Vụ thảm sát 10 người không để lại dấu vết

GD&TĐ - Chỉ trong một đêm, 10 thành viên trong một gia đình sống tại Macau (Trung Quốc) bị sát hại dã man.

Quán ăn Bát Tiên, khu Iao Hon, Macau, chụp trước năm 1985.
Quán ăn Bát Tiên, khu Iao Hon, Macau, chụp trước năm 1985.

Sau khi thủ tiêu các nạn nhân, kẻ thủ ác thay họ đứng ra tiếp quản việc kinh doanh quán ăn gia đình.

Những thi thể trôi dạt

Ngày 8/8/1985, người dân Macau phát hiện một số bộ phận thi thể người trôi nổi và dạt vào gần bãi biển Hắc Sa. Cơ quan điều tra vớt được tổng cộng bốn bàn chân phải nên suy đoán số nạn nhân ít nhất là 4 người.

Ban đầu, người ta nghi ngờ rằng 4 nạn nhân này là những người bơi lội bị cá mập tấn công hoặc là những người vượt biên hay buôn lậu bị lật thuyền trên biển.

Tuy nhiên, sau khi khám nghiệm tử thi, cảnh sát phát hiện các chi bị cắt ngọt và gọn gàng giống vết thương do vật sắc nhọn như dao tạo nên. Nghi ngờ các nạn nhân bị sát hại man rợ, cảnh sát Macau thành lập tổ điều tra và tìm kiếm những phần thi thể bị mất tích.

Trong vài tuần tiếp theo, cảnh sát tìm thấy nhiều bộ phận khác quanh khu vực bãi biển. Kết quả khám nghiệm cho thấy đây là các mảnh thi thể của những người khác nhau. Tuy nhiên, trong thời điểm đó, cảnh sát không nhận được trình báo mất tích nên không xác định được danh tính của các nạn nhân.

8 tháng sau, vào tháng 4/1986, cảnh sát Macau và Interpol Quảng Châu nhận được trình báo từ một người đàn ông ở Quảng Đông, Trung Quốc, về việc anh trai anh, Zheng cùng vợ con và anh họ đã mất tích.

Người này cho hay, anh không thể liên lạc với gia đình anh trai từ tháng 8/1985 còn quán ăn Bát Tiên, do gia đình Zheng thành lập, hiện do một người đàn ông họ Hoàng quản lý. Khi nghe tin cảnh sát phát hiện nhiều phần thi thể trôi dạt trên bờ biển Hắc Sa, người em lo lắng gia đình anh trai bị sát hại nên trình báo.

10 nạn nhân là các thành viên trong gia đình Zheng Lin.

10 nạn nhân là các thành viên trong gia đình Zheng Lin.

Cụ thể, gia đình Zheng có 10 thành viên gồm hai vợ chồng Zheng, 5 người con từ 7 đến 18 tuổi, mẹ vợ (70 tuổi), dì vợ (60 tuổi) và anh họ (61 tuổi). Cả nhà 10 người đều làm việc tại nhà hàng Bát Tiên ở nhiều vị trí từ đầu bếp, nhân viên thu ngân đến nhân viên dọn dẹp...

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, do khả năng xét nghiệm còn hạn chế, cảnh sát chưa thể khẳng định những mảnh thi thể trôi dạt trên biển là của gia đình Zheng. Họ liền chuyển hướng điều tra từ quán ăn Bát Tiên.

Bát Tiên là cửa hàng đồ ăn Trung Hoa do Zheng Lin và vợ mở ra tại khu Iao Hon, Macau, từ những năm 1960. Gia đình Zheng gồm 2 vợ chồng và 5 người con. Họ sống gần nhà hàng để tiện cho việc kinh doanh.

Ít ai biết rằng Zheng xuất thân từ một gia đình nghèo khó, từng phải đi bán hàng rong khi còn nhỏ. Những năm 1960, sau khi tích cóp được một khoản tiền nhỏ, anh cùng vợ mở một cửa hàng bán đồ ăn Trung Hoa.

Tại khu Iao Hon, Bát Tiên là một cửa hàng kinh doanh tương đối phát đạt. Món ăn khiến thực khách nhớ đến nơi này chính là bánh bao làm theo phong vị Quảng Đông, quê hương của Zheng.

Nhà hàng đổi chủ

Ảnh chụp chân dung Huang Zhiheng năm 1986.

Ảnh chụp chân dung Huang Zhiheng năm 1986.

Thực tế, em trai Zheng không phải người duy nhất chú ý đến sự biến mất của gia đình Zheng. Theo ghi nhận của cảnh sát, liên hệ cuối cùng của Zheng là vào chiều ngày 4/8/1985, khi ông gọi điện đặt hàng thực phẩm cho Bát Tiên từ một nhà cung cấp gia cầm.

