Vụ trúng số 2 tỷ đồng nhưng bị từ chối trả thưởng: Cần có phán quyết của tòa án

GD&TĐ - Giảng viên luật cung cấp góc nhìn pháp lý quanh vụ vé số của người dân trúng 2 tỷ đồng, bị rách, không được nhận giải. 

Tờ vé số trúng giải Đặc biệt 2 tỷ đồng của bà Nguyễn Thị N. bị rách một phần dưới dãy số chính.
Tờ vé số trúng giải Đặc biệt 2 tỷ đồng của bà Nguyễn Thị N. bị rách một phần dưới dãy số chính.

Những ngày qua, dư luận quan tâm đến vụ việc bà Nguyễn Thị N. (SN 1971, trú tại xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) mua tờ vé số trúng giải Đặc biệt 2 tỷ đồng nhưng không được Công ty TNHH một thành viên Xổ số kiến thiết (XSKT) tỉnh Thừa Thiên Huế trả thưởng do tờ vé số bị rách một phần phía dưới dãy số chính.

Đã có rất nhiều ý kiến, quan điểm về vụ việc trên. Để làm rõ hơn tính chất pháp lý của vụ việc, Phóng viên Báo Giáo dục và Thời đại đã có cuộc phỏng vấn với ThS Thân Văn Tài - giảng viên Khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Luật, Đại học Huế.

z6083770503970-702045c16e3dec2e26f59810d44f1537-1.jpg
ThS Thân Văn Tài - Giảng viên Khoa Luật kinh tế, Trường Đại học Luật, Đại học Huế.

Nếu được thụ lý thì tòa án có thẩm quyền sẽ xem xét toàn diện vụ việc

Thưa ông, cần xem xét bản chất pháp lý của vụ việc khách hàng trúng xổ số 2 tỷ đồng nhưng bị từ chối chi trả như thế nào?

Vụ việc khách hàng trúng xổ số 2 tỷ đồng nhưng bị công ty xổ số từ chối trả thưởng đang được dư luận hết sức quan tâm và bàn luận sôi nổi. Khách hàng cũng đã khởi kiện ra tòa án. Nếu được thụ lý thì tòa án có thẩm quyền sẽ xem xét toàn diện và đưa ra phán quyết cuối cùng. Ở đây chỉ bàn một vài khía cạnh ở góc độ pháp lý của vụ việc.

Khách hàng chi trả 10.000 đồng để mua 1 tờ vé số với bản chất là mua vận may theo sự kiện quay số ngẫu nhiên sau đó. Khi kết quả quay số ngẫu nhiên có 6 chữ số đều trùng khớp với 6 chữ số của khách hàng, ta gọi đó là “trúng số” và giá trị “trúng số” đã được công khai ngay trên vé số là 2 tỷ đồng.

Vậy giữa khách hàng và công ty xổ số đã có một quan hệ hợp đồng. Ở nhiều nước, người ta định danh hợp đồng này là “hợp đồng may rủi”. Ở nước ta, pháp luật chưa có quy định nào đặt tên (không định danh) cho hợp đồng này, nhưng không phải là không có quy định. Ở đây, do chưa định danh nên hợp đồng này không thuộc sự điều chỉnh của các quy định về các hợp đồng thông dụng, nhưng do nó là hợp đồng nên được điều chỉnh bởi các quy định chung về hợp đồng.

Theo đó, kết quả quay số có 6 chữ số trùng khớp với vé số của khách hàng là điều kiện phát sinh nghĩa vụ trả thưởng 2 tỷ đồng của công ty xổ số. Ta gọi việc thực hiện chi trả tiền trúng thưởng là “thực hiện nghĩa vụ có điều kiện”.

Nghĩa vụ trả thưởng phải được thực hiện?

Khoản 1 Điều 284 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Trường hợp các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định về điều kiện thực hiện nghĩa vụ thì khi điều kiện phát sinh, bên có nghĩa vụ phải thực hiện”. Ở đây, điều kiện phát sinh nghĩa vụ trả thưởng là sự kiện quay thưởng chứ không phải là tình trạng vật lý của vé số. Thực tế sự kiện đó đã xảy. Do đó, nghĩa vụ trả thưởng phải được thực hiện.

z6083817275522-0ea448dc0e82405c4e36926123dcb75b.jpg
z6083817275588-b6b48166d5e6dc03dab7875e3604daf3.jpg
Mặt trước và sau của tờ vé số trúng giải Đặc biệt 2 tỷ đồng. (Ảnh: NVCC)

Theo ông, trong trường hợp này vé có rách một phần, vậy có ảnh hưởng gì đến việc chi trả tiền thưởng hay không?

Theo Điều 284 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì vé số bị rách một phần nhỏ không phải là căn cứ để cho rằng nghĩa vụ trả thưởng không tồn tại. Như đã nêu, sự kiện quay số đã xảy ra, vậy nên chỉ có trường hợp khách hàng cố ý thúc đẩy, can thiệp vào quá trình quay thưởng để kết quả quay thưởng trùng khớp với vé số của mình thì mới là căn cứ cho việc không phát sinh nghĩa vụ trả thưởng.

Ông suy nghĩ như thế nào đối với các quy định của Thông tư 75/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính về vấn đề này?

Thông tư có một số quy định gián tiếp liên quan đến vấn đề này và cũng cần xem xét để đánh giá. Tuy nhiên, cốt lõi vẫn là các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Lý do, đây mới là quy định điều chỉnh về căn cứ phát sinh và cơ chế phát sinh nghĩa vụ hợp đồng.

Thông tư nêu trên chỉ là văn bản dưới luật, và là quy định của luật công hướng dẫn cách thức quản lý tài sản công của Nhà nước (tài chính công ty xổ số là của Nhà nước). Vậy nên, một khi nghĩa vụ chi trả của công ty xổ số đã được xác lập và có hiệu lực, công ty xổ số phải thực hiện theo cách thức mà thông tư nêu trên quy định để chi trả thưởng cho khách hàng.

Tôi cũng như nhiều người khác nắm thông tin từ báo chí nên chỉ có thể bàn về một vài vấn đề như trên trong điều kiện quan hệ hợp đồng là có thật trong thực tế, và chứng cứ cung cấp cũng là có thật, mà không thể bàn về tất cả các vấn đề.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