Vững tâm nhập trường thi

GD&TĐ - Thường với học sinh, trước kỳ thi, kiểm tra bao giờ cũng thấy hồi hộp, lo lắng, phấp phỏng chỉ mong thời gian trôi lâu lâu một chút, càng chậm kiểm tra càng tốt. Vậy nhưng sáng nay (25/6), hơn 870.000 thí sinh lớp 12 cả nước lại vững tâm tham dự Kỳ thi THPTQG 2019.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trên một diễn đàn mạng xã hội, có thầy giáo chia sẻ ảnh lớp 12 thầy chủ nhiệm đang tươi vui chuẩn bị cho ngày thi THPTQG kèm chú thích: “Ngày thi ơi nhanh đến đi”! Một số người tò mò hỏi thầy: Sao học trò thầy đi thi mà hớn hở thế? Thầy cười rất tươi trần tình:

“Các con mong đến ngày thi lắm. Tất cả đều chuẩn bị chu đáo rồi: Đề thi minh họa có sớm, HS được ôn thi nhuần nhuyễn; thầy cô hàng ngày dặn dò tư vấn, HS tâm thế đã sẵn sàng; phòng ốc thi cử đảm bảo an toàn, minh bạch; con đường đến trường mọi ngày giờ lại càng thuận lợi vì được bao người hỗ trợ, nâng bước… Ngay tôi đây cũng muốn trẻ lại để được… đi thi!”.

Còn ở các vùng sâu, vùng xa, HS dân tộc thiểu số nhà xa điểm thi được ở trong khu nội trú hoặc ở nhà dân gần trường, được thầy cô, người dân chăm chút miếng ăn, giấc ngủ trong suốt cả quá trình ôn tập và diễn ra kỳ thi. Ngày thi đầu tiên này, em nào cũng khỏe mạnh, tự tin tới trường thi. Thi cùng các bạn đồng trang lứa cả nước đã khơi sự hào hứng rồi, đến phòng thi được các thầy cô giám thị là giảng viên trường ĐH dặn dò, động viên trước giờ thi nữa – còn niềm vui nào hơn!

Để các thí sinh đến trường thi trong tâm thế phấn khởi, tin tưởng vào thầy cô giáo, tin tưởng vào sự công bằng, khách quan của kỳ thi là kết quả của sự nỗ lực của toàn ngành GD và của các tổ chức, đoàn thể xã hội. Ngày thi đầu tiên cũng khẳng định tính hợp lí, hiệu quả của những chỉ đạo, phương hướng ngành GD đặt ra với kỳ thi quốc gia này, như có thêm nhiều quy định chi tiết siết chặt hơn việc bảo quản, sử dụng đề thi, bài thi tại điểm thi; tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát…; đặc biệt là sự góp mặt sâu của các trường ĐH.

Các HS THPT đã rất thú vị truyền nhau lời thầy Hiệu trưởng “cute nhất quả đất” – PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM – dặn dò thí sinh từ việc mang dụng cụ gì vào phòng thi, ăn uống ra sao để giữ sức khỏe, tô bài trắc nghiệm thế nào đến việc “Không dao động và đừng tin vào các tin vịt trên mạng trong những ngày thi!”. Được quan tâm, yêu thương như vậy, thí sinh thêm vững tâm, có động lực cố hết sức làm bài thật tốt, mong có cơ hội gặp thầy hiệu trưởng thân thiện, dễ thương nơi giảng đường ĐH.

Kỳ thi lấy thí sinh làm trung tâm, mọi công việc chuẩn bị đều hướng tới tạo điều kiện cho thí sinh được thể hiện mình sau 12 năm đèn sách. Nói theo “trend” của giới trẻ: Cứ dốc sức đi thi THPTQG đi, việc còn lại… mọi người lo!

Trên mạng xã hội, khi bàn đến Kỳ thi THPTQG, một số người chú ý, chờ đợi ở phần kết quả thi cử, nhưng góc nhìn “lạ”của một ông bố lại khiến nhiều bậc cha mẹ đồng tình.

Ông bố kể ngày đầu tiên đưa con đi làm thủ tục dự thi, thấy con vừa bước xuống xe là có người đưa cho chai nước uống. Các anh chị SV tình nguyện động viên con thi tốt, còn nhắc con nhớ “Đừng để “dế” (điện thoại) lạc vào phòng thi nhé”! Ông bố chợt thấy ấm lòng. Có lẽ những gì cậu con trai nhận được hôm đó sẽ cho con có những ấn tượng thật đẹp về tình người. Chính cách tổ chức, triển khai một kỳ thi đã cho các thí sinh đang còn rụt rè bước chân vào đời tầm nhìn xã hội thật đáng quý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.