Sáng hôm sau, nhân viên tại nơi cung cấp giao vịt đến cho Bát Tiên theo đơn đặt hàng từ chiều hôm qua nhưng thấy quán đóng cửa, dán thông báo “Ngừng kinh doanh ba ngày”.

Nhân viên này cảm thấy vô cùng khó hiểu bởi nếu ngừng kinh doanh dài ngày, Zheng đã không gọi điện đặt hàng từ trước. Vì vậy, anh ấy tìm đến nhà của Zheng để hỏi thăm. Tuy nhiên, tiếp đón anh lại là một người đàn ông lạ mặt, chưa từng gặp tại Bát Tiên.

Người này nói rằng gia đình Lâm đã chuyển về thành phố Chu Hải, tỉnh Quảng Đông. Kể từ ngày hôm đó, người này cũng thay gia đình Zheng tiếp quản công việc kinh doanh. Anh ta tên là Huang Zhiheng, 50 tuổi.

Khi cảnh sát tra hỏi, Huang cho biết Zheng đã chuyển nhượng quán ăn cho anh ta và cùng gia đình rời đi. Thái độ của Huang rất bình tĩnh, phong thái điềm đạm nên cảnh sát không tìm ra sơ hở. Tuy nhiên, cảnh sát bắt đầu nghi ngờ về câu chuyện của Huang và bí mật theo dõi.

Thông qua điều tra ngân hàng, họ phát hiện một số giao dịch từ Zheng Lin và việc Huang bí mật mua vé máy bay cho vợ và con gái đến Trung Quốc đại lục. Ngày 28/9/1986, khi Huang cùng gia đình đến sân bay để rời Macau, anh bị bắt giữ. Dù vậy, Huang khẳng định anh ta không bỏ trốn mà chỉ tiễn vợ con về quê.

Tại đồn cảnh sát, Huang lại đưa ra một câu chuyện khác về việc anh ta tiếp quản quán ăn Bát Tiên. Đầu tiên, Huang nói mua lại quán từ tiền kiếm được nhờ buôn lậu. Nhưng sau đó, anh ta lập tức thay đổi lời khai thành Zheng đánh bạc, thua nợ anh ta tổng cộng 180.000 pataca vào năm 1984.

Trong một năm sau đó, không những không trả được nợ mà Zheng còn thua tiếp 600.000 pataca. Vì vậy, đến tháng 8/1985, Zheng đành phải sang nhượng quán ăn, nhà và xe cho Huang để gán nợ còn mình cùng gia đình di cư đến Hồng Kông.

Ngay lập tức, cảnh sát đã phát hiện sơ hở trong lời khai này bởi không tìm thấy hồ sơ xuất cảnh của các thành viên trong gia đình Zheng. Trong két sắt nhà Huang, cảnh sát tìm thấy chìa khóa két sắt tại ngân hàng, giấy phép đến Hồng Kông và giấy khai sinh cho bốn người con của Zheng.

Đến lúc này, khi bị cảnh sát vạch trần, Huang đành thừa nhận bản thân đã sát hại gia đình Zheng. Sau khi Huang bị bắt, truyền thông Macau và Hồng Kông đưa tin rầm rộ về sự việc bởi tội ác hắn ta gây ra quá kinh khủng. Đến lúc này, một gia đình ở Hồng Kông phát hiện Huang chính là kẻ đã sát hại người thân của họ 12 năm về trước.

Lật lại vụ án

Quán ăn Bát Tiên được tu sửa thành khách sạn kiêm nhà hàng.

Quán ăn Bát Tiên được tu sửa thành khách sạn kiêm nhà hàng.

Sinh ra tại Trung Quốc đại lục, Huang Zhiheng tên thật là Chen Shuliang trước khi di cư đến Hồng Kông vào những năm 1970. Tại Hồng Kông, hắn ta sử dụng tên là Chen Yuliang.

Năm 1973, Huang sát hại một người đàn ông ở vịnh Quarry vì nợ nần và không được vay tiền để tiếp tục đánh bạc. Hắn ta bị hai người phụ nữ bắt quả tang nên đâm họ rồi phóng hỏa định thiêu huỷ chứng cứ. Nhưng may mắn thay, hai nạn nhân thoát chết.

Sau đó, hắn bỏ trốn về Quảng Đông. Để tránh bị cảnh sát truy bắt, hắn ta đốt ngót tay để huỷ hoại dấu vân tay và đổi tên thành Huang Zhiheng. Trong thời gian này, hắn ta thuê nhà trọ ở thành phố Quảng Châu và yêu con gái ông chủ nhà, tên Li.

