Vụ việc Trường Tiểu học Gateway: Giá như có trách nhiệm!

GD&TĐ - Đêm 6/8, nhiều người Việt Nam trằn trọc, mất ngủ sau thông tin đau lòng về cháu bé lớp 1 Trường Tiểu học Gateway tử vong vì bị bỏ quên trên xe bus. 

Vụ việc Trường Tiểu học Gateway: Giá như có trách nhiệm!

“Tôi cũng có con 6 tuổi, đêm qua ôm con, nghĩ đến cháu bé xấu số mà xót xa không ngủ được…”, “Con tôi đi xe tuyến, mai không biết có nên đưa con ra bến không…” Những dòng chia sẻ tràn ngập các trang mạng xã hội, cho thấy sự đau xót, hoang mang của các bậc phụ huynh.

Đến thời điểm này mới chỉ biết quá trình sự việc như sau: 7h sáng 6/8, gia đình đưa con đến điểm đón đi xe bus của nhà trường, trên xe có tài xế và một nhân viên phụ trách xe bus của Trường Tiểu học Gateway.

Sau khi đến trường, bàn giao HS, xe được đánh về bến, không ở lại trong trường. Đến 16h cùng ngày, gia đình cháu bé nhận được thông báo của trường là con mình hôm nay không đến lớp. 16h hơn, GV và HS mới phát hiện cháu bé nằm ngửa sau ghế lái trên xe bus khi xe này quay trở lại đón HS về nhà.

Tính khoảng thời gian từ lúc gia đình giao con cho nhân viên của trường đến lúc nhận được tin báo, trong vòng 9 tiếng, cháu bé coi như bị mất tích mà trường không hay, cô không biết.

Trong các biên bản của nhà trường, đơn vị cung cấp xe xác nhận cháu bé bị bỏ quên trên xe. Vẫn còn rất nhiều chi tiết cần làm rõ trong vụ việc này. Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án vô ý làm chết người để điều tra vụ việc.

Điều không thể chối cãi trong vụ việc này là trách nhiệm của Trường Tiểu học Gateway khi xây dựng một quy trình đưa đón HS quá nhiều lỗ hổng.

Câu hỏi đặt ra: Tại sao phụ trách xe bus và tài xế đều không nhận ra số HS lên và xuống xe không khớp? Trong suốt 9 tiếng, thực sự điều gì đã diễn ra? Ngay cả khi tài xế đưa xe từ bãi về trường để đón HS vẫn không phát hiện ra cháu bé còn nằm đó? Phụ trách xe bus của trường có danh sách HS lên – xuống xe không để rà soát HS? Nhà trường tiếp nhận HS từ xe bus vào trường như thế nào? Có tập huấn cho nhân viên phụ trách xe bus lưu tâm đến các HS nhỏ chưa có khả năng chủ động và tự bảo vệ bản thân, như trường hợp cháu bé bị tử vong – mới đi học đến lớp 1 đến buổi thứ hai.

Trong biên bản tường trình của nhà trường ghi buổi sáng GVCN thấy HS vắng mặt khi điểm danh đã báo tới hệ thống quản trị của nhà trường. Vậy nhưng trong suốt một ngày, hệ thống quản trị của nhà trường không liên hệ tới phụ huynh để xác nhận, mặc định coi HS nghỉ học. Để đến tận 16h chiều gia đình mới biết việc con mình vắng mặt ở trường, ở lớp.

Chính sự đứt gãy thông tin và lỗ hổng trong quy trình từ khâu đưa đón đến giao nhận HS trong lớp của Trường Gateway đã để xảy ra sự việc vô cùng đau xót trên.

Một phụ huynh học sinh đã viết trên trang cá nhân: Trong những giá trị cần học từ nhỏ để thành thói quen khi lớn, có lẽ cái cần học trước hết là TRÁCH NHIỆM.

Nhìn lại vụ việc đau lòng này, cứ nghĩ “giá như”: Giá như lái xe có trách nhiệm, trước khi đánh xe vào bến kiểm tra khắp một lượt; Giá như nhân viên xe bus có trách nhiệm kiểm đếm HS lên – xuống; Giá như cô giáo chủ nhiệm thấy vắng HS, có trách nhiệm gọi một cuộc điện thoại cho bố mẹ cháu bé; Giá như nhà trường tiếp nhận thông tin HS nghỉ học, có trách nhiệm liên hệ ngay gia đình kiểm chứng lại… Chỉ cần một mắt xích có trách nhiệm thôi, mạng mạng người đã được cứu.

Quy trình liên quan đến GD – liên quan đến con người, trong bất cứ bộ phận nào đều đòi hỏi lương tâm, tinh thần trách nhiệm rất cao, không được phép lơ là, bất cẩn dù chỉ một thoáng. Nếu chủ quan, vô trách nhiệm, hậu quả là không thể cứu vãn nổi. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

TIN BUỒN

TIN BUỒN

GD&TĐ - Gia đình chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin: