"Vùng kiến thức" và bí quyết ôn thi môn Sinh đạt kết quả cao

GD&TĐ - Để giúp học sinh lựa chọn nội dung ôn thi tốt nghiệp THPT môn Sinh học, các thầy cô giáo đã phân tích "vùng kiến thức" và chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng giúp học sinh đạt kết quả cao khi làm bài thi.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Xác định nội dung ôn tập qua "vùng kiến thức"

Để ôn tập môn Sinh học đạt hiệu quả cần chú ý đến "vùng kiến thức" có trong đề tham khảo môn Sinh học năm 2021 mà Bộ GD&ĐT đã công bố.

Cô Khổng Thị Thu Vân, Tổ trưởng chuyên môn Sinh học, Trường THPT Thạnh An, TP Cần Thơ phân tích "vùng kiến thức", cụ thể như sau:

Theo như đề tham khảo môn Sinh học năm 2021 thì “vùng kiến thức” gồm toàn bộ chương trình Sinh học 12 và 2 chủ đề Sinh học 11 là chuyển hóa vật chất và năng lượng ở thực vật; chuyển hóa vật chất và năng lượng ở động vật.

Từ những phân tích các chủ đề trong "vùng kiến thức", cô Thu Vân đánh giá lại số lượng câu hỏi và mức độ nhận thức của các câu hỏi trong từng chủ đề của đề thi, nhằm giúp học sinh xác định được nội dung ôn tập.
"Vùng kiến thức" và bí quyết ôn thi môn Sinh đạt kết quả cao ảnh 1
Click vào ảnh để xem nội dung.

Theo đánh giá của cô Thu Vân, các câu hỏi ở mức độ nhận thức nhận biết và hiểu chiếm khoảng 75% câu hỏi (30 câu) đề thi, chủ yếu ở sinh học 11 và một số chủ đề sinh học 12 như: tiến hóa, sinh thái; cơ chế di truyền và biến dị; tính qui luật của hiện tượng di truyền, cấu trúc di truyền quần thể; ứng dụng di truyền học.

Các câu hỏi ở mức độ nhận thức độ vận dụng chiếm 15% câu hỏi (6 câu) nằm ở chủ đề tiến hóa, sinh thái và tính qui luật của hiện tượng di truyền. Riêng các câu ở mức độ  vận dụng cao, chiếm khoảng 10% câu hỏi, phần này thường nằm ở các chủ đề của di truyền.

Do đó, dựa trên năng lực của bản thân, học sinh cần lựa chọn nội dung tập trung ôn tập phù hợp. Ví dụ đối với đối tượng học sinh chủ yếu là trung bình và khá thì các kiến thức ở mức vận dụng cao trong các chủ đề sẽ không ôn tập như ở chủ đề di truyền học người năm nào cũng là dạng câu phả hệ ở mức vận dụng cao thì nên bỏ→ tránh quá tải cho học sinh mà không có hiệu quả.

Tuy nhiên, do đề Bộ đã công bố là đề “thi tham khảo” nên ở mức độ nhận thức của các câu cũng mang tính tham khảo (có thể chênh lệch mức độ nhận thức so với đề thi thật).

Học sinh Cần Thơ trong giờ học môn Sinh học.
Học sinh Cần Thơ trong giờ học môn Sinh học.

Chú ý kỹ năng ôn và làm bài

Theo nhận định của các giáo viên thuộc Tổ bộ môn Sinh học của Trường THPT Thới Lai, huyện Thới Lai (TP Cần Thơ), đề thi THPT theo định hướng đánh giá năng lực. Do đó học sinh chỉ học thuộc lòng, nhớ máy móc chắc chắn sẽ không thể đạt điểm cao.

Để đạt điểm cao trong kỳ thi sắp tới, học sinh cần chú ý ôn tập nội dung từ cơ bản đến nâng cao theo từng chủ đề sau đó làm bài tập để rèn kĩ năng đọc hiểu, phân tích, tổng hợp, tính toán nhanh theo từng tình huống trong câu hỏi.

Thầy Võ Thanh Điền, Tổ trưởng tổ môn Sinh học Trường THPT Thới Lai lưu ý học sinh khi làm bài tập trắc nghiệm, sau khi hoàn thành mỗi câu hỏi nên suy luận các tình huống mở rộng có liên quan. Vì với mỗi tình huống, chỉ cần thay đổi một vài từ trong câu dẫn thì đáp án đã khác.

"Vùng kiến thức" và bí quyết ôn thi môn Sinh đạt kết quả cao ảnh 3
Click vào ảnh để xem nội dung

Đặc biệt là các câu hỏi tình huống trong chủ đề Tiến hóa và Sinh thái. Khi làm bài cần đọc kĩ câu hỏi, khoanh tròn hoặc gạch chân các từ khóa quan trọng (“đúng”, “sai”, quy ước gen, chủ đề trong câu hỏi…) để hiểu chính xác câu hỏi, không bị nhầm lẫn.

Để đạt điểm cao thì trong thời gian này cần hệ thống kiến thức bằng các bảng tổng hợp, so sánh, sơ đồ hệ thống kiến thức, sơ đồ tư duy. Khi đã nắm vững mạch kiến thức các chủ đề thì bắt đầu giải đề để rèn kĩ năng vận dụng kiến thức, phân tích các câu hỏi chọn đúng đáp án trong thời gian nhanh nhất.

Kinh nghiệm cho thấy đa số học sinh khá giỏi có thể giải được hết các câu hỏi vận dụng, vận dụng cao trong đề nhưng không đủ thời gian. Chính vì vậy, kĩ năng quản lý thời gian khi giải đề đối với học sinh rất quan trọng.

Các em nên phân bố thời gian hợp lí để làm nhiều vòng. Vòng 1 hoàn thành các câu hỏi dễ (mức độ biết, hiểu) trong thời gian nhanh nhất có thể (15 - 20 phút). Vòng 2 làm các câu hỏi lí thuyết ở mức vận dụng và các bài tập tính toán có thể áp dụng công thức tính nhanh. Các câu hỏi khó hoặc các dạng bài tập chưa gặp bao giờ thì làm sau cùng.

"Song song với việc rèn luyện kỹ năng giải đề, học sinh cần sắp xếp thời gian hợp lý để học tập nghỉ ngơi. Sức khoẻ trong thời gian này là quan trọng nhất. Không nên để căng thẳng áp lực, không quá đà vào các câu hỏi quá khó, vượt khả năng. Khi có sức khỏe tốt, tinh thần thoải mái, các em mới phát huy hết khả năng làm bài thi", thầy Điền chia sẻ thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.