Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com
Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là “nước cộng hòa chuối”, chuyện đình công đơn thuần của người lao động đã khơi mào vụ thảm sát kinh hoàng nhất, làm hàng ngàn người thiệt mạng.

Mong muốn nhỏ

Người yêu văn chương chắc chắn biết “Trăm năm cô đơn” của đại tác gia Gabriel Garcia Marquez (1927 - 2014), tác phẩm kể về gia đình Buendia sống ở Macondo. Tuy nhiên, chúng ta có thể chưa biết, nhiều sự kiện hư cấu ở đây thực ra lại là vụ việc có thật, nhất là thiết lập nước cộng hòa chuối và vụ thảm sát nhân công trồng chuối.

Trên phương diện chính trị, Colombia giành độc lập từ năm 1819 song, trên phương diện thực tế, chính phủ của họ bị chèn ép và phải chịu nhẫn nhịn các cường quốc đương thời rất nhiều, nhất là Mỹ.

Nửa cuối thế kỷ XIX, thị trường Mỹ vô cùng khát trái cây nhiệt đới, đặc biệt là chuối. Colombia lại là nơi cực kỳ dễ trồng loại cây ăn trái này.

Năm 1899, Mỹ thành lập Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ (United Fruit Company - UFC). Ban đầu, UFC chỉ là tổ chức thương mại khai thác tài nguyên trái cây ở nước ngoài nhưng dần dà, nó tận dụng được gần như trọn bộ mạng lưới quan chức và khống chế toàn vùng Trung – Nam Mỹ.

Tại Colombia, nó phá hủy hàng loạt các cánh rừng nhiệt đới để chuyên canh chuối. Vì chỉ quan tâm đến sản lượng, nó điên cuồng sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, hóa chất độc hại… bất chấp sự ảnh hưởng tới cư dân và môi trường xung quanh.

Mất rừng và đất nông nghiệp, cư dân Colombia chỉ còn cách làm thuê cho UFC. Lợi dụng điều này, UFC hạ thấp lương, thậm chí không trả lương mà đổi bằng phiếu mua hàng chỉ áp dụng với các mặt hàng mà chính nó cấp.

Người lao động Colombia phải làm việc suốt 7 ngày/tuần và không được cung cấp nơi ăn chốn ở hợp vệ sinh nên liên tục xảy ra vấn đề đói kém, bệnh tật…

Quá khốn khổ, năm 1928, người lao động Colombia thành lập ủy ban đình công để phản đối UFC bóc lột quá mức. Họ đặt tên cho ủy ban này là Liên đoàn Công nhân Magdalena (Magdalena Workers’ Union - USTM) và gửi danh sách các đề xuất cải thiện điều kiện lao động cho UFC.

Những gì USTM mong mỏi chỉ gồm nơi ở hợp vệ sinh, 1 ngày nghỉ/tuần, tăng lương cho nhân công, thay thanh toán lương bằng phiếu mua hàng sang tiền mặt…

vu-tham-sat-vi-chuoi-1.jpg
Điều kiện lao động quá tồi tệ buộc nhân công Colombia phải lên tiếng. Ảnh: Plenglish.com

Hệ quả lớn

Vào năm 1928, UFC ở Colombia có tổng cộng 30.000 nhân công và cứ sau mỗi 2 tuần, trả lương một lần bằng phiếu mua hàng. Các thỉnh cầu của USTM vô cùng đơn thuần, không một chút quá đáng nhưng với ban điều hành UFC, đó lại là sự vượt mặt. Lập tức, họ huy động các thế lực chính trị giải quyết với lý do “bảo vệ quyền lợi trước sự đe dọa của USTM”.

Bằng phương tiện truyền thông, ban điều hành UFC vu khống và lan truyền tin USTM theo cộng sản, không chỉ muốn lật đổ Chính phủ Colombia, mà còn âm mưu phá hoại tất cả các chính phủ dân chủ trên thế giới. Sau khi yêu sách Chính phủ Colombia can thiệp không được, họ “kêu cứu” nước mẹ, xin Chính phủ Mỹ viện trợ.

Lúc này, Mỹ đang dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Calvin Coolidge (1872 - 1933). Cá nhân Coolidge ít am tường về vấn đề đối ngoại, thường giao công việc này cho các thành viên nội các nhưng lại cực kỳ quan tâm lợi ích thương mại. Ông lập tức điều thủy quân lục chiến của Mỹ đến giúp UFC.

