Vùng cao Lai Châu thoát nghèo từ chăn nuôi theo hướng hàng hóa

GD&TĐ - Người dân vùng cao Phong Thổ đang chú trọng chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hóa để phát triển kinh tế gia đình, từng bước thoát nghèo.

Mô hình chăn nuôi hươu của ông Lý A Phừ, xã Dào San, huyện Phong Thổ.
Mô hình chăn nuôi hươu của ông Lý A Phừ, xã Dào San, huyện Phong Thổ.

Hướng đi mới trong chăn nuôi

Với lợi thế đất đai rộng, nhiều hộ dân vùng cao ở huyện Phong Thổ (Lai Châu) đã chú trọng chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hóa, mạnh dạn chuyển đổi vật nuôi để mở ra thị trường mới; áp dụng khoa học, kỹ thuật để gia tăng giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Từ sự quan tâm, vận động đổi mới trong sản xuất nông nghiệp của chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn, ông Lý A Phừ ở bản Dền Thàng A, xã Dào San, huyện Phong Thổ đã nuôi thành công đàn hươu sao, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

"Nhà tôi ở lưng chừng núi, đất rộng, có nhiều cỏ nên sẵn nguồn thức ăn cho chăn nuôi gia súc. Một lần tình cờ đọc được thông tin nuôi hươu có hiệu quả kinh tế mà lại dễ làm. Trong khi, điều kiện ở chỗ tôi rất phù hợp với loài vật này. Con hươu còn có sức đề kháng tốt, ít bị bệnh, dễ thích nghi khí hậu... Do đó, tôi quyết định khởi nghiệp từ việc nuôi hươu sao", ông Lý A Phừ nói.

Từ số tiền tích cóp được, ông Lý A Phừ vay vốn ngân hàng mua 10 con hươu sao từ miền Trung về nuôi. Ban đầu chưa có kinh nghiệm nên ngoài việc học hỏi từ cán bộ nông nghiệp, ông chủ động lên mạng internet tìm hiểu thêm cách chăm sóc, phòng bệnh...

Để chủ động nguồn thức ăn, ông còn trồng thêm cỏ voi cho hươu, làm chuồng trại chắc chắn và thường xuyên dọn vệ sinh, khử trùng.

Ông Lý A Phừ phấn khởi: “Tới nay, đàn hươu sao của gia đình tôi đã cho thu hoạch những cặp sừng hươu, có giá tới 1 triệu đồng mỗi lạng. Mỗi con hươu đực trưởng thành còn có thể bán được từ 12-15 triệu đồng”.

Nguồn thu ổn định từ loài vật nuôi này khiến ông Phừ cũng bất ngờ và vui sướng.

"Thời gian tới, gia đình tôi sẽ tiếp tục nuôi hươu để vừa sinh sản tăng đàn vừa thu hoạch nhung để bán ra thị trường. Cách làm mới này tạo động lực cho những hộ dân khác mạnh dạn đầu tư, tìm cơ hội gia tăng thu nhập từ sản xuất nông nghiệp.

Các hộ có nhu cầu mua giống, học hỏi kinh nghiệm tôi sẵn sàng giúp đỡ để nhân rộng... góp phần phát triển kinh tế của bà con cũng như địa phương", ông Lý A Phừ nói.

Theo đánh giá của Hội nông dân xã Dào San, mô hình nuôi hươu sao của ông Lý A Phừ có hiệu quả, ít rủi ro và có nhiều triển vọng, phù hợp với tình hình thực tế địa phương.

chan_nuoi_4.jpg
Ông Nguyễn Xuân Oanh bên con ngựa bạch đang nuôi tại trang trại.

Ông Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất, thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ cho biết, từ khi lên đây lập nghiệp, ông cùng một số hộ dân khác đã nhận khoán quản lý bảo vệ khoảng 160ha rừng. Hằng năm, nhóm hộ nhận giao khoán được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng.

Nhận thấy diện tích dưới tán rừng có thể kết hợp chăn nuôi gia súc để phát triển kinh tế, ông Oanh đã mạnh dạn mua trâu và bò về chăn thả, song hiệu quả không thực sự cao. Sau đó, ông bắt đầu chuyển hướng sang nuôi ngựa bạch.

