"Vua thuốc phiện" phục thiện và ký ức thời sống cùng hoa anh túc

Giàng A Pua (SN 1944, thôn Khấu Ly, xã Bản Mù, Trạm Tấu) ngày đó đã phát hiện ra những con khe, con suối có thể trồng được cây anh túc.

"Vua thuốc phiện" phục thiện và ký ức thời sống cùng hoa anh túc

Có một thời ở Bản Mù (Trạm Tấu, Yên Bái) khói thuốc phiện quyện trong sương sớm. Người Mông ở Bản Mù cũng u mê theo cơm đen, khói trắng. Những vạt dài suốt khắp các triền núi của Bản Mù tím trời hoa anh túc. 

Giàng A Pua (SN 1944, thôn Khấu Ly, xã Bản Mù, Trạm Tấu) ngày đó đã phát hiện ra những con khe, con suối có thể trồng được cây anh túc, cộng thêm bí quyết chế thuốc phiện đã đưa Giàng A Pua thành một ông “vua thuốc phiện” giữa thủ phủ sương mù. Nhờ được cán bộ tuyên truyền, cải tạo, Pua đã đập bàn đèn, đốt thuốc phiện, trở lại làm người lương thiện.

“Bản Mù đã thay đổi rất nhiều rồi, người Mông, người Thái không còn bị con ma anh túc làm cho mộng mị nữa đâu. Cuộc sống của tôi đã hồi sinh, không còn cái tên “vua thuốc phiện” nữa, nhờ được cán bộ tuyên truyền, tôi đã đập bàn đèn, đốt thuốc phiện và thay vào đó là những nương ngô, nương lúa”, Giàng A Pua tâm sự.

“Ông vua không ngai”...

Chúng tôi đến trung tâm xã Bản Mù nằm ở bản Mù Thấp, cách thị trấn Trạm Tấu 11km, nằm trên đầu nguồn dòng suối Thia, một số bản ở độ cao gần 2.000m. Vùng đất này lúc nào cũng chìm trong mây mù, nên có tên như vậy. 

Tuy nhiên, từ trung tâm xã, để đến được bản xa nhất như Giàng La Pán, Háng Chi Mua, Tàng Ghênh, nằm trong vùng giáp ranh với Phù Yên và Bắc Yên của Sơn La thì phải mất một ngày đi bộ liên tục.

“Những ngày còn mê muội, công tác xóa cây thuốc phiện ở Bản Mù gặp rất nhiều khó khăn bởi người dân vẫn chưa hiểu hết tác hại của thuốc phiện. 

Trong công tác xóa cây thuốc phiện, nhiều người ở Bản Mù còn nhắc mãi đến Giàng A Pua và coi Pua như một ông vua không ngai trong vùng thuốc phiện”, Chủ tịch xã Sùng A Luầ gợi nhớ chúng tôi về một thời gian khổ trong công cuộc xóa cây thuốc phiện. Sau chén rượu giao bôi, chúng tôi men theo những triền lúa nương, những con đường lầy lội tìm đến nhà Giàng A Pua.

Trên đường đi, Đại úy Nguyễn Đức Thịnh, cán bộ phụ trách Bản Mù của Công an Trạm Tấu kể cho chúng tôi về những ngày gian khó trong việc xóa cây thuốc phiện tại địa phương. 

Cây thuốc phiện mà người Mông trồng ở rất cao, mà cái lạnh thì khủng khiếp lắm, chính vì thế, chai nước mang theo chỉ qua một đêm là có thể đóng thành đá. Những cuộc tìm diệt cây thuốc phiện không khác gì những cuộc hành quân thần tốc.

Trong ký ức của những người già ở Bản Mù, lúc đó, hình ảnh hoa anh túc tím ngắt trên những triền đồi, tiền bán được thuốc phiện cũng nhiều lắm nhưng chẳng hiểu sao người Mông ở Bản Mù vẫn đói, vẫn thiếu ngô, thiếu lúa để ăn, trồng nhiều, hút nhiều và chết cũng rất nhiều. Bản Mù giờ đã khác xưa, những nương thuốc phiện nay đã được thay thế bằng những nương ngô, người Mông ở Bản Mù đã có của ăn của để, đã có xe Win xuống chợ, có đồng ra đồng vào, con cái được học hành.

Trong ngôi nhà sàn khá khang trang, do được hẹn trước, Giàng A Pua, hôm nay không đi thả trâu trong rừng mà ngồi đợi chúng tôi trong bếp lửa giữa nhà sàn, bên cạnh là một bình rượu ngô. Khi biết được câu chuyện chúng tôi muốn tìm hiểu, ánh mắt ông già người Mông như chùng lại. 

Ông ngậm ngùi: “Ngày đó khắp Khấu Ly, Hang Chi Mua, Mù Thấp... đâu đâu cũng trồng thuốc phiện. Tổ tiên người Mông ở Bản Mù biết hút thuốc phiện nên cái người Mông ở Bản Mù này cũng hút nhiều lắm. Có nhà cả nhà, cả con dâu, con trai, cháu trai, cháu gái đều biết hút thuốc phiện.

 Một người trong gia đình hút là kéo theo một vài người khác. Chính vì vậy, cái đói ngày càng bám vào những nóc nhà của người Mông, người Thái. Ngày ấy, sao mà khổ đến vậy”.