Ngoài khơi Colombia, thủy quân lục chiến của Mỹ đe dọa nếu Chính phủ Colombia còn tiếp tục làm ngơ vụ đình công, họ sẽ tấn công. Quá sợ hãi, vào ngày 5/12 cùng năm, Chính phủ Colombia ban bố thiết quân luật, chấp nhận chịu sự điều động của UFC.

Ngày 6/12, đúng Chủ nhật nên nhiều nhân công và người dân ở thị trấn Cienaga đã đi lễ nhà thờ và tụ tập bàn tán về danh sách các thỉnh cầu của USTM ở quảng trường. Không ngờ trên 4 góc quảng trường, súng máy đã được lắp đặt và quân đội Colombia có vũ trang cũng bao vây, ra lệnh trong vòng 15 phút, tất cả mọi người phải rời khỏi quảng trường.

Ban đầu, không ai nghĩ là sẽ có nổ súng vì họ không phải đang tụ tập biểu tình đình công. Ngoài các thành viên USTM, trong quảng trường còn rất nhiều người già và trẻ em. Do quảng trường quá nhỏ, lượng người đông, sự giải tán không được nhanh và rất đột ngột, quân đội nổ súng.

Ước tính, số người bị thiệt mạng từ 1.000 - 3.000, tất cả đều không có vũ trang. Nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại Colombia lúc này là Jefferson Caffery đã gửi báo cáo về Washington, viết: “Tôi vinh dự được báo cáo là tổng số nhân công nổi loạn bị quân đội Colombia hạ sát đã vượt quá 1.000 người”.

Trong lúc mọi người còn đang hoang mang và sợ hãi tột độ, quân đội Colombia nhanh chóng dọn dẹp các thi thể. Không ai biết họ đã xử lý như thế nào, chỉ đoán là các thi thể được khiêng lên tàu hỏa đem chôn tập thể trong rừng hoặc vứt xuống biển.

Sau sự việc, các phương tiện truyền thông Colombia rầm rộ đưa tin với tiêu đề “vụ thảm sát vì chuối”, nhưng truyền hình và báo chí Mỹ thì hoàn toàn im lặng. Họ thậm chí không đăng một bức ảnh nào.

Tổng thống Colombia đương thời, Miguel Abadia Mendez (1867 - 1947) đổ hết lỗi cho “những kẻ kích động người ngoại quốc vô danh”. Chỉ những người sống sót là biết rõ nội tình. Họ nỗ lực đi khắp Nam Mỹ để kể sự thật nhưng không gây được tiếng vang.

Mãi đến khi Trăm năm cô đơn của văn hào Marquez xuất bản, vụ thảm sát vì chuối mới được đưa ra ánh sáng. Tuy hầu hết các thiết lập của nó đều là hư cấu, nhưng riêng vụ thảm sát nhân công trồng chuối thì hoàn toàn dựa trên sự kiện năm 1928.

Gần 100 năm đã trôi qua nhưng vụ thảm sát vì chuối và các yêu cầu của USTM vẫn được nhắc lại, quan tâm, bàn thảo. UFC đã đổi tên thành Chiquita Bananas và không chỉ chưa từng phải trả giá cho hành động của mình mà còn vẫn đang hoạt động ở Colombia.

Năm 2007, Chiquita Bananas bị phát hiện thanh toán dài hạn cho nhóm bán quân sự cánh hữu khét tiếng thực hiện nhiều cuộc tấn công bạo lực, giết người, cướp đất… AUC ở Colombia. Trong khoảng thời gian từ năm 1997 - 2004, họ đã chi trả cho AUC tổng cộng 1,7 triệu USD.

Mặc dù trước tòa án, Chiquita Bananas đã nhận tội hỗ trợ khủng bố nhưng hoạt động kinh doanh của nó vẫn tiếp tục. Trung bình mỗi năm, toàn cầu tiêu thụ khoảng 100 tỷ quả chuối và trong số này, có đến 10 tỷ là từ Chiquita Bananas.

Trang web của Chiquita Bananas đang chạy các quảng cáo bảo vệ môi trường, sáng kiến phát triển bền vững, nâng cao nhận thức về ung thư vú… Không ít người muốn biết, nó tự cải tổ hay cuối cùng cũng biết hối hận, chịu trách nhiệm phần nào trước công chúng.

Theo Thecollector

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.