“Tôi bắt đầu tìm hiểu về cách nuôi ngựa bạch, tới nhiều nơi để học hỏi mô hình rồi bán hết số trâu bò, chuyển sang vật nuôi này. Chăm sóc, chăn nuôi con ngựa bạch không khó nhưng hiệu quả cao hơn trâu bò nhiều. Giá trị mang lại gấp khoảng 3-5 lần so với trước đây. Trong khi việc chăn nuôi ngựa ở đây ngày càng giảm nên đầu ra của chúng tôi ổn định, có thể tiêu thụ ngay trong thị trường địa phương”, ông Nguyễn Xuân Oanh nói.

Từ hiệu quả trong việc chăn nuôi ngựa, ông Nguyễn Xuân Oanh cùng 10 thành viên khác trong đó chủ yếu là bà con địa phương thành lập Hợp tác xã Xuân Oanh để tập trung nuôi quy mô hơn. Hiện nay, trang trại của hợp tác xã nuôi khoảng 27 con ngựa, chủ yếu là ngựa sinh sản để bán giống.

Khuyến khích chăn nuôi tập trung

Hiện nay, huyện Phong Thổ khuyến khích người dân chăn nuôi tập trung, có quy mô, phát triển theo hướng hàng hóa. Các sản phẩm chăn nuôi lợn, cá, trâu, bò… có thể đáp ứng nhu cầu trên địa bàn từ đó tạo việc làm và thu nhập cho người nông dân.

chan_nuoi_3.jpg
Các con ngựa tại trang trại ông Nguyễn Xuân Oanh được chăn thả theo mô hình bán tự nhiên.

Ông Nguyễn Xuân Oanh cho hay, chăn nuôi tập trung có lợi thế về việc quản lý, chăm sóc. Một người có thể quản lý 20 - 30 con ngựa, trong khi cũng ngày công đó nếu nuôi nhỏ lẻ chỉ có thể chăn thả một con vài con nên hiệu quả ngày công lao động thấp.

Ông Lò Văn Nông ở thôn Thống Nhất, thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ hiện đang nuôi ong lấy mật. Từ 30 đàn ong ban đầu, ông đã tách được thêm 11 đàn. Mỗi năm gia đình ông thu được hàng trăm lít mật ong. Với giá bán mật ong hiện từ 150-200 nghìn đồng/lít đã giúp gia đình ông có thu nhập ổn định.

chan_nuoi_2.jpg
Nhiều hộ dân chuyển hướng từ chăn thả sang nuôi nhốt.

Tương tự, ông Nguyễn Tiến Dũng ở thôn Tây An, xã Mường So (huyện Phong Thổ, Lai Châu) cũng nuôi tới 10 con trâu sinh sản và vỗ béo. Gia đình ông đầu tư chuồng trại, xử lý chất thải chăn nuôi để tránh ô nhiễm, bảo vệ môi trường đồng thời giúp đàn gia súc phòng bệnh.

"Con trâu hiện không còn được giá như trước nhưng vẫn là vật nuôi cho thu nhập ổn định. Khi cần có việc, tôi bán trâu đi là có một khoản tiền rồi. Nuôi trâu cần chú ý vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng bệnh để trâu khỏe. Việc này quan trọng lắm vì mỗi con trâu đến mấy chục triệu đồng. Ngoài ra, tôi chủ động trồng cỏ voi, thu hái lá, quả trong vườn nhà, thu gom rơm, rạ sau mỗi vụ lúa để có nguồn thức ăn ổn định cho trâu và giảm chi phí chăn nuôi ", ông Nguyễn Tiến Dũng nói.

Ông Vũ Hữu Lưỡng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phong Thổ cho hay: “Trong những năm qua, huyện đã vận động bà con tận dụng những khoảng đất đồi, chuyển dần các diện tích đất trồng cây nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc, đầu tư xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh”.

Thông qua các hoạt động khuyến nông, xây dựng nhân rộng mô hình tiêu biểu, có hiệu quả nhằm lan toả và thay đổi nhận thức của người nông dân từ quy mô nhỏ lẻ, thả rông sang chăn nuôi gia trại, trang trại từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tại địa phương. Qua đó, góp phần quan trọng để người dân phát triển kinh tế, từng bước xoá đói, giảm nghèo - ông Vũ Hữu Lưỡng chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.