Vườn thực nghiệm bỗng dưng…. bị trả lại!

Vườn thực nghiệm bỗng dưng…. bị trả lại!

(GD&TĐ) - Ngoài mục đích là phủ xanh đất trống đồi trọc, khu vườn thực nghiệm rộng khoảng 0,5ha  của trường THPT Đa Phúc, Sóc Sơn, Hà Nội còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đó là đào tạo hướng nghiệp cho các em học sinh. Trong suốt hơn 25 năm qua, biết bao thế hệ cán bộ giáo viên và học sinh nhà trường đã phải đổ mồ hôi, công sức để tôn tạo, sử dụng khu vườn đúng mục đích và hiệu quả. Song bỗng nhiên thầy hiệu trưởng Nguyễn Tu Tập (nay là hiệu trưởng trường THPT Sóc Sơn) tự ý trả lại cho Lâm trường Sóc Sơn (nay là Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và Phát triển Nông lâm nghiệp Sóc Sơn) khu vườn này mà không hề thông qua chi bộ hay hội đồng trường. Trước sự việc này, nhiều cán bộ, giáo viên đang công tác trong nhà trường cũng như một số cán bộ, giáo viên đã nghỉ hưu đã có những phản ứng gay gắt.

T
Trường THPT Đa Phúc, Sóc Sơn, Hà Nội

Phản ánh với phóng viên chuyên mục Hộp thư bạn đọc, Báo Giáo dục & Thời đại, rất nhiều cán bộ, giáo viên đang công tác và đã từng công tác tại trường THPT Đa Phúc không khỏi phẫn nộ bất bình về vấn đề nêu trên. Sự việc chưa được giải quyết êm xuôi, thì thầy Nguyễn Tu Tập lại được điều động về làm hiệu trưởng trường THPT Sóc Sơn, Hà Nội. Dư luận không khỏi nghi ngại trước sự điều động luân chuyển này, rất có thể đó cũng là một giải pháp né tránh?! – Một giáo viên nói.

Qua tìm hiểu được biết, khu vườn thực nghiệm có nguồn gốc như sau: Để thực hiện nhiệm vụ lao động sản xuất, hướng nghiệp cho học sinh và phủ xanh đất trống đồi trọc do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động; năm 1985, Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và Phát triển Nông lâm nghiệp Sóc Sơn có cho trường THPT Đa Phúc mượn một khu đất rộng khoảng 0,4 - 0,5 ha tại khoảnh 21, lô 19.3 tiểu khu sân bay để làm địa điểm lao động, giáo dục hướng nghiệp cho học sinh. Từ đó đến trước năm 2008, hàng năm nhà trường vẫn quản lý và tổ chức cho học sinh vào lao động trồng và chăm sóc cây tại khu đất rừng này. Cũng từ đó đến trước ngày 27 tháng 3 năm 2009, Công ty chưa bao giờ có yêu cầu thu hồi lại.

Năm 2008, nhà trường giao cho thầy Lê Thanh Nghị, giáo viên kỹ thuật kiêm nhiệm trông coi khu vườn rừng này và được hưởng chế độ giảm 2 tiết/tuần. Trong quá trình trông coi, thầy Nghị đã tự ý xây dựng nhà mà chưa được các cơ quan chức năng có thẩm quyền cho phép nên đã bị UBND xã Tiên Dược và thanh tra xây dựng huyện lập biên bản và yêu cầu tháo dỡ công trình trả lại hiện trạng ban đầu.

V
Khu vườn thực nghiệm rộng khoảng 0,4ha-0,5ha của trường THPT Đa Phúc bỗng dưng ...bị trả lại?!

Theo đó, các cơ quan chức năng đã yêu cầu nhà trường xuất trình các giấy tờ liên quan đến nguồn gốc sử dụng lô đất rừng này. Do không tìm thấy các giấy tờ liên quan, nên ngày 11/6/2009 nhà trường có công văn số 39 trả lại lô đất vườn thực nghiệm cho Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và Phát triển Nông lâm nghiệp Sóc Sơn. Song điều mà nhiều cán bộ, giáo viên bức xúc là, việc trả lại khu vườn không được thầy Tập (lúc đó là hiệu trưởng nhà trường) tham khảo ý kiến của những người đã từng trực tiếp được nhận bàn giao khu vườn năm 1985.

Trước sự việc trên, thầy Nguyễn Duy thuyết và Đàm Khắc Sỹ - giáo viên nhà trường không khỏi bất bình: “…Việc bỗng nhiên trả lại vườn thực nghiệm cho Lâm trường Sóc Sơn, giáo viên chúng tôi khá là bất ngờ vì trước khi trả lại, thầy Tập không bàn bạc dân chủ trong chi bộ, hội đồng nhà trường và chúng tôi cũng không hề được thông báo dưới bất kỳ một hình thức nào. Trong khi hàng năm, nhà trường vẫn tổ chức cho học sinh vào khu vườn tham gia lao động, hướng nghiệp và tìm hiểu về môi trường sinh thái, từ đó giúp các em hiểu hơn về tác dụng của rừng để có ý thức bảo vệ rừng tốt hơn. Điều chúng tôi thấy làm lạ đó là, công văn trao trả lại khu vườn không hề được lưu vào sổ công văn gửi đi của nhà trường và văn thư cũng không hề hay biết cũng như chưa từng đóng dấu vào công văn đó?”.

