Vùng Đồng bằng sông Hồng tận dụng thế mạnh trở thành trung tâm GD

GD&TĐ - Hội nghị phát triển GD-ĐT vùng Đồng bằng sông Hồng, diễn ra tại Nam Định ngày 14/6.

11 thầy cô của Nam Định được công nhận là Chuyên gia giáo dục sáng tạo của Microsoft toàn cầu năm học 2022 - 2023.
11 thầy cô của Nam Định được công nhận là Chuyên gia giáo dục sáng tạo của Microsoft toàn cầu năm học 2022 - 2023.

Đây là dịp để các địa phương đánh giá việc đã làm được, điều cần khắc phục để trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao của cả nước; đi đầu về nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo…

Hiện, toàn tỉnh Nam Định có 17 trường phổ thông chất lượng cao. Các trường được đầu tư về cơ sở vật chất, kinh phí, tuyển sinh… Sở GD&ĐT cũng ban hành văn bản yêu cầu các trường THPT xây dựng chất lượng cao cùng tham gia dự thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Qua đó nâng cao chất lượng mũi nhọn, kết quả có một em được chọn dự thi chọn học sinh giỏi quốc gia và đoạt giải Khuyến khích.

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội: Dồn sức cho các kỳ thi

Với quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, công tác tổ chức các kỳ thi và tuyển sinh ở Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm của xã hội. Với công tác tuyển sinh đầu cấp, Sở GD&ĐT Hà Nội đã công bố phương thức tuyển sinh năm học 2023 - 2024 với tinh thần giữ ổn định như năm trước, bảo đảm thuận lợi và đáp ứng nguyện vọng của phụ huynh, học sinh. Trong đó, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trường THPT công lập duy trì 3 môn. Phương thức tuyển sinh trẻ mầm non, lớp 1 và lớp 6 duy trì ổn định là xét tuyển theo tuyến.

Căn cứ kết quả điều tra số lượng học sinh trong độ tuổi, điều kiện bảo đảm chất lượng dạy học ở từng nhà trường, các phòng GD&ĐT sẽ tham mưu UBND quận, huyện, thị xã về kế hoạch tuyển sinh, trong đó có việc tổ chức phân tuyến tuyển sinh cho từng trường trên địa bàn, đáp ứng nguyện vọng học tập, không để học sinh phải di chuyển quá xa.

Phân tuyến tuyển sinh là chủ trương được Hà Nội kiên trì nhiều năm nay để bảo đảm đủ chỗ học cho học sinh trong bối cảnh quy mô học sinh trong độ tuổi tuyển sinh hằng năm tăng, đồng thời cố gắng không để xảy ra hiện tượng nơi quá tải, nơi lại không tuyển đủ chỉ tiêu.

Những năm qua, Hà Nội đã không ngừng xây mới, cải tạo các trường học. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng quá tải cục bộ ở một số quận có tốc độ tăng dân số cơ học cao, đặc biệt tại khu đô thị mới. Với khu đô thị mới chưa có trường học, sở đã yêu cầu các phòng GD&ĐT báo cáo UBND quận, huyện, thị xã có phương án giải quyết chỗ học cho học sinh, đồng thời thúc đẩy việc xây thêm trường mới theo quy hoạch.

Ông Trần Thế Cương.

Ông Trần Thế Cương.

Sở cũng chỉ đạo các đơn vị tiếp tục quan tâm tới việc học tập của con em các hộ dân thuộc diện tái định cư do giải phóng mặt bằng, con của công nhân làm việc ở khu công nghiệp; tạo điều kiện cho học sinh dân tộc thiểu số, học sinh là con của gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn vào các trường công lập.

Với Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Hà Nội dự kiến có 98.000 học sinh tham dự với khoảng 180 điểm thi. Công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực phục vụ kỳ thi được khẩn trương tiến hành với quyết tâm dành mọi điều kiện tốt nhất để tổ chức kỳ thi an toàn, thực chất.

Để tổ chức kỳ thi tuyển sinh bảo đảm nghiêm túc, an toàn, sở sẽ điều động lãnh đạo, giáo viên các nhà trường tham gia lãnh đạo, coi thi, giám sát phòng thi tại tất cả điểm thi theo nguyên tắc: Mỗi phòng thi bố trí hai cán bộ coi thi ở hai đơn vị khác nhau; cán bộ coi thi không coi thi tại điểm thi có học sinh của trường mình đang công tác.

