Nhưng đã có nhiều sự thức tỉnh kỳ lạ xảy ra bên những tảng đá, những điện thờ ở Thiên Cấm Sơn (Tịnh Biên, An Giang) này”- ông Chín Toàn một người dân ở xã An Hảo (Tịnh Biên) khẳng định.
Huyền bí vồ Thiên Tuế
Từ xưa, Thiên Cấm Sơn đã được xem là vùng đất có nhiều huyền bí mà đến nay chưa ai lí giải được. Nơi đây có những điện thờ linh thiêng được hình thành từ chính cuộc sống hàng ngày với nhiều điển tích sống chứ không chỉ còn là chuyện mơ hồ huyền thoại nữa.
Ở đây còn có hàng loạt những tảng đá lớn, nơi nhiều ông vua của Việt Nam như: Gia Long, Minh Mạng… từng ngự lãm, bàn chuyện thế sự.
Những người dân và khách thập phương đều khẳng định họ tìm lại được cảm giác bình yên, thức tỉnh trước những hành động sai khi đến vùng đất này.
Tảng đá còn ẩn chứa nhiều bí ẩn nhất là Thiên Tuế (người dân địa phương còn gọi là vồ Thiên Tuế). Đây là một tảng đá khổng lồ, quanh nó có sự bao bọc của hàng trăm cây thiên tuế.
Sự khắc nghiệt của thời tiết đã khiến cho nhiều cây thiên tuế chết khô, nhưng những người tin vào sự huyền nhiệm của nó thì vẫn hàng ngày tìm cách phục sinh và trồng thêm cây mới.
Lục lại kí ức của mình, ông Nguyễn Bảo Nam - Người trông coi điện thờ ở Thiên Cấm Sơn - khẳng định rằng, đây không phải chuyện mơ hồ mà đều có căn cứ.
Trước đây, vùng này hay xảy ra các sự cố thiên tai và bão gió, quanh tảng đá án ngữ này mọc lên hàng trăm cây thiên tuế cổ thụ hứng hết cả gió bão, che chở cho những người dân nên không ai chặt phá bất cứ cây nào.
Khi những trận cuồng phong ngày càng dữ dội hơn, thì Đức Phật Thầy Tây An lại chọn vị trí ngồi bên những gốc cây thiên tuế đó để cầu bình an cho dân chúng.
Khi Đức Phật viên tịch, những cây thiên tuế này bỗng nhiên trụi hết lá. Nhưng dù có bão gió thế nào cũng không thể nào quật ngã được chúng. Vị trí Đức Phật viên tịch giờ vẫn được xem là linh thiêng nhất, huyền bí nhất.
Có những đêm bỗng nhiên lóe sáng trước sự chứng kiến của hàng trăm người chứ không riêng gì ai. Biết ở vồ Thiên Tuế này là một địa điểm lạ lùng và an toàn, ngay cả vua Hàm Nghi cũng chọn làm nơi nghiên cứu trận mạc khi lưu lạc về vùng đất này.
Những người dân quanh đây cho biết, theo lời những người xưa kể lại thì vua Hàm Nghi đã ở vồ Thiên Tuế rất nhiều ngày, dù chỉ là cái vồ nhỏ nhưng quân địch lùng mãi cũng không phát hiện ra được.
Sau này, vua Gia Long cũng chọn vồ Thiên Tuế này là chỗ trú ngụ. Ông còn đào một chiếc giếng ở đây, giờ nước vẫn phun lên trong xanh bốn mùa.
Bà Nguyễn Thị Lụa - Người dân địa phương - cho biết: Có người nói, giếng đó do vua Gia Long cầu trời sau đó dùng thanh kiếm thọc xuống tảng đá (còn gọi là vồ Thiên Tuế) mà thành như hôm nay. Nhưng điều này nghe có vẻ hơi mơ hồ. Tôi nghĩ rằng vua cho quân lính đào hoặc tự mình đào thì có lí hơn.
