Vào ngày 25 tháng 9 năm 2024, Trung Quốc đã tiến hành phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) DF-41, đầu đạn mô phỏng đã rơi “vào khu vực được chỉ định” trên Thái Bình Dương.
Điểm đặc biệt là Trung Quốc thường chỉ tiến hành phóng thử tên lửa đạn đạo ở những khu vực được chuẩn bị tại vùng sa mạc của đất nước. Lần cuối cùng họ tiến hành phóng thử về hướng vùng biển Thái Bình Dương là vào năm 1980, huy động loại DF-5.
Như cổng thông tin Defense News nhấn mạnh, cuộc thử nghiệm tên lửa DF-41 nói trên ở vùng biển Thái Bình Dương đã diễn ra giữa bối cảnh có một "bước ngoặt" khác trong việc leo thang căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, mặc dù Bắc Kinh nhấn mạnh rằng vụ phóng thử diễn ra hoàn toàn tuân thủ mọi quy định của luật pháp quốc tế.
Một điểm cần chú ý nữa là Trung Quốc không tiết lộ công khai vụ phóng thử nghiệm DF-41 diễn ra ở cự ly nào, nhưng tầm bắn tối đa ước tính khoảng 12 - 15 nghìn km.
Buổi giới thiệu công khai đầu tiên về ICBM DF-41 mới chỉ diễn ra vào năm 2019 và ở thời điểm hiện tại, đây là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mạnh nhất trong kho vũ khí của Trung Quốc.
Tuy nhiên vấn đề chính là vụ phóng thử nghiệm của tên lửa DF-41 diễn ra trong bối cảnh có dữ liệu cho thấy Trung Quốc đang tăng cường xây dựng kho vũ khí hạt nhân và tên lửa của riêng mình.
Lầu Năm Góc và một vài tổ chức phi chính phủ của Hoa Kỳ đã ghi lại nghi ngờ này trong tài liệu của họ, tuy nhiên hiện chưa có số liệu và dữ liệu chính xác về quy trình nói trên.
Việc tại sao Trung Quốc quyết định chọn hình thức phóng thử ICBM đặc biệt này là một câu hỏi mở, làm tăng thêm sự bí ẩn về kho vũ khí hạt nhân và tên lửa của Bắc Kinh.
Ngoài ra chúng ta cũng nên nhớ rằng vào tháng 6 năm 2024, Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) đã công bố các ước tính về vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, cũng như số lượng đầu đạn, tên lửa, phương tiện mang phóng mà Bắc Kinh sở hữu, mọi số liệu đều tăng lên đáng kể.