Vụ thảm sát đúng ngày Valentine

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Moran là ông trùm xã hội đen khét tiếng trong Thời kỳ Cấm rượu (1920 - 1933), đối thủ của Al Capone (1899 - 1947), ông trùm khét danh tương đương.

Điều tra vụ thảm sát tốn rất nhiều nhân sự và thời gian, nhưng không đưa đến chân tướng. Ảnh: Chicagomag.com
Điều tra vụ thảm sát tốn rất nhiều nhân sự và thời gian, nhưng không đưa đến chân tướng. Ảnh: Chicagomag.com

Sáng ngày 14/2/1929, tại Chicago, Mỹ, 7 tay chân của ông trùm xã hội đen George “Bugs” Moran (1893 - 1957) đột ngột bị một nhóm người ép vào tường nhà để xe và nã đạn. Kể từ đó cho đến nay, vẫn chưa có bất cứ ai bị buộc tội là hung thủ và lĩnh án.

Lễ Tình nhân đẫm máu

Moran là ông trùm xã hội đen khét tiếng trong Thời kỳ Cấm rượu (1920 - 1933), đối thủ của Al Capone (1899 - 1947), ông trùm khét danh tương đương. Y khai sinh tại Minnesota (Mỹ), có cha là người Pháp nhập cư còn mẹ là người Canada.

Từ năm 18 tuổi, Moran đã tham gia băng đảng và liên tục phạm pháp. Sau 3 lần vào tù ra tội, y trốn đến Chicago, gia nhập băng đảng North Side và trở thành ông trùm.

Buổi sáng ngày Lễ Tình nhân năm 1929, bầu trời xám xịt, không khí lạnh thấu xương. Bất chấp tuyết rơi, phủ kín vạn vật bằng lớp băng buốt giá, các thợ làm bánh và người bán hoa vẫn rộn ràng mở cửa tiệm, sẵn sàng cho ngày đông khách nhất trong năm.

Tại khu nhà số 2122, phố North Clark, Công viên Lincoln - nơi được băng đảng North Side thuê làm chỗ để xe, không rõ vì lý do gì mà lại có 7 tay xã hội đen và dân thường tụ tập.

Ngoại trừ thợ sửa xe thỉnh thoảng ghé sửa chữa xe cho băng nhóm là John May, 6 người còn lại đều mặc quần áo vest bảnh bao, thắt cà vạt đeo ghim cài, đi giày đẹp, vài người còn cài cả hoa cẩm chướng.

Khoảng 10 giờ 30 phút, một chiếc Cadillac màu đen dừng lại trước cửa nhà 2122. Bốn (hoặc 5) người đàn ông, trong đó có 2 người mặc đồng phục cảnh sát, bước xuống và băng qua vỉa hè, đi thẳng vào gara bằng cửa chính.

Trước 6 tay găng-tơ của North Side đang co ro đứng, ngồi vì rét và người thợ máy lúi húi sửa bánh xe, họ giơ súng, ra lệnh cho tất cả đi tới và áp mặt vào bức tường nằm ở phía Bắc của nhà để xe.

Sau khi người của North Side đứng áp mặt vào tường, toán đột nhập lạnh lùng bóp cò. Đạn xé toạc da thịt cả 7 người, xuyên vào tường, phá tung gạch… Các nạn nhân ngã xuống, hấp hối, tử vong tại chỗ.

Toán đột nhập rời đi ngay, trước cả khi những người sống xung quanh kịp nhìn ra ngoài vì tiếng ồn. Chỉ vài người hàng xóm kịp thấy họ leo lên chiếc Cadillac đang đậu ở bên ngoài và phóng đi.

Hiện trường vụ thảm sát ngày Lễ Tình nhân năm 1929. Ảnh: Wikipedia.org

Hiện trường vụ thảm sát ngày Lễ Tình nhân năm 1929. Ảnh: Wikipedia.org

Đa nghi phạm

Biết có chuyện chẳng lành, các hàng xóm của nhà số 2122 vội vàng chạy sang. Người đầu tiên mở cửa gara và lao tới chỗ bức tường kinh hoàng đứng sững trước cảnh 7 người đàn ông nằm trong vũng máu, khói bụi vẫn chưa tan và những con chó Highball đang tru lên âm thanh đau đớn.

Điện thoại của đồn cảnh sát Chicago đổ chuông, Trung sĩ Thomas J. Loftus bắt máy và lập tức tới hiện trường. Khi di chuyển 7 cái xác, Loftus phát hiện có 1 người là Frank Gusenberg vẫn còn sống, dù đã trúng tổng cộng 14 phát đạn.

