Vùng khó lên 'kịch bản' đồng hành cùng sĩ tử

GD&TĐ - Với quyết tâm đảm bảo quyền lợi tối đa cho sĩ tử tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, tỉnh Điện Biên huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Cô và trò Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên ôn thi tốt nghiệp THPT 2023.
Cô và trò Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên ôn thi tốt nghiệp THPT 2023.

Vai trò nòng cốt

Những ngày này, không khí chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT đang diễn ra sôi nổi khắp các trường học ở Điện Biên. Cùng với công tác ôn luyện, trang bị kiến thức, kỹ năng cho sĩ tử thì vấn đề được nhiều trường học vùng khó ưu tiên quan tâm là lên phương án hỗ trợ tối đa cho các em.

Trường THPT huyện Nậm Pồ năm học này có 4 lớp 12, với 176 học sinh. Thầy Lương Đình Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Xác định vai trò nòng cốt, ngay từ đầu năm học đơn vị đã xây dựng kế hoạch chi tiết để có trang bị tốt nhất cho từng học sinh từ kiến thức, kỹ năng và tâm lý ổn định.

Sau khi họp, đánh giá kết quả thi năm trước, nhà trường đã đúc rút nhiều kinh nghiệm cho năm nay. Để công tác ôn luyện được hiệu quả, trường chủ động đánh giá, phân loại học sinh. Trên cơ sở đó xây dựng phương pháp giảng dạy, ôn tập cho phù hợp với từng đối tượng.

Cũng theo thầy Tuấn, nhà trường đã tổ chức 2 đợt thi thử. Kết quả cho thấy đa số đều đảm bảo theo yêu cầu. Tuy nhiên, vẫn còn một nhóm còn hạn chế, yếu kém nhất định, có nguy cơ trượt tốt nghiệp. Hiện nay học sinh nhà trường đang dồn sức, tập trung cho công tác ôn tập.

“Đối với số học sinh yếu kém được tập trung thành lớp riêng để giáo viên phụ đạo, củng cố kiến thức. Còn những em có nhu cầu xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng cũng được tập trung riêng, để giáo viên ôn tập nâng cao”, thầy Tuấn cho hay.

Cô và trò Trường THCS - THPT Quài Tở (huyện Tuần Giáo) tập trung ôn luyện.

Cô và trò Trường THCS - THPT Quài Tở (huyện Tuần Giáo) tập trung ôn luyện.

Do đặc thù là địa bàn vùng khó, nên đa phần học sinh nhà trường đều thuộc diện khó khăn. Do vậy, theo thầy Tuấn, việc quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các em luôn được nhà trường ưu tiên, tập trung. Để có cơ sở hỗ trợ, trường rà soát hoàn cảnh cụ thể từng học sinh. Thông qua đội ngũ giáo viên chủ nhiệm và Tổ tư vấn tuyển sinh.

“Nhiều em do hoàn cảnh khó khăn mà tâm lý không ổn định hoặc có sự lo lắng, xáo trộn. Vì thế, trường chỉ đạo giáo viên thường xuyên chia sẻ, động viên, khích lệ tinh thần và hỗ trợ mọi mặt khi được yêu cầu. Hiện nay chúng tôi cũng đã xây dựng kế hoạch huy động mọi nguồn lực để bố trí ổn định nơi ăn, chốn nghỉ trong suốt thời gian thi, để các em yên tâm”, thầy Tuấn chia sẻ.

Là năm đầu có thí sinh dự thi, Trường THCS - THPT Quyết Tiến (huyện Tủa Chùa) hiện cũng đang nỗ lực để có sự chuẩn bị tốt nhất cho học sinh. Trường có 88 học sinh lớp 12 thì đa phần đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số, hoàn cảnh khó khăn.

Bên cạnh công tác ôn luyện, để chủ động các điều kiện chăm sóc tốt nhất cho sĩ tử, ngay từ đầu tháng 5, nhà trường đã kêu gọi, huy động sự ủng hộ, hỗ trợ từ các tổ chức, đoàn thể. Từ kinh phí tổ chức hoạt động ăn, nghỉ, đến đồ dùng học tập, nhu yếu phẩm.

“Nhà trường sẽ tiếp nhận từ nay đến ngày thi. Việc huy động các nguồn hỗ trợ từ sớm sẽ giúp nhà trường chủ động cân đối, bố trí hỗ trợ, chăm sóc cho học sinh. Đồng thời cũng giúp các em, nhất là những em có hoàn cảnh khó khăn giảm bớt lo lắng, yên tâm tập trung ôn luyện”, thầy Lò Văn Mới, Phó Bí thư đoàn trường cho hay.

