(GD&TĐ) - Ngày 21/7, sau 20 năm trị vì, vua Bỉ Albert II đã thoái vị và truyền ngôi cho Thái tử Philippe. Như vậy, Thái tử Philippe, 53 tuổi, trở thành vị vua thứ bảy của vương quốc vốn đang bị chia rẽ sâu sắc giữa cộng đồng nói tiếng Hà Lan và cộng đồng nói tiếng Pháp.
Thái tử Philippe sau khi đăng quang sẽ chính thức được gọi là “vua của người Bỉ” chứ không phải là “vua của nước Bỉ”.
Giống như lần đăng quang đầu tiên của triều đại Leopold I vào năm 1831, người Bỉ quan niệm hoàng gia xuất phát từ nhân dân chứ không phải từ “ý Chúa”. Việc trị vì của tân vương được xem như bắt đầu từ thời điểm tuyên thệ trước Nghị viện.
“Sức khỏe và tuổi tác không cho phép trẫm tiếp tục thi hành nhiệm vụ. Thái tử Philippe là người đủ điều kiện để thay thế trẫm” – Đức Vua Albert II đã giải thích như vậy vào đầu tháng Bảy trong diễn từ thoái vị của Ngài.
Liên kết cộng đồng
Tân vương và tân hoàng hậu Bỉ |
Các vị vua nước Bỉ chủ yếu điều hành các hoạt động lễ nghi, ký các đạo luật và thành lập chính phủ (về mặt hình thức). Tuy vậy trong thực tế, vua Albert II đã làm nhiều việc hơn thế. Trong những năm trị vì cuối cùng, vai trò của Ngài bất ngờ nổi bật lên trong bối cảnh khủng hoảng kéo dài trong nội các chính phủ. Kể từ cuộc bầu cử năm 2010, cung điện hoàng gia đã thử giải tỏa căng thẳng giữa các đảng và có vẻ như các đề nghị của vua Albert II đã ngăn cản được việc tiến hành những cuộc bỏ phiếu mới lựa chọn nội các.
“Thử thách quan trọng đầu tiên đối với tân vương sẽ là cuộc bầu cử quốc hội vào năm 2014 và việc thành lập chính phủ mới” – Giáo sư Dave Sinardet, chuyên gia chính trị ở Trường Đại học Libre de Bruxelles, nhận định.
“Người Bỉ ư? Chỉ có khoai tây rán, bia và đội tuyển bóng đá quốc gia liên kết chúng tôi” – Cách đây vài ba năm, thủ tướng đương nhiệm của Bỉ lúc đó là ông Yves Leterme đã nói như vậy.
Tuy nhiên, quan trọng hơn là vị tân vương sẽ cố gắng gắn kết những người Flemish nói tiếng Hà Lan ở phía bắc (chiếm 60% dân số) với cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp ở Wallonia cùng cộng đồng nói hai thứ tiếng ở Brussels (40% dân số). Trong cuộc khởi nghĩa chống lại ách cai trị của người Hà Lan năm 1830, hai cộng đồng này đã gắn kết với nhau khá chặt chẽ, tuy nhiên ngày nay họ không có đảng chính trị chung, không có đài truyền hình chung và không có báo chí chung. “Tính cách Bỉ chỉ là quá khứ. Người Flemish ngày càng xem khu vực Wallonia như một quốc gia khác” – Nhà viết sử Herman Van Goethem nhận định như vậy.
Một người cứng rắn
“Một số đảng muốn chia cắt nước Bỉ. Họ sẽ phải đối mặt với tôi” - Năm 2004, Thái tử Philippe đã tuyên bố như vậy. Hiện tại, phong cách của chính phủ có thể sẽ quyết định chế độ quân chủ ở Bỉ có được người dân yêu mến hay không. Các cuộc dàn xếp cho kết quả không hẳn là bi quan bởi trước sự ngạc nhiên của nhiều nhà nghiên cứu chính trị, Hoàng gia Bỉ nói chung vẫn được người dân ủng hộ.
Philippe từng tham gia quân đội và là phi công. Ông được xem là một người cứng rắn, tuy nhiên trong một cuộc thăm dò tín nhiệm ông được gần một nửa số người Flemish và hai phần ba số người trong cộng đồng nói tiếng Pháp tin tưởng.
Không quá hâm mộ?
Hai vị vua Bỉ (mới và cũ) có ít kẻ thù nguy hiểm, tuy nhiên họ cũng không được nhiều người thực sự hâm mộ. “Áo T-shirt với hình ảnh vua Albert ư? Tôi mới bán được khoảng 100 chiếc” – Một người bán hàng phàn nàn như vậy trong khu chợ gần Brussells. Khi người con gái ngoài giá thú của vua Albert II tên là Delphine Boel mở thủ tục tố tụng để chứng minh bà đúng là con gái của Ngài, sự việc cũng không trở nên quá ầm ĩ (nhưng đây được coi là giọt nước tràn ly khiến vua Albert đi đến quyết định thoái vị). Người ta cũng không quá quan tâm đến tin đồn nói rằng Thái tử Philippe đã từng xuất hiện trong một quán bar dành cho người đồng tính ở Cologne (Đức).
Lê Văn Cường
(Theo báo nước ngoài)