Vực tương tư trong tình yêu

GD&TĐ - Năm 950, Quách Uy lật đổ triều Hậu Hán, được các tướng sĩ tôn lên làm hoàng đế. Năm 951, Quách Uy lên ngôi tại Biện Kinh, đổi quốc hiệu là Chu, tức Hậu Chu Thái Tổ.

Vì xuất thân nghèo khổ nên Hậu Chu Thái Tổ Quách Uy hiểu được nỗi khổ của dân. Ông cũng được học hành đôi chút và ham học hỏi, nên chú ý trọng dụng nhân tài và quan tâm cải cách chính trị.

Dưới sự cai trị của Quách Uy, tình hình hỗn loạn của thời Ngũ Đại bắt đầu được an định lại, nhân dân yên ổn, xã hội dần trọng giáo dục, đời sống tinh thần khởi sắc, sinh hoạt xã hội phong phú, văn thơ được chú trọng trong các gia đình phong lưu.

Trong bối cảnh xã hội đó đã xuất hiện một câu chuyện tình điển hình và sử sách chép lại trong mục “Tình sử” để mọi người chiêm nghiệm.

Đối với tình yêu nam nữ, sử sách ví rằng nỗi xa cách nhớ nhung sâu như vực không đáy, không bờ bến “tương tư vô biên ngạn”. Câu chuyện yêu đương của chàng Lý Sinh và nàng Lương Ý Nương thời đó thật lâm ly cùng nỗi tương tư của nàng Ý Nương được diễn tả trong bài thơ nổi tiếng “Trường tương tư” thật thắm thiết, sâu sắc, đau đớn và cho đến nay bài thơ “Trường tương tư” của Lương Ý Nương vẫn còn được truyền tụng. Bài thơ có đoạn:

“Mọi người nói sông Tương sâu lắm

Nhưng vực tương tư mới thực vô biên

Sông Tương vẫn có đáy

Tương tư chẳng đáy, bờ

Chàng ở đầu sông Tương

Em ở cuối Tương giang

Tương tư nhiều mà không gặp mặt

Dù ta càng uống nước sông Tương

Nằm mộng, hồn chẳng bay

tới nhau được

Đau đớn tột cùng, chỉ còn nước chết

mà thôi

Hai ta lọt cửa tương tư

Thì nay đã biết tương tư khổ nhiều...”.

Lương Ý Nương là con gái của viên ngoại tên là Lương Tiêu Hồ sống vào cuối thời Ngũ Đại, đời Hậu Chu Thái Tổ Quách Uy (951 - 954). Họ Lương có xuất xứ như sau: Từ thời Bắc Ngụy, vua Hiếu Văn đế Nguyên Hoành (471 - 499) ra nhiều sắc lệnh cải cách xã hội, đẩy mạnh quá trình Hán hóa trong đó có việc tự đổi họ Thác Bạt ra họ Nguyên.

Chân dung Thái Tổ Vũ Hiếu Hoàng đế của nhà Hậu Chu trích từ họa phẩm “Tam tài đồ hội”.

Chân dung Thái Tổ Vũ Hiếu Hoàng đế của nhà Hậu Chu trích từ họa phẩm “Tam tài đồ hội”.

Những người họ hàng với Thác Bạt thì đổi làm họ Trưởng Tôn, họ Ất Phiên đổi thành Thúc Tôn. Các họ có quan hệ với người quyền quý trong triều Bắc Ngụy gồm 2, 3 từ thì đổi thành họ: Mục, Lục, Hạ, Lưu, Lâu, Vũ, Hệ, Uất và Lương.

Nhà Hậu Chu ((951 - 959) là triều đại cuối cùng trong số 5 triều đại kiểm soát phần lớn miền Bắc Trung Quốc trong thời Ngũ đại Thập quốc, một thời kỳ kéo dài từ năm 907 tới năm 960 và là cầu nối giữa thời Đường và thời Tống. Như vậy, họ nhà Lương Tiêu Hồ cũng thuộc dòng dõi quan lại triều Bắc Ngụy.

Nhà viên ngoại khá giả chỉ sinh hạ một mình nàng nên rất yêu quý, cưng chiều. Nàng được cha thuê thầy dạy chữ nghĩa, cho đọc sách, tập làm thơ và tham gia vào các buổi sinh hoạt mang tính văn hóa của cha với bạn bè là những bậc tài phú có học vấn ở vùng đó.

