Vùng núi cao chủ động đảm bảo sức khỏe học sinh trong dịch bệnh và thời tiết khắc nghiệt

GD&TĐ - Rét đậm, rét hại và dịch bệnh đã ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh và việc dạy học nhiều nhà ở các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Trước diễn biến đó, các nhà trường phải tăng cường giải pháp ứng phó.

Tỉ lệ chuyên cần học sinh toàn tỉnh Lào Cai đạt trên 84% dù điều kiện thời tiết và dịch bệnh phức tạp.
Tỉ lệ chuyên cần học sinh toàn tỉnh Lào Cai đạt trên 84% dù điều kiện thời tiết và dịch bệnh phức tạp.

Duy trì tỉ lệ chuyên cần cao

Tuy điều điều kiện thời tiết khắc nghiệt và dịch bệnh phức tạp song theo thống kê từ Sở GD&ĐT Lào Cai, tỉ lệ chuyên cần học sinh ngày 21/3 toàn tỉnh đạt trên 84%. Trong đó, khối Mầm non là 54%, Tiểu học 84,5%; THCS 90,76%; THPT 93,44%.  

Ông Nguyễn Trường Chinh, Trưởng phòng GD&ĐT Sa Pa cho biết: Tại thị xã Sa Pa, khối mầm non đã tạm nghỉ học nhưng tỉ lệ chuyên cần khối Tiểu học vẫn đạt 78%, Khối THCS tỉ lệ chuyên cần đạt 92,50%. Có 15 trường vẫn dạy học trực tiếp với 56 lớp học; Số lớp nghỉ vì dịch là 15; Số trường nghỉ do rét 3.

Các trường THCS có học sinh bán trú vẫn duy trì học tập, sinh hoạt tại trường bởi học sinh đã ở trường không cho về để phòng chống dịch và rét. Các trường nằm trong khu vực cấp độ 4 chuyển sang dạy học trực tuyến.

Tại huyện Bắc Hà, ông Bùi Văn Tiến trưởng phòng GD&ĐT trao đổi: Công tác dạy học trong thời tiết giá lạnh được các trường thực hiện linh hoạt theo quy định từng cấp bậc học (Dưới 10 độ, học sinh Mầm non nghỉ; Dưới 7 độ học sinh tiểu học  nghỉ; Học sinh THCS nghỉ dưới 5 độ). Tuy nhiên, Phòng GD&ĐT vẫn trao quyền chủ động cho các nhà trường trong việc triển khai tổ chức dạy học bởi thực tế nhiều trường học đảm bảo tốt công tác phòng, chống rét và dịch bệnh hơn cho học sinh so với ở nhà.  

Điều đó cũng phù hợp với thực tế thời tiết bởi huyện vùng cao Bắc Hà phân bố khác nhau theo vùng. Khu thượng huyện nhiệt độ ngày 21/3 xuống thấp 1-2 độ C, song khu trung tâm huyện lại trên 4 độ C;

Hiện tại, để phòng chống rét và dịch bệnh, các trường mầm non trên huyện đang cho học sinh nghỉ học, một số trường Tiểu học trung tâm huyện, trường trên địa bàn các xã Lùng Cải, Tả Văn Chư, Hoàng Thu Phố, Tả Củ Tỷ chuyển học trực tuyến và nghỉ học. Còn lại cơ bản học bình thường.

Tại huyện Văn Bàn, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Trưởng phòng  GD&ĐT trao đổi: Rét đậm rét hại ảnh hưởng theo từng vùng của huyện. Tuy nhiên hiện nay chỉ 2 xã vùng cao Nậm Xây, Nậm Chày lạnh nhất, còn lại cơ bản các xã khác nhiệt độ  không quá thấp. Vì vậy gần 100% các trường vẫn duy trì dạy học bình thường.

Tính đến 21/3 trên địa bàn huyện Văn Bàn có 6 trường Tiểu học và 6 trường THCS chuyển sang dạy học trực tuyến đề phòng chống dịch. Số lượng giáo viên ở cả 3 cấp bậc học Mầm Non, Tiểu học, THCS bị FO là 33; 252 F1; 297 F2; Số học sinh 3 cấp học bị F0 là 142; 2.383 F1; 2771 F2.

Thầy Dương Xuân Chính, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sa Pa (Thị xã Lào Cai) trao đổi: Nhiệt  độ tại thị xã Sa Pa sáng 21/3 đã xuống 1 độ C và ở cấp độ dịch 4. Vì thế, theo chỉ đạo của Tỉnh, Thị xã, Phòng GD&ĐT học sinh khu vực trung tâm chuyển sang học trực tuyến tới khi có thông báo mới. Tình hình ca nhiễm dịch sau Tết đối với giáo viên và học sinh của trường tăng cao do khách đổ lên Sa Pa du lịch đông, gia đình học sinh làm dịch vụ du lịch nhiều dẫn tới lây nhiễm bệnh cho học sinh

Theo thầy Chính, tính từ 7- 21/3 trường có 113/1287 HS bị F0 và 3 GV F0. Tuy nhiên, do trước Tết trường đã thực hiện tăng cường thời gian “vàng” thứ 7 hàng tuần để dạy học, đồng thời dạy đẩy các môn Toán, Tiếng Việt… nên hiện tại vẫn đảm bảo chương tình theo kế hoạch. Dự kiến đến đầu tháng 5 nhà trường có thể kết thúc năm học.  

