Tuy nhiên, với nhiều người, đặc biệt là các cặp đôi thuộc cộng đồng người khuyết tật, do hoàn cảnh và nhiều nguyên nhân khác khiến cho việc thực hiện ước mơ này trở nên khó khăn hơn. Đối với họ, việc tổ chức một buổi hôn lễ là cả một ước mơ và “Vườn trăm năm” được tạo ra với mục đích hiện thực hóa những ước mơ này.

Theo BTC, tên gọi “Vườn trăm năm” xuất phát từ ý nghĩa của loài hoa lưu ly, loài hoa tượng trưng cho sức mạnh tình yêu bất diệt có thể vượt qua mọi khó khăn để bung nở, cũng giống như tình yêu mà người khuyết tật dành cho nhau. Mỗi bông hoa sẽ luôn tươi đẹp và trường tồn như cách người ta hay nói là “trăm năm hạnh phúc”.

Khoảnh khắc hôn lễ diễn ra cũng là lúc câu chuyện tình yêu của năm cặp đôi được tiếp thêm sức mạnh, niềm mong ước của họ cũng chính thức trở thành hiện thực. Dưới ánh sáng của hôn lễ, tình yêu mà họ dành cho nhau đã lan tỏa một cách đầy tích cực nhất đến với mọi người.

Vợ chồng anh Hồ Tấn Vinh (56 tuổi) và chị Phạm Thị Mỹ Tiên (53 tuổi) là một cặp đôi rất đặc biệt trong hôn lễ này. Anh bị liệt cả hai chân phải ngồi xe lăn, chị cũng liệt một chân và thêm bệnh rối loạn tiền đình, đau lưng nên không thể làm việc nhiều.

“Lúc trước, vợ chồng tôi có ý định làm một đám cưới nhỏ nhưng vẫn chưa làm được. Với tôi và vợ, tổ chức đám cưới là một điều rất ‘xa xỉ’. Được mấy em sinh viên và các con chạy tới chạy lui, đôn đáo lo cho vợ chồng tôi một đám cưới đàng hoàng, tôi cảm thấy rất hạnh phúc” - anh Vinh nghẹn ngào.

Cặp đôi anh Huỳnh Minh Phụng (40 tuổi) và chị Nguyễn Thị Linh Phượng (41 tuổi) cũng đã có hơn 6 năm trở thành bạn đời của nhau. Từ khi sinh ra, anh chị đã bị khuyết tật vận động phần chân, đi lại khó khăn, mưu sinh bằng nghề bán vé số. Sau thời gian tìm hiểu, thấy được tình cảm dành cho nhau, anh chị quyết định tiến đến hôn nhân và mới đăng ký kết hôn năm 2018. Chị Phượng vui mừng: “Được mặc trên người chiếc áo cô dâu, tôi vui và hạnh phúc lắm vì cuối cùng mình có một đám cưới như mọi người”.

Bên cạnh 2 cặp đôi trên, BTC còn mang đến một đám cưới ấm cúng cho các cặp đôi khác, là vợ chồng các anh chị: Nguyễn Nam Hải (48 tuổi) và Nguyễn Thị Ái Vân (40 tuổi); Lâm Tấn Cảnh (54 tuổi) và Võ Nguyễn Thị Thao (48 tuổi); Nguyễn Vũ Sơn (36 tuổi) và Nguyễn Thị Mỹ Dung (33 tuổi). Hành trình về chung một nhà của họ đều gặp không ít gian nan, nhưng cuối cùng tình yêu vẫn chiến thắng tất cả và 5 cặp đôi đều đã có một đám cưới thiêng liêng trong đời.

“Sau này mình sẽ nhớ mãi khoảnh khắc rơi lệ của các cặp đôi cùng con cái và người thân bạn bè của họ. Vì lúc đó, mình cùng các bạn BTC biết rằng hành trình chúng mình đang đi thật đáng tự hào và đầy ý nghĩa”, Nguyễn Quốc Hải - thành viên BTC chia sẻ.

Không rót rượu vang, cắt bánh cưới, đốt pháo hoa như những buổi tiệc hào nhoáng khác, tại hôn lễ “Vườn trăm năm”, cô dâu chú rể lại được thực hiện một nghi thức lãng mạn khác, họ được cầm tay nhau tưới nước cho mầm cây tình yêu. Cùng với sự ra đời của “Vườn trăm năm”, BTC hy vọng sẽ lan tỏa được nhiều giá trị tích cực, khuyến khích sự đồng cảm và chia sẻ của cộng đồng với những người khuyết tật, góp phần nâng cao nhận thức và thái độ tích cực về quyền bình đẳng và hòa nhập xã hội của họ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