Dự kiến có khoảng 20.000 cán bộ, giáo viên được điều động làm nhiệm vụ. Số lượng này tương đương với quy mô thí sinh tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT của một tỉnh, đòi hỏi việc lựa chọn nhân sự thực hiện chặt chẽ, đúng quy định. Những người được điều động làm nhiệm vụ phải có phẩm chất đạo đức tốt, ý thức chấp hành pháp luật và tinh thần trách nhiệm cao; nắm vững nghiệp vụ.

Các nhà trường có trách nhiệm tổ chức cho cán bộ, giáo viên học quy chế. 100% cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ phải nắm vững quy chế, kiểm soát tốt tình hình và xử lý nhanh, hiệu quả các tình huống phát sinh với mục đích bảo đảm quyền lợi tối đa cho học sinh dự thi.

Ông Đỗ Duy Hưng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Dương: Thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù cho giáo viên

Ông Đỗ Duy Hưng.

Ông Đỗ Duy Hưng.

Hải Dương hiện có 842 trường mầm non và phổ thông. Năm học 2022 – 2023, các cơ sở giáo dục tiểu học triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1, lớp 2, lớp 3 và Chương trình giáo dục phổ thông 2006 đối với lớp 4, lớp 5. 100% các trường tổ chức dạy học 2 buổi trên ngày, tạo điều kiện cho học sinh được học tập các môn tự chọn và tham gia hoạt động nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện ở tiểu học.

Đối với giáo dục trung học, năm học 2022 - 2023, lần đầu tiên thực hiện Chương trình, sách giáo khoa mới ở lớp 7, lớp 10 và là năm thứ 2 thực hiện ở lớp 6. Việc đổi mới phương pháp, hình thức dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh được các nhà trường chú trọng; giáo viên quan tâm rèn luyện cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu để tiếp nhận và vận dụng kiến thức mới thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập.

Bên cạnh thuận lợi, ngành Giáo dục Hải Dương cũng gặp những khó khăn liên quan đến công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia. Một số trường ở đô thị diện tích hẹp không thể mở rộng, số học sinh tăng nhanh, không đủ phòng học, phòng bộ môn. Trang thiết bị dạy học thiếu, nhất là thiết bị dạy học theo Chương trình GDPT 2018.

Tính đến cuối năm 2023, ngành Giáo dục Hải Dương được giao chỉ tiêu biên chế hơn 27.900 giáo viên. Hiện toàn tỉnh có trên 22.600 giáo viên và còn thiếu hơn 1.400 giáo viên. Số giáo viên thiếu nhiều nhất ở bậc mầm non và một số môn chuyên biệt. Một số môn học thiếu giáo viên như: Tiếng Anh (tiểu học, THCS); môn Giáo dục công dân, Công nghệ (THCS)…, các môn Âm nhạc (THPT), Mỹ thuật (THPT) chưa có giáo viên, nên chưa được triển khai ở cấp THPT. Công tác tuyển dụng giáo viên gặp khó khăn ở một số địa phương thiếu nguồn tuyển, nhất là địa phương có nhiều khu công nghiệp… 4 năm trở lại, năm nào tỉnh cũng tổ chức tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục nhưng hầu hết đều không tuyển đủ số lượng.

Cụ thể, năm 2022, có huyện được giao 7 chỉ tiêu giáo viên và có 7 hồ nộp ứng tuyển. Tuy nhiên, có đơn vị “trắng” hồ sơ. Những trường không có thí sinh ứng tuyển thường ở vùng sâu, vùng xa nên các ứng viên ngại đi xa.

Chuẩn bị cho năm học mới, tỉnh đã có kế hoạch tuyển dụng bổ sung số lượng giáo viên còn thiếu; dự kiến tháng 10/2023 tiến hành tuyển dụng. Điều kiện, tiêu chuẩn dự tuyển gồm: Đối với giáo viên mầm non phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm mầm non trở lên. Giáo viên tiểu học, THCS, THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên phải có bằng đại học sư phạm trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng.

Ngoài ra, sở GD&ĐT sẽ tham mưu với lãnh đạo tỉnh thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù dành riêng cho giáo viên của địa phương. Trước mắt, sẽ áp dụng với những vùng khó khăn, những nơi còn thiếu giáo viên nhưng chưa tuyển được (do thiếu nguồn tuyển).

Ông Bùi Văn Khiết, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Nam Định: Quan tâm phát triển giáo dục mũi nhọn

Ông Bùi Văn Khiết.

Ông Bùi Văn Khiết.

Sở GD&ĐT đã tham mưu Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 25/7/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc Phát triển một số cơ sở giáo dục đào tạo chất lượng cao và UBND tỉnh ban hành văn bản về xây dựng trường chất lượng cao.