Xã hội vào cuộc

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, huyện Nậm Pồ có gần 400 học sinh, thuộc 4 trường THPT trên địa bàn tham gia. Ông Nguyễn Hữu Đại, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Hàng năm, địa phương đều phối hợp với các nhà trường để hỗ trợ, đồng hành cùng học sinh tại kỳ thi quan trọng này, thông qua hoạt động Tiếp sức mùa thi.

“Năm nay chúng tôi cũng sẽ cố gắng để có sự hỗ trợ tốt nhất cho thí sinh. Hiện nay, huyện đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể xây dựng phương án cụ thể. Trong đó, Hội Chữ thập đỏ làm chủ trì. Tùy thuộc vào nguồn lực huy động được để có sự hỗ trợ phù hợp. Tuy nhiên, chủ trương là không chỉ đối tượng khó khăn mà toàn bộ học sinh các trường đều được đảm bảo điều kiện ăn, nghỉ, di chuyển, để hoàn toàn yên tâm tập trung cho kỳ thi”, ông Đại chia sẻ.

Các tổ chức đoàn thể huyện Nậm Pồ phát cơm miễn phí cho thí sinh tham dự kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2022.

Các tổ chức đoàn thể huyện Nậm Pồ phát cơm miễn phí cho thí sinh tham dự kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2022.

Do đặc thù miền núi, giao thông cách trở lại chịu ảnh hưởng của thiên tai vào mùa mưa. Ngay từ đầu tháng 5, mưa lớn xảy ra liên tục tại nhiều địa bàn gây ra tình trạng sạt lở, ách tắc cục bộ trên các tuyến giao thông. Chủ yếu tập trung tại các huyện: Tuần Giáo, Tủa Chùa, Nậm Pồ…

Bởi vậy, các phương án, kịch bản hỗ trợ thí sinh trong công tác di chuyển đã được nhiều địa phương chủ động. Đơn cử như việc đưa đón miễn phí thí sinh có hoàn cảnh khó khăn. Nhắc nhở các em đến điểm thi sớm, nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết…

Theo ông Vừ A Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa, năm nay địa phương có 3 địa điểm thi với hơn 470 thí sinh tham dự. Ngoài các điểm đã có kinh nghiệm, năm nay địa phương phải xây dựng thêm kịch bản cho điểm thi mới tại xã Xá Nhè.

Để sẵn sàng ứng phó với tác động tiêu cực của thời tiết, huyện chỉ đạo các lực lượng chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể. Trong đó, nhiệm vụ thường trực bảo đảm giao thông được giao cho Phòng Kinh tế hạ tầng. Chính quyền các xã sẽ phối hợp để sẵn sàng phương án, nhân - vật lực tại chỗ khắc phục khi có sự cố xảy ra.

“Chúng tôi yêu cầu lực lượng chuyên môn rà soát thật kỹ, xác định rõ các điểm xung yếu để chuẩn bị sẵn sàng phương tiện ứng cứu từ trước ngày thi. Ngoài ra, để bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho thí sinh, địa phương đã vận động phụ huynh để con em ở tại trường cho đến khi thi xong. Trong trường hợp cần thiết, có thể huyện sẽ bố trí xe đưa, đón”, ông Hùng cho biết thêm.

Còn theo ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 tỉnh Điện Biên, địa phương quyết tâm huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ tối đa cho thí sinh. Với quan điểm là không để học sinh nào vì gặp vướng mắc, khó khăn mà bỏ thi.

“Vì thế, chúng tôi yêu cầu từng ngành, địa phương, với vai trò, chức năng được giao đều phải vào cuộc. Dựa vào tình hình thực tế để cân đối phương án hỗ trợ cho thí sinh. Ngoài hướng dẫn, hỗ trợ trực tiếp tại các điểm thi, thì các phương án phối hợp khắc phục sự cố bất thường về thời tiết, tai nạn giao thông, an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe… cũng đều phải tính toán, chủ động”, ông Bằng cho hay.

Kỳ thi năm nay, Điện Biên dự kiến có 6.712 thí sinh tham gia. Trong đó, có hơn 5.910 thí sinh thuộc các trường THPT, 202 thí sinh thuộc các Trung tâm GDNN-GDTX và khoảng 600 thí sinh tự do. Các thí sinh sẽ tham gia dự thi tại 24 địa điểm, bao gồm 12 điểm liên trường, 12 điểm độc lập. Hiện nay công tác chuẩn bị địa điểm thi đang được các nhà trường tích cực chuẩn bị, với dự kiến đến ngày 25/5 sẽ hoàn thành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.