Lớn lên nàng có vẻ đẹp rất thuần khiết, rất hay ưu tư, mơ mộng. Tại Hồ Nam - quê nàng, nàng được nhiều bậc phụ huynh gia thế để ý muốn xin làm dâu. Năm nàng 20 tuổi (khoảng năm 951), thấy nhà bên cạnh có một hàn sĩ xưng là Lý Sinh tìm đến xin ở trọ học.

Lý Sinh năm đó 22 tuổi, nghe nói quê gốc tận Cam Túc, gia cảnh sa sút, ăn vận giản dị, nhưng có cốt cách của người quân tử: Mắt sáng, trán rộng, miệng vuông. Thấy chàng nói năng hùng biện, văn chương biểu hiện có tài, nên một vị quan nhỏ về hưu rất khâm phục, cho rằng Lý Sinh gốc gác ở Cam Túc nên có thể chung nguồn gốc với thi sĩ lừng danh Lý Bạch đời Đường.

Vào một đêm Trung thu trăng sáng, nhà họ Lương tổ chức tiệc tùng vui vẻ và tình cờ Lương Ý Nương gặp Lý Sinh, hai người làm quen nhau, bàn luận văn thơ rất tâm đầu ý hợp. Sau đêm đó, hai người phải lòng nhau, thỉnh thoảng tìm cớ gặp nhau. Lý Sinh rất mê Ý Nương, dù biết trước tình duyên trắc trở, do Ý Nương có vẻ đẹp mỏng manh, trán thỉnh thoảng hay nhăn lại vài nếp, mu bàn tay có nổi gân xanh...

Khi Lương ông biết sự việc rất bực, ông cho rằng Lý Sinh chơi chèo, con gái ông đáng phải được gả vào các nhà quyền quý..., ông mời Lý Sinh ra khỏi cửa. Lý buồn khổ ra đi chỉ kịp nhắn lại cho ý trung nhân rằng chàng sẽ quay lại với nàng.

Về phần Ý Nương nàng đau đớn đến nỗi sinh chứng bệnh lại chẳng thiết ăn ngủ, người buồn rầu rĩ, cứ nằm suốt ngày đêm trên giường; đôi lúc nửa tỉnh nửa mơ tự nhiên nước mắt chảy dài, lòng dạ rối bời không tỉnh trí.

Viên ngoại cho mời các thầy thuốc giỏi đến nhưng không chữa được, thấy con gái ngày càng yếu nên lo lắng vô cùng. Một vị danh y cho rằng, cốt lõi cần chữa trị là: Ý Nương dư điện âm phải giao hòa với người tương hợp khác giới, dư điện dương mới khỏi.

Giữa thu năm 951, vào một ngày rằm trăng lên, Ý Nương thấy tỉnh táo liền gượng dậy và tức cảnh viết nên bài “Trường tương tư” nói trên để tỏ nỗi lòng rồi nhờ người đến quê Lý Sinh gửi cho chàng.

Nhận được bài thơ của người yêu, Lý Sinh đầm đìa nước mắt ngay lập tức liều mình thuê ngựa cưỡi một mạch mấy ngày đêm không kịp nghỉ ngơi đến nhà Lương viên ngoại. Trời mới sáng, chàng đã xin gặp Lương ông, chàng trình bày rõ sự tình và xin được cưới Ý Nương. Cuối cùng cả gia đình đều xúm vào nói thêm lại nhắc lời khuyên của danh y bữa trước nên Lương ông cũng đồng ý.

Sau đám cưới, hai vợ chồng rất hạnh phúc. Lý Sinh học giỏi nhưng không thi làm quan mà cùng vợ viết chung những tập thơ rất hay. Ông dùng kiến thức để viết sách làm thơ, học thêm nghề thuốc để giúp dân và giao du với những người nghĩa hiệp, chí khí. Các tập thơ viết chung bị thất lạc nay chẳng còn bài nào, duy chỉ có bài thơ “Trường tương tư” của Lương Ý Nương viết là được truyền tụng, sống mãi với thời gian.

Chuyện tình trên lai láng cùng dòng sông Tương dần trở thành một biểu tượng của tình yêu lứa đôi chung thủy. Sông Tương không còn mang ý nghĩa là một dòng sông cụ thể của Trung Hoa nữa, mà là một dòng sông trong thơ tình của các nước phương Đông như Nhật Bản, Việt Nam...

Ở Việt Nam có nhạc sĩ quê ở Huế là Thông Đạt từng say mê một cô gái vùng Kim Long rồi viết nên ca khúc bất hủ Ai về sông Tương năm 1949.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