Cách vồ Thiên Tuế không xa còn có tảng đá Tây Thiên, tảng đá Thị Cấm. Những tảng đá này cũng được những người dân nơi đây tôn sùng như một sự thành kính. Người dân cho biết, khoảng chục năm trước, vồ Thiên Tuế có rất nhiều cây thiên tuế rừng.
Có cây cao hơn 2m, tán sum suê, thân uốn lượn như hình rồng, trông rất đẹp. Nhưng sau đó, phong trào chơi kiểng thiên tuế trở nên thịnh hành, người ta kéo nhau lên rừng lùng sục, đào bới làm cho quần thể thiên tuế bị tàn phá nhanh chóng.
Vồ Thiên Tuế cũng là nơi chứa nhiều huyền bí |
Tu hành đắc đạo để thu phục hổ dữ
Quanh Thiên Cấm Sơn này còn có nhiều điện thờ huyền bí khác. Mỗi điện như nơi bấu víu tâm linh của những người dân địa phương cũng như khách vãng lai như Điện Phật lớn, điện ông hổ, điện ông bướm, ông voi…
Ông Nguyễn Kiên một người cao tuổi ở xã An Hảo háo hức kể: Điện ông hổ đó thiêng lắm. Nơi đó từng diễn ra cảnh Đức Phật Thành Tây An ngày đêm sống chung với hổ, huấn luyện và thuần phục nó giúp người đấy.
Ngày đó, hổ dữ tập trung về đây có đến hàng nghìn con. Nghe tiếng tụng kinh của Đức Phật không hiểu vì sao chúng đến tìm lên Thiên Cấm Sơn để trú ngụ.
Sau khi trú ngụ, chúng túa xuống các nhà dân để quấy phá. Trong một đêm nằm mộng, Đức Phật Thành Tây An được phật tổ điềm báo cho rằng; hãy tập trung thêm ít ngày nữa khi tu hành đắc đạo thì ắt sẽ thu phục được lũ hổ dữ kia.
Sau khi Đức Phật Thành Tây An dùng đạo pháp để khuất phục các loại hổ dữ thì những người dân ở đây hình thành một nghi lễ khá độc đáo là vào những ngày đẹp trời họ tụ tập dân làng lên vồ Thiên Tuế để giảng giải cho nhau cách chế ngự những cơn hung dữ và đạo lý của cuộc sống trong cách đối đãi với nhau.
Trấn an và thức tỉnh lòng người
Từng là một tội phạm khét tiếng suốt nhiều năm ở TP Hồ Chí Minh nhưng trong một lần về thăm vồ Thiên Tuế, Nguyễn Văn Tám đã từ giã giang hồ, phục thiện quay về làm một nông dân thứ thiệt như chính lúc bàn tay anh chưa nhúng chàm.
Nằm quanh vồ Thiên Tuế, điện thờ ông Hổ, ông Voi cũng thành nơi tìm đến để cầu sự bình an của nhiều người. Bà Sen cho biết: ai đến vùng đất Thất Sơn này cũng đều đến các điện thờ đó.
Điện Cây Quế được những người dân đây khẳng định và tin chắc rằng; xưa ở đây có hai cây quế kỳ lạ lắm, mùi thơm tỏa khắp núi rừng. Dưới gốc cây đó có hai người đàn ông kỳ lạ thường mang lương thực đến cứu trợ mỗi khi những làng dân dưới chân núi gặp đói kém.
Bất kể ai có ý đồ xấu đến chặt hai cây quế đều bị ngã bệnh. Cây quế kỳ lạ này cũng đã cứu người dân thoát khỏi một trận đại dịch. Bà Chín Sen kể: đó là trận đại dịch khủng khiếp.
Thấy hai vị đàn ông lạ ngồi bên cây quế thường có tấm lòng bồ tát nên người dân lên đó cầu khẩn và xin lá cây quế về trị bệnh, mấy ngày sau, ai cũng lần lượt khỏi hết. Hai vị đàn ông đó cũng tự nhiên biến mất. Từ đó người ta lập điện thờ ở đây.