Chị Trần Thị Minh Nhâm – Cán bộ văn thư cho biết, chị chưa từng soạn công văn hay đóng dấu và lưu sổ công văn trả lại vườn thực nghiệm
Chị Trần Thị Minh Nhâm – Cán bộ văn thư cho biết, chị không hề soạn công văn hay đóng dấu và lưu sổ công văn trả lại vườn thực nghiệm

Sự việc trên cũng đã được chị Trần Thị Minh Nhâm – Cán bộ văn thư trường THPT Đa Phúc xác minh là có thật. Chị cho biết: “Tôi không soạn thảo công văn trả vườn thực nghiệm cũng không đóng dấu và không được giao nhiệm vụ phải lưu công văn đi, cho nên tôi cũng như các thầy cô giáo khác, mọi chuyện vỡ lở rồi mới biết".

Thầy Ngô Vĩnh Dụng – Nguyên hiệu phó nhà trường, là người trực tiếp làm công văn xin khu vườn thực nghiệm và cũng là người trực tiếp đại diện cho nhà trường nhận khu vườn này bức xúc nói: “Trong suốt 25 năm qua, biết bao thế hệ, cán bộ, giáo viên, học sinh chúng tôi đã biến một khu đất đồi trọc này trở thành khu rừng xanh tốt. Điều quan trọng là khu vườn thực nghiệm này đã phục vụ giảng dạy cho các môn như: Sinh học, kỹ thuật nông nghiệp, địa lý v.v…và chương trình đào tạo hướng nghiệp trồng cây, gây rừng cho học sinh. Thông qua vườn thực nghiệp chúng tôi đã tuyên truyền cho học sinh hiểu hơn về môi trường sinh thái, về ý thức bảo vệ rừng…Vậy mà giờ đây thầy Tập đã không tôn tạo, phát triển vườn thực nghiệm thì thôi, cớ làm sao mà lại tự ý đem trả. Những thế hệ giáo viên chúng tôi cảm thấy chua sót và bị xúc phạm quá…”.

Thầy Ngô Vĩnh Dụng (người thứ nhất bên phải) – Nguyên hiệu phó trường THPT Đa Phúc và một số cán bộ, giáo viên đã và đang công tác tại trường bức xúc trước việc trả lại vườn thực nghiệm!
Thầy Ngô Vĩnh Dụng (người thứ nhất bên phải) – Nguyên hiệu phó trường THPT Đa Phúc và một số cán bộ, giáo viên đã và đang công tác tại trường bức xúc trước việc trả lại vườn thực nghiệm!

Cùng chung quan điểm với thầy Dụng, thầy Đỗ Trọng Định – Nguyên tổ trưởng tổ Văn và cô Nguyễn Thị Ngọc – Nguyên chủ tịch Công đoàn trường THPT Đa Phúc nói: “Chúng tôi đã từng gắn bó và có biết bao nhiêu là kỷ niệm với học sinh thân yêu ngay tại khu vườn này. Lẽ ra thầy Tập là người tiếp quản phải tiếp tục kế thừa và phát huy hiệu quả. Song với cách làm của thầy thì không khác nào thầy đã phủi sạch công lao của những người đã dày công gây dựng khu vườn thực nghiệm. Song điều mà chúng tôi quan ngại đó là: Sự việc không đơn thuần chỉ là trao trả lại khu vườn rừng thực nghiệm, mà đằng sau câu chuyện này, rất có thể là một màn kịch đã được dàn dựng công phu mà ở đó có nhiều điểm cần được làm sáng tỏ. Chúng tôi mong rằng, tân hiệu trưởng Nguyễn Thị Tươi cần có động thái để khu vườn thực nghiệm thực sự được trở lại và hoạt động theo đúng nghĩa của nó”. Đây cũng chính là mong muốn của nhiều cán bộ, giáo viên trường THPT Đa phúc đối với tân hiệu trưởng Nguyễn Thị Tươi.

c
Tân hiệu trưởng trường THPT Đa Phúc Nguyễn Thị Tươi cho biết: "Nếu thực sự cần thiết có vườn thực nghiệm thì tôi sẽ làm.....!"

Bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này, cô Tươi cho biết: “Sau khi có quyết định bổ nhiệm làm hiệu trưởng, tôi không được thầy Tập bàn giao sự việc trên (hiện thầy Tập đã được điều động về làm hiệu trưởng trường THPT Sóc Sơn). Tuy nhiên, Ban giám hiệu sẽ tham khảo ý kiến của các thầy cô giáo, nếu thực sự cần thiết có một khu vườn thực nghiệm cho học sinh, thì tôi sẽ làm…”.

(còn nữa)

Sỹ Điền

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