Đảm bảo giữ ấm cho học sinh tại các trường học huyện Bắc Hà
Đảm bảo giữ ấm cho học sinh tại các trường học huyện Bắc Hà

Tăng cường phòng chống rét và dịch bệnh gia tăng

Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bát Xát cho biết, để đảm bảo sức khỏe, học tập cho học sinh trong những ngày rét đậm, rét hại, Phòng đã yêu cầu các nhà trường tăng cường biện pháp phòng, chống rét.

Các nhà trường phải thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, kịp thời báo cáo chính quyền, địa phương quyết định thời gian cho học sinh nghỉ học tránh rét theo quy định.

Mặt khác, chủ động tổ chức kiểm tra trường, lớp học, nhà ở học sinh bán trú đảm bảo đủ điều kiện giữ ấm cho học sinh trong những ngày rét đậm, rét hại. Thực hiện lồng ghép kiến thức phòng, chống rét với kiến thức giảng dạy trong các môn học đặc thù.

Việc tổ chức tuyên truyền đến phụ huynh học sinh để giữ ấm cho học sinh khi đến trường học tập và sinh hoạt (đi học phải có giày dép, áo ấm, mũ len…) cũng được chú trọng.

Trong quá trình tổ chức các hoạt động học tập, giáo dục và sinh hoạt cho học sinh đòi hỏi phải phù hợp với thời tiết từng khu vực, từng thời điểm đặc biệt là những ngày nhiệt độ xuống quá thấp và đối với học sinh các lớp nhỏ.

Đối với những trường có học sinh nội trú, bán trú cần quan tâm đảm bảo chế độ ăn hợp lý, đủ dinh dưỡng, nước uống phải đủ nóng; phòng ngủ không để gió lùa, có đủ chăn ấm. Hơn thế căn cứ điều kiện thời tiết mỗi vùng, các trường có thể điều chỉnh thời gian học hợp lý; không bắt buộc học sinh phải mặc đồng phục nếu không đủ ấm; hạn chế tổ chức các hoạt động tập trung học sinh ở ngoài trời.

Khi nhiệt độ ngoài trời xuống quá thấp, không đảm bảo cho học sinh đến trường học tập, hiệu trưởng các trường phải báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương, Phòng GD&ĐT và cho học sinh nghỉ học để tránh rét theo quy định …

Trước diễn biến thời tiết xấu và dịch bệnh phức tạp trên địa bàn, ông Nguyễn Trường Chinh, Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Sa Pa cho biết đã chỉ đạo các trường phải đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, kiểm tra và sửa chữa kịp thời các phòng học, phòng chức năng, phòng bán trú, phòng ăn... đảm bảo tránh gió lùa, đủ ánh sáng và giữ ấm cho học sinh.

Giữ gìn sức khỏe học sinh trong thời tiết giá rét từ bữa ăn bán trú
Giữ gìn sức khỏe học sinh trong thời tiết giá rét từ bữa ăn bán trú

Với các trường mầm non cần đảm bảo có nước ấm để chăm sóc phục vụ học sinh. Các trường bán trú cần đặc biệt quan tâm đảm bảo đầy đủ thức ăn và thực phẩm sạch, chế độ ăn hợp lý, cơm, thức ăn, nước uống nóng sốt; chỗ nghỉ ấm áp, chuẩn bị cơ số thuốc theo quy định phục vụ công tác y tế học đường.

Mặt khác lưu ý việc phòng, chống cháy nổ khi sử dụng các thiết bị bếp sưởi, quạt sưởi cho học sinh. Không tổ chức các hoạt động ngoài trời trong những ngày rét đậm, rét hại; Nhà trường cùng phối hợp cha mẹ học sinh nhắc nhở học sinh mặc đủ ấm. Các trường vùng cao, trường bán trú tăng cường huy động xã hội hóa ủng hộ quần áo ấm, đệm, thiết bị sưởi ấm cho học sinh. Tuy nhiên tuyệt đối không đốt lửa, than trong phòng kín để tránh gây ngộ độc khí độc.

Trước số ca dịch bệnh trong giáo viên và học sinh tăng sau Tết, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Trưởng phòng  GD&ĐT huyện Văn Bàn cho biết đang chỉ đạo rốt ráo công tác phòng, chống dịch để học sinh học tới trường học trực tiếp an toàn.

Một mặt, ngành giáo dục siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch; Cập nhật, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời nội dung chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp, ngành có thẩm quyền về công tác phòng, chống Covid-19. Tuyên truyền, triển khai thực hiện nghiêm túc, linh hoạt, hiệu quả các biện pháp thích ứng an toàn phòng, chống dịch…

Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người học thực hiện không tổ chức, tham gia liên hoan, gặp mặt ăn uống đông người… Nhà trường chủ động, phối hợp chặt chẽ với cơ sở y tế tại địa phương để tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch/phương án phòng, chống dịch bệnh, kế hoạch tiêm vắc xin phòng Covid-19 và thực hiện xét nghiệm tầm soát tại đơn vị, đảm bảo an toàn, linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn và các quy định hiện hành;

Yêu cầu các cơ sở giáo dục sẵn sàng phương án/kế hoạch để chuyển tổ chức dạy, học và các hoạt động giáo dục từ trực tiếp sang trực tuyến hoặc bằng các hình thức phù hợp khác. Việc dạy học được chủ động theo từng cấp độ dịch từ 1-4.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