“Anh có nhận ra tôi không?”, Trung sĩ Loftus hấp tấp hỏi. Gusenberg thều thào trả lời rằng “có” và xin cứu mạng. Anh ta được đưa tới bệnh viện ngay, nhưng đã không qua khỏi. Trước khi chết, Gusenberg vẫn tỉnh táo nhưng không trả lời các câu hỏi về danh tính của những kẻ đã tấn công.

Kết quả điều tra hiện trường cho thấy, vũ khí những kẻ đột nhập sử dụng là súng tiểu liên Thompson và súng ngắn. Ban đầu, cảnh sát Chicago nghi ngờ chính Moran, cho rằng đây là một vụ thanh lọc thành viên.

Ngày 22/2/1929, một nhà để xe trên phố Wood bốc cháy. Cảnh sát Chicago được gọi đến hiện trường và phát hiện chiếc Cadillac sản xuất năm 1927 bị tháo rời, cháy loang lổ. Họ nghi ngờ, đây chính là chiếc xe mà toán hung thủ đã sử dụng.

Lần theo số seri, cảnh sát tìm được chủ sở hữu đầu tiên của chiếc Cadillac này là Michigan Avenue. Người này đã bán nó cho James Morton, cư dân ở Los Angeles, còn nhà để xe bị hỏa hoạn là bất động sản của Frank Rogers, người có địa chỉ nơi ở là số 1859, Đại lộ Tây Bắc. Tuy nhiên, khi tìm kiếm thông tin của cả 2 người nói trên, cảnh sát không thấy có bất cứ ai trùng khớp.

Riêng 1859 là số nhà có thật. Nó là quán cà phê Circus của Claude Maddoxm, một cựu trùm xã hội đen ở St. Louis có quan hệ mật thiết với nhiều băng nhóm, trong đó có băng đảng Chicago Outfit của ông trùm Al Capone.

Việc Al Capone đối địch với Moran là chuyện ai cũng biết. Cả 2 ông trùm này đều buôn lậu rượu, không ít lần cướp hàng hóa của nhau. Một loạt sát thủ của Chicago Outfit bị đưa vào tầm ngắm, đặc biệt là 4 người được Al Capone cực kỳ tín nhiệm: John Scalise, Albert Anselmi, Jack McGurn và Frank Rio.

Càng đi sâu điều tra, cảnh sát Chicago càng không tìm được bằng chứng kết tội Capone cũng như các sát thủ của ông ta. Chỉ mới 3 tháng, họ đã phải thả “nghi phạm lớn nhất” - Jack McGurn ra.

Trên tất cả, vào thời điểm vụ thảm sát xảy ra, Moran còn không có mặt ở nhà 2122. Rất có khả năng, ngay từ ban đầu, vụ giết người này đã không nhắm vào Moran mà nhắm vào ai đó trong 7 nạn nhân.

Trước vụ thảm sát không lâu, giữa các tay chân của Moran cũng có xung đột với băng Purple, tổ chức tội phạm thuê ngôi nhà nằm đối diện nhà 2122 làm căn cứ. Vài phút trước vụ thảm sát, tài xế xe tải tên Elmer Lewis suýt gây tai nạn trên con đường chỉ cách nhà 2122 một dãy nhà.

Chiếc xe mà Lewis xém tông phải là xe cảnh sát, người ngồi trong xe mặc đồng phục, khuyết một chiếc răng cửa, nhiều khả năng là Fred Burke - cựu thành viên của băng Egan's Rats.

Không chân tướng

George 'Bugs' Moran, ông trùm băng đảng North Side. Ảnh: Wikipedia.org

George 'Bugs' Moran, ông trùm băng đảng North Side. Ảnh: Wikipedia.org

Với quá nhiều nghi phạm và quá ít chứng cứ, việc điều tra chân tướng vụ thảm sát dần đi vào ngõ cụt và bị đình trệ. Tháng 12 cùng năm, cảnh sát hạt Berrien đột kích nhà của Burke vì nghi ngờ hắn ta phạm tội giết 1 cảnh sát trong khu vực, phát hiện một chiếc rương lớn chứa đầy áo chống đạn, gần 320 nghìn dollar trái phiếu bị mất cắp của ngân hàng Wisconsin, 2 khẩu tiểu liên Thompson, súng ngắn và hàng nghìn viên đạn.