"Vua thuốc phiện" phục thiện và ký ức thời sống cùng hoa anh túc ảnh 1

Chân dung "vua thuốc phiện" Giàng A Pua.

Ký ức về một thời bị mê hoặc

Nhắc lại ký ức xưa, Giàng A Pua đượm buồn, vẻ mặt ông ngượng ngùng như muốn quên đi một thời mê muội, chết người. Ngày ấy, Pua ở bản Khấu Ly, cách đó mấy con dốc cao chọc trời, trong ngôi nhà dột nát cùng với bầy con nheo nhóc. 

Ngày ấy, dân bản Khấu Ly đua nhau trồng thuốc phiện như bây giờ trồng ngô, trồng sắn ở khắp các quả đồi, khe núi. Khi các anh em Pua biết thoăn thoắt đuổi con thú trong rừng, đôi tay đã biết dùng cái tên, cái nỏ, biết bắt con trâu đi cày thì cũng là lúc cha Pua giao cho mỗi người một mảnh nương thuốc phiện.

Nhớ lại những ngày tháng sống trong cái đói, cái khổ, ông Pua nheo đôi mắt nhìn về những cánh rừng ngày nào đã in dấu chân của mình: “Vì quá nghèo đói, gia đình lại đông con, ngô trong nhà không có đủ mà ăn. Nhìn bầy con nheo nhóc mà thấy thương lắm. Chính vì thế, tôi mới mê muội đi vào rừng trồng cây thuốc phiện. 

Ban đầu, vợ con tôi cũng phản đối quyết liệt, họ bảo trồng thuốc phiện chính là làm cái xấu. Nhưng, với bản tính ngang ngược, tôi quyết định để cho ả phù dung hớp hồn như định mệnh”. 

Nhà Pua ngày đó nghèo lắm, cả nhà có con trâu làm đầu cơ nghiệp nhưng vì cái lạnh của xứ sương mù nên nó cũng chết. Không biết phải bấu víu vào ai, anh em họ hàng cũng cùng cái khổ giống mình. Pua mới “liều” vào rừng với mong muốn thay đổi cuộc đời. 

Và cứ thế, khi nhắc đến Pua, người Mông, người Thái thường gọi là “ông vua không ngai” và là con nghiện nổi danh ở xã Bản Mù. Cũng từ đấy, cái đói, cái khổ càng đeo bám gia đình Pua hơn.

Nhắc đến đây, Pua trầm ngâm: “Quả thực, tôi đã mắc sai lầm lớn khi không nghe lời khuyên của vợ con. Trong nhà lúc nào cũng có khói thuốc khiến cho cuộc sống của chúng tôi ngày càng khổ sở hơn. Những bước chân của tôi đi ngày càng không vững, cơ thể tôi yếu đi rất nhiều. Tôi sống vạ vật, nhìn vợ con mà thấy xót xa. 

Thấy các con tranh nhau bát mèn mén (cháo ngô nấu loãng) nước mắt tôi ứa ra, đau đớn trong ý nghĩ rằng là người đàn ông trụ cột mà không lo được cho vợ con. Ở Khấu Ly này, có nhà nào khổ hơn nhà tôi đâu. Sau một đêm không ngủ, tôi khóc rất nhiều, cuối cùng tôi quyết tâm phải làm lại cuộc đời”.

Trao đổi với PV, Chủ tịch xã Bản Mù, Sùng A Lù cho biết tin tức: “Ngày đó, Bản Mù không chỉ có con ma đói, ma rét mà con ma thuốc phiện cũng thật kinh khủng. Nó như một cơn lũ ngầm tàn phá các nóc nhà của người Mông, người Thái. Giàng A Pua, người đã từng lạc những bước đầu tiên trong cơn lũ ấy, để rồi cũng chính Pua là người tiên phong đập bàn đèn, đốt thuốc phiện để trở thành người lương thiện. 

Sau khi người dân Bản Mù được cán bộ tuyên truyền, nhiều người đã tự động phá bỏ con ma thuốc phiện, thay vào đó là những nương ngô, nương lúa. Cái bụng no đủ, cái đầu người dân cũng từng bước tiến bộ. Những năm đó, có nằm mơ chúng tôi cũng không nghĩ đến Bản Mù đã có những bước chuyển mình, xua tan đám mây mù đói khổ, lạc hậu, con ma thuốc phiện... từng bước vươn lên như vậy”.

Gian nan cuộc chiến

Đại úy Nguyễn Đức Thịnh, Công an huyện Trạm Tấu chia sẻ về những ngày gian nan trong việc phá cây thuốc phiện: “Thời gian đó, chúng tôi phải leo khắp các triền đồi, thung lũng để vận động bà con phá cây thuốc phiện, chuyển sang trồng ngô để cải thiện đời sống. Tuy nhiên, trong thời điểm đó, nhận thức của bà con về cây thuốc phiện vẫn còn hạn chế. 

Chính vì vậy, việc tuyên truyền để phá bỏ cây thuốc phiện thời điểm đó rất khó khăn. Chúng tôi cũng phải nhờ rất nhiều người Mông cùng đi vận động. Giàng A Pua đã đến từng nóc nhà giúp đỡ cán bộ trong việc tuyên truyền cai nghiện, phá bỏ cây thuốc phiện, giúp họ trở thành người lương thiện”.

Theo nguoiduatin

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