Ngoài ra, Kế hoạch số 1185/KH-SGDĐT ngày 13/8/2021 của sở GD&ĐT về việc xây dựng cộng đồng giáo viên sáng tạo tỉnh Nam Định tham gia chương trình Chuyên gia giáo dục sáng tạo toàn cầu Microsoft với hơn 700 cán bộ, giáo viên các đơn vị. Cán bộ, giáo viên trong cộng đồng được tập huấn, tham dự hội thảo và là lực lượng tiên phong trong phong trào đổi mới sáng tạo trong dạy, học và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học. Ngành Giáo dục Nam Định được Microsoft toàn cầu công nhận gần 100 lượt thầy, cô giáo là Chuyên gia giáo dục sáng tạo của Microsoft (MIEE) - đây là đội ngũ đi đầu về ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học và quản trị nhà trường.

Hằng năm, sở GD&ĐT đều ban hành văn bản tổ chức Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh nhằm động viên, khuyến khích giáo viên và học sinh phát huy năng lực sáng tạo, dạy giỏi, học giỏi. Từ đó góp phần thúc đẩy việc cải tiến, nâng cao chất lượng dạy và học, chất lượng công tác quản lý, chỉ đạo của phòng GD&ĐT huyện, thành phố cũng như các đơn vị; đồng thời phát hiện những học sinh có năng lực nổi trội về môn học để tạo nguồn bồi dưỡng, thực hiện mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh.

Công nhận danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh cho những em đoạt giải. Kết quả của kỳ thi là thông tin quan trọng giúp các đơn vị rà soát, bổ sung, điều chỉnh kế hoạch bồi dưỡng mũi nhọn trong năm học tiếp theo.

Bên cạnh đó, sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định về việc quy định mức hỗ trợ cho học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và mức thưởng, hỗ trợ cho bồi dưỡng học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế. Theo đó, mức kinh phí hàng năm cấp cho Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong vào khoảng 10 tỷ đồng.

Sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh trích từ Quỹ khuyến học Lương Thế Vinh thưởng cho học sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, quốc tế; học sinh tham gia vòng 2 chọn học sinh dự thi Olympic quốc tế. Trong 5 năm trở lại đây, nhà trường đã chú trọng phát triển cho học sinh chuyên những kỹ năng mềm thông qua việc đẩy mạnh hoạt động theo hướng trải nghiệm sáng tạo, hoạt động của các câu lạc bộ. Nhà trường cũng có giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh; thử nghiệm mô hình dạy học STEM.

Số lượng cán bộ quản lý và giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong có trình độ thạc sĩ trở lên đến năm 2023 là 81/130 (đạt 62,31%), trong đó có 2 tiến sĩ. Đội ngũ giáo viên dạy các lớp chuyên đến năm 2023 là 54/130, tương đương khoảng 41,54%. Công tác tự bồi dưỡng tại chỗ tiến hành thường xuyên, đạt hiệu quả cao. Năng lực tự học, tự bồi dưỡng tại chỗ của đội ngũ giáo viên tốt. Kinh phí đầu tư mua sắm thiết bị dạy học ổn định trong 10 năm, mỗi năm khoảng 200 triệu đồng. Nhà trường đảm bảo tối thiểu các phòng thực hành, phòng học, phòng chức năng, nhà đa năng, y tế và thư viện theo quy định.

Tại Phiên họp thường kỳ tháng 6 (lần 1) của UBND tỉnh Hải Dương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản nhìn nhận, thực tế nguồn tuyển dụng giáo viên còn gặp nhiều khó khăn, do đó tỉnh giao sở GD&ĐT phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền các chế độ ưu đãi, phụ cấp, trợ cấp mới nhất đối với giáo viên, nhân viên nhằm thu hút nguồn tuyển dụng trong thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Góc phố Tết” của Trường Tiểu học Phú Thọ. Ảnh: MA

Cùng bạn nghèo đón Tết

GD&TĐ - Cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các trường học tại TPHCM tổ chức nhiều hoạt động vui xuân, giúp học sinh hiểu thêm về Tết cổ truyền.

Nhóm sinh viên đoạt giải Nhất trong lĩnh vực Khoa học giáo dục Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học.

Bản đồ cho học sinh khiếm thị

GD&TĐ - Học sinh khiếm thị có thể học lịch sử và địa lý qua bản đồ nổi, dễ dàng hình dung, nhận biết, xác định được các vị trí cần thiết để phục vụ học tập.