Chủ trì hội thảo có đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết; đồng chí Lê Quân, Giám đốc ĐHQGHN; đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết; cùng đại diện lãnh đạo các tỉnh ủy, thành ủy thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng; đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương.
Vị thế của vùng đồng bằng sông Hồng
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho biết: Vùng đồng bằng sông Hồng phải đi đầu trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số. Thúc đẩy mạnh mẽ các trung tâm đổi mới sáng tạo. Tập trung xây dựng các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn.
Đồng chí Trần Tuấn Anh phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo |
Đồng chí Trần Tuấn Anh đề nghị lãnh đạo các bộ ngành, đại diện lãnh đạo các địa phương và các nhà khoa học tập trung thảo luận vào một số nội dung chính:
Thứ nhất, cần đánh giá, làm rõ những thành tựu, kết quả đạt được cũng như chỉ rõ những hạn chế, tồn tại, chỉ rõ nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện các nhiệm phát triển lĩnh vực văn hóa, xã hội, khoa học- công nghệ, tài nguyên- môi trường của toàn vùng và từng địa phương.
Đánh giá toàn diện các thuận lợi và khó khăn về việc ban hành, tổ chức thực hiện và hiệu lực, hiệu quả các cơ chế, chính sách mang tính toàn vùng, nhất là vấn đề liên kết để tối ưu hóa nguồn lực phát triển, việc thu hút nguồn lực xã hội - xã hội hóa để phát triển văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học- công nghệ, tài nguyên - môi trường
Làm rõ hơn về xu hướng tất yếu và lợi ích của các địa phương khi tăng cường liên kết vùng về các lĩnh vực văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học- công nghệ, tài nguyên- môi trường trong bối cảnh tình hình mới; các phương thức, biện pháp để tăng cường hợp tác, liên kết vùng trong phát triển các lĩnh vực này.
Thứ hai, phân tích, đánh giá bối cảnh, tình hình mới tác động đến từng lĩnh vực văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học- công nghệ, tài nguyên- môi trường và nguồn nhân lực của vùng và từng địa phương trong vùng, đặc biệt là tác động của quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống (dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu với cam kết NetZero 2050 tại COP26…), cuộc Cách mạng CN4.0 với quá trình chuyển đổi số… đang tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của đất nước ta trong đó có vùng đồng bằng sông Hồng. Các yếu tố này vừa là thách thức nhưng cũng vừa là thời cơ cho đất nước ta nói chung và vùng chúng ta nói riêng để tạo đột phá cho phát triển nhanh, bền vững.
Thứ ba, nhận thức rõ tầm quan trọng của các lĩnh vực văn hóa, xã hội, KHCN, môi trường, cùng với việc nắm rõ bối cảnh tình hình mới, phát huy thành tựu, khắc phục hạn chế, tồn tại, tôi đề nghị các quý vị cùng đề xuất các quan điểm phát triển, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, KHCN, môi trường vùng đồng bằng sông Hồng giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045.
Cần có sự đổi mới, đột phá
Phát biểu tại Hội thảo, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân cho rằng, Nghị quyết 54-NQ/TW và Kết luận 13-KL/TW cho thấy tầm nhìn mang tính kế thừa truyền thống và hành động mang tính chiến lược, kịp thời của Trung ương trong bối cảnh cả nước quyết tâm đổi mới và hội nhập những năm đầu thế kỷ XXI. Chặng đường 12 năm quyết liệt triển khai Kết luận 13-KL/TW và 17 năm nỗ lực thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị để lại rất nhiều nội dung khoa học quan trọng và các vấn đề thực tiễn ý nghĩa cần thảo luận và tổng kết.
Tham luận của các đại biểu tại Hội thảo |
“Các hoạt động hợp tác trong nước của ĐHQGHN đã góp phần nâng cao uy tín và nguồn lực cho sự phát triển bền vững của ĐQHGHN. ĐHQGHN đã triển khai đa dạng và hiệu quả hợp tác với các tỉnh tỉnh thành trong cả nước nói chung và các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng nói riêng, tập trung vào phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu khoa học công nghệ và chuyển giao tri thức; tham gia tư vấn chính sách cho Trung ương và bộ ngành; góp ý, phản biện quy hoạch cho một số địa phương…” Giám đốc Lê Quân nhấn mạnh.
Khằng định đầu tư cho văn hóa, thể dục thể thao và du lịch là đầu tư cho con người, cho sự phát triển bền vững của đất nước, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho rằng ác giải pháp chính phát triển văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tập trung vào các vấn đề chính gồm: huy động nguồn vốn đầu tư; phát triển nguồn nhân lực; tuyên truyền, quảng bá; phát triển thị trường và sản phẩm du lịch; tổ chức quản lý; ứng dụng khoa học và công nghệ; bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh, quốc phòng, tăng cường sức mạnh mềm.
Đồng chí Nguyễn Hoàng Giang – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ trình bày một số giải pháp chủ yếu để đưa vùng Đồng bằng sông Hồng đi đầu trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, chú trọng vào cơ chế chính sách, phát triển hạ tầng, đầu tư, phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, hợp tác quốc tế và tài cơ cấu và triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình KH&CN quốc gia.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà chỉ ra, bên cạnh những thành tựu, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Hồng chưa thật sự bền vững - chuyển dịch cơ cấu kinh tế toàn vùng chưa có bước đột phá, phát triển các ngành công nghiệp chủ yếu còn rộng, tri thức, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh thấp. Thị trường lao động phát triển chưa toàn diện, chất lượng nguồn nhân lực ở khu vực nông thôn còn rất hạn chế, tỷ lệ việc làm phi chính thức còn cao; Độ bao phủ của bảo hiểm xã hội còn thấp; kết quả giảm nghèo chưa bền vững, chênh lệch giàu - nghèo về mức sống, tỷ lệ hộ nghèo ở một số địa bàn còn cao.
Hội thảo đã cũng nghe những chia sẻ mang tính khoa học từ các nhà khoa học, đơn vị thành viên và trực thuộc ĐHQGHN. Thông qua Hội thảo, có thêm những luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW và Kết luận số 13-KL/TW của Bộ Chính trị, là cơ sở giúp Ban Chỉ đạo tổng kết, đánh giá lại kết quả phát triển của Vùng thời gian qua và củng cố, hoàn thiện các định hướng phát triển vùng đồng bằng sông Hồng trong thời gian tới, trên cơ sở đó, đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Ngày 14/9/2005, Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Sau đó, ngày 28/10/2011, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Kết luận số 13-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW. Hội thảo “Phát triển văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nằm trong chuỗi hội thảo, tọa đàm và là một trong những nội dung quan trọng trong quá trình tổng kết Nghị quyết.