Cả hai kết hôn sau một thời gian tìm hiểu nhau bất chấp sự phản đối của bố mẹ Li. Sau khi nên vợ chồng, Huang đưa Li chạy trốn đến Macau vì sợ cảnh sát vẫn truy đuổi. Tại đây, hắn ta quen biết vợ chồng Zheng, vốn là hai con nghiện cờ bạc.

Năm 1984, Huang và vợ chồng Zheng tham gia một trò chơi cá cược với số tiền lớn. Kết quả, Huang thắng với số tiền là 180.000 pataca nhưng vợ chồng Zheng không có đủ tiền trả. Hai bên thỏa thuận miệng rằng Zheng sẽ thế chấp quán ăn cho Huang nếu không trả hết nợ trong một năm. Huang đồng ý.

Tuy nhiên, vợ chồng Zheng đã nhiều lần khất nợ. Đến tối 4/8/1985, Huang tìm đến Bát Tiên đòi tiền. Khi đó, số tiền nợ đã tăng thêm 600.000 pataca nhưng Huang chỉ đòi 20.000 ban đầu.

Thế nhưng, Huang bị gia đình Zheng chửi bới thậm tệ và nhất quyết không chịu sang nhượng cửa hàng. Quá tức giận, Huang liền đập vỡ chai thuỷ tinh, dùng mảnh vỡ kề cổ con trai út của Lâm để uy hiếp. Cả gia đình bị bắt trói cùng nhau bằng dây thừng và nhét vải vào miệng.

Trong lúc Huang sơ sểnh, vợ Zheng bất ngờ hét lớn và muốn bế con bỏ chạy. Huang lập tức lao đến đâm hai mẹ con. Sau đó, hắn ta tiếp tục bóp cổ hoặc đâm các thành viên còn lại.

Biết dì của vợ Zheng thường đến quán, nên để tránh bị phát hiện, Huang đến nhà bà và nói dối rằng con trai Lâm bị sốt. Khi người này đến quán, Huang lập tức ra tay.

Sau đó, hắn ta dành 8 giờ để phân các thi thể, bọc lại trong các túi nhựa màu đen. Một số, Huang ném xuống biển còn số khác băm nhỏ, vứt vào thùng rác. Cuối cùng, hắn ta lấy tiền mặt và chìa khóa két sắt của Zheng, đem cất về nhà mình và đóng cửa hàng. Ba ngày sau, Huang mở lại Bát Tiên và tự mình quản lý.

Trong thời gian cảnh sát thông báo phát hiện thi thể ở bờ biển, Huang vẫn coi như không có chuyện gì xảy ra và tiếp tục điều hành quán ăn như bình thường. Ngôi nhà của gia đình Zheng được Huang cho thuê còn ô tô của Zheng, Huang chuyển cho con trai sử dụng.

Sau khi bị bắt, Huang tự sát trong tù vào ngày 4/12/1986. Cảnh sát tìm thấy bức thư tuyệt mệnh hắn ta gửi cho báo chí. Trong đó, hắn nói rằng tự tử không phải vì sợ tội mà vì nhiều lý do. Một trong số đó là hắn bị bệnh hen suyễn mãn tính nên không muốn chịu khổ trong tù.

Còn quán ăn Bát Tiên bị cảnh sát tịch thu. Từ năm 1987, quán được rao bán và đã trải qua nhiều đời chủ. Nơi đây đã được tu sửa. Dưới tầng một vẫn là quán ăn cũ còn các tầng trên được dùng để kinh doanh khách sạn, lấy tên là Bát Tiên. Nhìn từ bên ngoài, nơi đây là một tòa nhà khang trang, sáng sủa nhưng ít ai biết, trong năm tháng lịch sử, nó đã chứng kiến một vụ thảm sát kinh hoàng.

4 năm sau khi Huang bị bắt, ngày 20/2/1989, người ta tìm thấy một lượng lớn xương người tại bãi rác. Qua điều tra, cảnh sát nhận định chúng thuộc về 10 nạn nhân trong vụ thảm sát Bát Tiên, nay còn tên gọi khác là “vụ thảm án bánh bao nhân thịt người”.

Bởi lẽ, có tin đồn rằng trong quá trình điều hành cửa hàng, Huang đã sử dụng một phần của các nạn nhân cho món bánh bao nhân thịt đặc trưng và phục vụ cho những thực khách không mảy may hay biết.

Ngày nay, quán ăn cũ và các căn hộ phía trên nó là một phần của khách sạn Bát Tiên. Vụ án tại quán Bát Tiên được làm thành phim điện ảnh “The Untold Story”, ra rạp Hồng Kông năm 1993. Tại Trung Quốc, bộ phim được phát hành dưới tên The Human Pork Bun và Human Meat Roast Pork Buns.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.