Công tác chuẩn bị cho ngày khai giảng và năm học mới với bộn bề công việc, nhưng theo một cách hoàn toàn khác.
Tâm thế như khai giảng trực tiếp
Lễ khai giảng cuối cùng ở bậc học phổ thông, Thúy Quỳnh – học sinh lớp 12, Trường THPT Ân Thi, Hưng Yên – chỉ được gặp bạn bè, thầy cô qua… màn hình máy tính. Quỳnh nhớ lại, khai giảng những năm trước, em được mặc áo dài, đầu tóc gọn gàng, tung tăng hàn huyên với bạn bè sau ba tháng hè không gặp. Cảm giác được quay lại trường, gặp lại bạn bè để ôm vai bá cổ với những câu chuyện của tuổi học trò khiến cho buổi lễ khai giảng luôn được mong chờ với cảm giác háo hức, hồi hộp.
“Năm nay em vẫn hồi hộp, nhưng lại có chút buồn, tiếc nuối. Bởi lẽ là lần khai giảng cuối cùng những năm học phổ thông được tổ chức một cách hết sức đặc biệt – khai giảng online, nên không thể đến trường để gặp gỡ các thầy cô, bạn bè. Thế nhưng, em cũng mong chờ vì không biết tổ chức khai giảng online sẽ thế nào, có những gì? Để buổi lễ khai giảng trọn vẹn nhất, em đã chuẩn bị một chiếc máy tính đầy pin, sẽ mặc áo dài, cùng với đó là tâm thế tràn đầy hào hứng đón chờ” – Thúy Quỳnh chia sẻ.
Theo cô Vũ Thị Anh, giáo viên Trường THPT Ân Thi, chuẩn bị cho lễ khai giảng trực tuyến, trường đã sẵn sàng phần mềm; phông băng rôn, màn chiếu, âm thanh trên sân khấu như khai giảng bình thường. Với giáo viên, ngoài chuẩn bị máy tính, điện thoại và ID phòng Zoom cùng với học sinh dự lễ khai giảng, thầy cô vẫn được yêu cầu trang phục đúng quy định của buổi lễ: cô giáo mặc áo dài; thầy giáo áo trắng, cà vạt, quần tối màu; tâm thế như dự khai giảng trực tiếp. “Do dịch bệnh nên các tiết mục văn nghệ của giáo viên, học sinh không có. Khai giảng kết thúc ở phần lễ, không có phần hội” - cô Vũ Thị Anh cho biết.
Năm nay, các trường học trên địa bàn tỉnh Hải Dương cũng tổ chức khai giảng theo hình thức trực tuyến. Lần đầu tiên tổ chức khai giảng theo hình thức này, cô Nguyễn Thị Nhắc, Hiệu trưởng Trường tiểu học Sao Đỏ, Chí Linh (Hải Dương), cho biết đã phân công chi đoàn thanh niên chuẩn bị nội dung, chương trình chào đón năm học mới. Giáo viên chủ nhiệm cùng phụ huynh làm clip ảnh để giới thiệu và chào đón học sinh các lớp trong ngày khai trường trực tuyến.
Ổn định nền nếp học tập ngay sau khai giảng
Từ 1/9 đến trước khai giảng năm học mới, thủ trưởng các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk được yêu cầu chủ động chuẩn bị mọi điều kiện để tổ chức khai giảng và dạy học; chỉ đạo giáo viên liên hệ, nắm tình hình học sinh của nhà trường đầu năm học. Đồng thời, thông báo để học sinh và phụ huynh biết thông tin về kế hoạch giáo dục của nhà trường, những điểm mới trong năm học, về tài liệu học tập, sách giáo khoa...; hướng dẫn học sinh phương pháp học trực tuyến (nhất là với học sinh lớp 1).
Chia sẻ thông tin này, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk Đỗ Tường Hiệp, cho biết thêm: Lễ khai giảng tổ chức vào 5/9 bằng hình thức trực tuyến đối với các đơn vị có điều kiện (tổ chức ngắn gọn, trang trọng, ý nghĩa, đảm bảo an toàn).
Các đơn vị không đủ điều kiện để tổ chức khai giảng theo hình thức trực tuyến cần báo cáo chính quyền địa phương để có sự chỉ đạo, hỗ trợ; phối hợp với cơ quan phát thanh, truyền hình địa phương tổ chức tuyên truyền, thông tin những nội dung chính về khai giảng năm học mới; thông báo học sinh, phụ huynh học sinh và nhân dân theo dõi, hưởng ứng.
Sau ngày khai giảng năm học mới, các đơn vị tổ chức dạy học bằng hình thức trực tuyến hoặc hình thức khác phù hợp với diễn biến của dịch bệnh Covid-19 và điều kiện của nhà trường, địa phương. Với mầm non, không tổ chức dạy học trực tuyến mà tập trung phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ phụ huynh nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ ở nhà theo các kênh phù hợp.
Tại Hòa Bình, thông tin từ Giám đốc Sở GD&ĐT Bùi Thị Kim Tuyến, sở GD&ĐT đã đưa ra các phương thức tổ chức khai giảng và nhà trường lựa chọn phù hợp với điều kiện thực tiễn. Theo đó, trường hợp dịch Covid-19 được kiểm soát, các địa phương không phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, các trường tổ chức khai giảng theo hình thức tập trung, nhưng phải tuyệt đối đảm bảo nguyên tắc 5K. Các cơ sở giáo dục mầm non tổ chức khai giảng dưới hình thức “Ngày hội đến trường của bé” một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ.
Trường hợp dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, địa phương đang thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, học sinh phải tạm nghỉ học để thực hiện các giải pháp phòng chống dịch Covid-19: Các đơn vị, trường học tùy điều kiện thực tế, tổ chức khai giảng năm học mới theo hình thức trực tuyến, bảo đảm an toàn, ngắn gọn, thiết thực, hiệu quả. Riêng các cơ sở giáo dục mầm non không tổ chức khai giảng trực tuyến.
Cũng theo bà Bùi Thị Kim Tuyến, Sở GD&ĐT đã lưu ý việc ổn định và duy trì nền nếp học tập ngay sau khai giảng. Trong trường hợp, dịch Covid-19 chưa được kiểm soát, học sinh tiếp tục tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch bệnh, các đơn vị, trường học cần bám sát văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức hoạt động dạy và học bài mới thông qua hình thức trực tuyến, đồng thời triển khai tổ chức hoạt động phù hợp với từng cấp học.