Nghi ngờ 2 khẩu tiểu liên Thompson chính là hung khí vụ án ngày 14/2, họ liên hệ với cảnh sát Chicago.

Đội ngũ pháp y vào cuộc, xác nhận các loại súng của Burke có nòng khớp với cỡ đạn tìm thấy ở hiện trường vụ thảm sát. Có điều, chỉ với bằng chứng này thì không đủ để khẳng định chúng chính là hung khí gây án.

Hơn 1 năm sau, Burke bị bắt và kết án tù chung thân vì tội giết 1 cảnh sát ở Berrien, không liên quan gì đến vụ thảm sát ngày Lễ Tình nhân.

Tháng 1/1935, sau 4 năm “dậm chân tại chỗ”, việc điều tra vụ thảm sát có chuyển biến mới. Tội phạm cướp ngân hàng tên Byron Bolton đột ngột tuyên bố biết thủ phạm là ai, nêu tên Burke và 4 người nữa, khẳng định họ được Al Capone giao nhiệm vụ tới nhà 2122 giết Moran.

Al Capone lần nữa trở lại làm đối tượng tình nghi số 1. Tuy nhiên, cảnh sát vẫn không thể bắt giữ ông ta. Vào thời điểm xảy ra vụ án, Al Capone đang ăn chơi ở tận Florida.

Cho dù thật sự muốn lấy mạng Moran, ông ta cũng chỉ cần hạ lệnh cho 1 sát thủ của mình là đủ. Chí ít, trong băng đảng của ông ta cũng có 1 siêu thiện xạ là McGurn - người từng bị bắt và được thả. Chỉ cần có súng trong tay, McGurn thừa sức ám sát Moran mọi nơi, mọi lúc.

Bức thư đáng quan tâm

Ông trùm Al Capone, 'nạn nhân thứ 8'.

Ông trùm Al Capone, 'nạn nhân thứ 8'.

Không lâu sau khi báo chí rầm rộ đưa tin tuyên bố của Bolton, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang - John Edgar Hoover (1896 - 1972) nhận được 1 bức thư từ công dân Chicago tên Frank T. Farrell.

Trong thư, Farrell cho biết, vào tháng 11/1928, William Davern Jr. (40 tuổi), cựu lính cứu hỏa vốn là con trai của William J. Davern, một cảnh sát ở Chicago, đã bị bắn vào bụng trong vụ ẩu đả ở quán bar.

Trước khi tử vong, Davern gọi điện cho anh họ tên là William White, kể rằng bị anh em nhà Gusenberg trong băng đảng North Side nã đạn và vứt ra ngoài đường.

White vốn là “tay có máu mặt” ở Chicago, lại yêu thương Davern hơn em ruột. Sau khi đưa tang Davern, anh ta tìm cách liên lạc với anh em Gusenberg, lừa rằng đang tuyển công nhân cho nhà máy, hứa trả lương cao. Thấy anh em nhà Gusenberg “cắn câu”, White nhờ cha của Davern tìm hộ 2 bộ đồng phục cảnh sát.

Trong 7 nạn nhân, đích thực có 2 người là anh em nhà Gusenberg, Peter Gusenberg và Frank Gusenberg. Trên mặt lập luận, bức thư của Farrell giải thích một cách hợp lý sự việc xảy ra, bao gồm cả trang phục chỉnh tề của các tay găng-tơ.

Không rõ bức thư của Farrell có bao nhiêu phần là sự thật nhưng, trước khi công dân này gửi thư 1 năm, vào tháng 1/1934, White đã bị các băng đảng phát hiện là tay chỉ điểm của Cục Điều tra và ra tay sát hại. Cảnh sát không truy tìm được danh tính kẻ đã giết anh ta.

Năm 1936, nội dung bức thư của Farrell bị lộ. Trước chất vấn từ giới truyền thông, Giám đốc Hoover lạnh lùng trả lời: “Điều tra các băng đảng là chuyện của cảnh sát khu vực, không phải việc của Cục quốc gia”.

Bất kể có liên quan đến thảm sát 14/2 hay không, kẻ bị thiệt hại nhiều nhất có lẽ vẫn là ông trùm Al Capone. Các công tố viên ngùn ngụt khí thế tống ông ta vào tù, cả FBI cũng tìm mọi cách khiến ông ta phải chịu trừng phạt nặng nhất. Cuối cùng, Capone bị bắt vì tội trốn thuế, phạt 11 năm tù giam.

Theo Chicagomag

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