Vườn rau của mẹ

GD&TĐ - Mẹ có một mảnh vườn nhỏ trước nhà dành để trồng rau.

Dù ngôi nhà đã đôi lần thay đổi dáng hình nhưng vườn rau thì mẹ vẫn giữ. Ảnh: Bình Thanh.
Dù ngôi nhà đã đôi lần thay đổi dáng hình nhưng vườn rau thì mẹ vẫn giữ. Ảnh: Bình Thanh.

Trước đây, khi còn bận bịu công việc cơ quan, mẹ toàn phải tranh thủ những buổi sáng dậy sớm hay chiều muộn để tưới tắm cho vườn rau, những ngày cuối tuần mẹ sẽ bắt sâu, nhổ cỏ.

Vườn rau của mẹ lúc nào cũng xanh tốt nhờ tay mẹ cần mẫn vun trồng. Bữa cơm của gia đình tôi cũng nhờ vậy mà luôn có những tô canh, đĩa rau xanh ngon ngọt.

Từ ngày về hưu, mẹ chăm sóc khu vườn kĩ hơn. Cây chanh, cây ổi vì thế mà cũng sai trái hơn thì phải. Rau dưa đủ loại: Từ cải, muống, lang, dền, đến luống hành mùi, răng cưa, diếp cá, lá lốt… và cả các loại quả.

Mấy dây mướp đắng mẹ cho leo vào hàng rào B40 phía ngoài đường, luống đậu đũa thì sát bờ giáp vườn nhà cô Tâm. Còn cả hai gốc mướp được mẹ trồng gần ngõ nữa. Giàn mướp được bố bắc ngang lối đi từ ngoài cổng vào theo ý mẹ, vừa đỡ tốn diện tích vườn mà lối đi lúc nào cũng mát rười rượi. Mùa đến, quả sai lúc lỉu trên giàn.

Tôi hay cầm đôi bàn tay mẹ mà bảo rằng mẹ mát tay quá, cả vườn cây nào cây nấy cứ tươi xanh, hoa trái đầy cành. Mẹ cười, nét cười hiền hậu. Mẹ nhìn cây trái sum suê và thầm thì lời cảm ơn cây đã không phụ công người mà tốt tươi mơn mởn.

Dù ngôi nhà tôi đã đôi lần thay đổi dáng hình nhưng vườn rau thì mẹ vẫn giữ. Tôi nhớ có những ngày mẹ ốm mệt, dù nằm đấy nhưng vẫn không quên nhắc bố tôi tưới nước cho vườn rau, nhắc chị em tôi bắt sâu, nhổ cỏ. Mẹ bảo có công chăm bón cây sẽ chẳng phụ người. Có lẽ vì vậy mà bao năm nay, vườn rau của mẹ từ lứa này đến lứa kia cứ nối nhau lên xanh tốt.

Ngày mới về hưu, thấy mẹ suốt ngày bận bịu bên vườn rau, chị em tôi đã có ý nói mẹ nghỉ ngơi đi, rau dưa chi cho mệt, hai ông bà ăn bao nhiêu mà trồng, cần gì chạy ù ra chợ cái là xong. Mẹ gạt đi, vẫn chăm bẵm sáng chiều mong những luống rau nhanh lớn. Rồi mẹ bảo: Rau mẹ trồng không thuốc trừ sâu, sạch sẽ an toàn, hàng tuần chị em bay chịu khó về lấy. Rau nhà đầy ra, ăn cho đảm bảo.

Vậy là mấy năm nay, gia đình nhỏ của hai chị em chúng tôi có “nguồn cung ứng rau sạch” từ vườn mẹ. Cuối tuần nào hai gia đình nhỏ cũng về ăn cơm cùng bố mẹ. Lúc đi mẹ lại chuẩn bị cho bao nhiêu cây nhà lá vườn. Mỗi loại mẹ cẩn thận bó riêng thành từng bó, sắp xếp gọn gàng đâu vào đấy.

Về nhà chúng tôi chỉ việc bỏ cả vào trong tủ, lúc nấu ăn thì lấy ra một phần. Tuần nào bận không về được, mẹ cắt sẵn rau trái, tự sắp xếp rồi chạy xe lên phố, ghé nhà chị em tôi, đưa mỗi đứa túi rau, rồi mẹ về.

Rau nhiều, mẹ còn mang cho hàng xóm. Chả đáng là bao nhưng đó là tấm lòng thảo thơm của mẹ. Nhà chị Lan cả hai vợ chồng làm công nhân, cứ đi từ sáng, tới chiều tối mới về. Nhà cụ Mười, bác Tấn, chú Tư cũng được ăn rau mẹ trồng. Tôi hay đùa mẹ, vườn rau của mẹ là vườn rau Thạch Sanh, ăn hoài không hết. Cụ Mười thì móm mém bảo: “Của một đồng, công một nén đấy cháu. Nhờ có vườn rau của mẹ cháu mà già này ngày nào được ăn rau sạch”.

Mùa Đông trước, vườn mẹ bao nhiêu thứ rau của mùa giá lạnh. Bắp cải, su hào, hành, mùi, xà lách… Mỗi thứ một ít mà đủ đầy cả. Một dãy cây hoa cúc dọc theo lối đi từ ngoài ngõ vào đã đơm nụ hứa hẹn sẽ nở hoa đúng vào dịp Tết Nguyên Đán. Dù trời lạnh, mẹ vẫn cần mẫn tưới chăm, vẫn bắt sâu, nhổ cỏ như một thói quen không thể bỏ dù hạ hay đông.

Chiều nay, tôi bất chợt về qua nhà, thấy ngay lối đi cạnh vườn rau, mẹ và mấy cô hàng xóm đang ngồi chơi. Mọi người vừa cùng nhặt rau chuẩn bị cho bữa chiều, vừa chuyện trò vui vẻ. Bố tôi tươi cười từ ngoài vườn vào mang theo rau muống, dền, mùng tơi… Mẹ đón từ tay bố, đếm chia cho từng nhà, trong đó có cả phần của chị em tôi nữa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.