Vững tâm trước ngày khai giảng

GD&TĐ - Chuẩn bị cho ngày khai giảng, bên cạnh việc phòng chống dịch, các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long quan tâm hỗ trợ học sinh khó khăn. Phụ huynh cũng đồng hành cùng nhà trường chuẩn bị cho con em đến lớp.

Giáo viên Trường Tiểu học Phú An, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) chuẩn bị cho lễ khai giảng.
Giáo viên Trường Tiểu học Phú An, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) chuẩn bị cho lễ khai giảng.

Quan tâm học sinh khó khăn

Trước ngày khai giảng năm học mới, học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn ở tỉnh Cà Mau rất vui khi được hỗ trợ điện thoại để học trực tuyến.

Đó là nỗ lực của Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau khi vận động 500 điện thoại thông minh, có kết nối sẵn Internet dành cho học sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn học trực tuyến.

Theo ông Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau, Sở vừa vận động doanh nghiệp hỗ trợ 500 điện thoại thông minh, trị giá 950 triệu đồng nhằm hỗ trợ  học sinh trên địa bàn có điều kiện học trực tuyến, nhất là những học sinh vùng nông thôn.

Tỉnh Tiền Giang cũng lưu ý các trường chỉ dạy học trực tuyến khi đủ điều kiện. Qua khảo sát nắm tình hình thực tế đối với học sinh trong việc trang bị các phương tiện phục vụ học tập trực tuyến tại nhà, Sở GD&ĐT điều chỉnh việc tổ chức các hoạt động dạy và học năm học 2021 - 2022.

Theo đó, sau lễ khai giảng (từ ngày 6/9 đối với học sinh khối lớp 9 và lớp 12, từ 13/9 đối với các khối lớp còn lại) các cơ sở giáo dục chưa tổ chức dạy học bài mới theo phân phối chương trình mà tập trung tổ chức các nội dung sinh hoạt để ổn định lớp, tổ chức các hoạt động cho học sinh, học viên làm quen với hình thức học tập trực tuyến; tổ chức ôn tập kiến thức bài cũ…

Đến khi bảo đảm đủ các điều kiện để tổ chức dạy học trực tuyến thì bắt đầu dạy học bài mới (Sở GD&ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn thực hiện và gửi đến các đơn vị).

Sở GD&ĐT Tiền Giang lưu ý hiệu trưởng các trường khẩn trương nắm bắt tâm tư nguyện vọng, đề xuất của cha mẹ học sinh và học sinh, thống kê trường hợp khó khăn về trang thiết bị học tập nhằm phối hợp với chính quyền địa phương, Ban đại diện cha mẹ học sinh, doanh nghiệp để có biện pháp hỗ trợ kịp thời, bảo đảm cho học sinh có đầy đủ trang thiết bị để học tập…

HS vùng sông nước Cà Mau đến trường bằng xuồng. Ảnh: Việt Hữu.
HS vùng sông nước Cà Mau đến trường bằng xuồng. Ảnh: Việt Hữu.

Đồng hành cùng học sinh

Ngoài quần áo, sách bút, thầy trò vùng sông nước chuẩn bị ghe xuồng chuẩn bị đi khai giảng. Học sinh vùng sâu, vùng xa nhận được sự đồng hành từ nhà trường, địa phương.

Năm nào cũng vậy, ngày khai trường của các em học sinh vùng sông nước Cà Mau đều có những nét đặc thù riêng biệt. Đó là  học sinh được phụ huynh chở bằng xuồng, hoặc đi đò đến trường.

Sống ở vùng sông nước, xuồng ghe là phương tiện thiết yếu. Trước thềm năm học mới, chị Lê Tuyết Trinh, ngụ huyện U Minh (Cà Mau) tu sửa lại chiếc xuồng máy để chở con và các em nhỏ trong xóm đến trường.

“Nhà tôi có 2 con đang đi học, sẵn chuyến đưa rước nên cho mấy đứa nhỏ gần nhà đi chung. Dần thành thói quen, tôi đầu tư một chiếc vỏ lãi (xuồng máy loại nhỏ), phục vụ luôn việc chạy đò đưa rước các em được đảm bảo an toàn", chị Trinh thông tin.

Tại tỉnh Vĩnh Long, theo thống kê của UBND tỉnh, toàn tỉnh có gần 700 học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, năm học 2021 - 2022 toàn tỉnh có gần 200.000 học sinh đến trường. Trong đó, học sinh hoàn cảnh khó khăn trên 14.000 em. Số học sinh bị ảnh hưởng dịch Covid-19 (F0, F1, F2, trong khu cách ly, phong tỏa) là 695 em. Hiện tỉnh đang huy động hỗ trợ, không để các em thiếu dụng cụ, sách SGK khi trở lại trường học sau dịch Covid-19.

Học sinh hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa tỉnh Cà Mau cũng được hỗ trợ SGK. Theo ông Phạm Hoàng Gan, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, nhằm tạo điều kiện cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn có SGK học tập trong năm học mới, Sở GD&ĐT đã xây dựng Kế hoạch về vận động hỗ trợ SGK. Đến nay, Sở GD&ĐT đã nhận được sự hỗ trợ của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam 700 bộ, Công ty Khí - Điện - Đạm Cà Mau 350 bộ, Công ty sách - Thiết bị Cà Mau 300 bộ…

Trong thời gian tới Sở tiếp tục vận động và phân bổ cho các đơn vị huyện, thành phố. Sở GD&ĐT cũng chỉ đạo các cơ sở giáo dục bằng nhiều nguồn vận động hợp pháp nhằm đảm bảo 100% học sinh có SGK.

"Năm học này, tôi đầu tư chi phí sửa chữa xuồng máy, xăng dầu chuẩn bị đưa rước các em. Vào mỗi đầu năm học mới, nhà trường có hỗ trợ thêm áo phao và gia đình cũng ký giấy cam kết chạy đò đảm bảo an toàn giao thông”, chị Trinh cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.