Vụ tập kích đoạt mạng thủ lĩnh al-Qaeda

GD&TĐ -Ngoài cương vị thủ lĩnh số hai al-Qaeda, Ayman al-Zawahiri còn được biết đến là người đứng sau nhiều kế hoạch tấn công khủng bố chấn động thế giới, trong đó có sự kiện lịch sử ngày 11/9.

Ayman al-Zawahiri (trái) và Osama bin Laden trong buổi họp báo tại Afghanistan vào năm 1998.
Ayman al-Zawahiri (trái) và Osama bin Laden trong buổi họp báo tại Afghanistan vào năm 1998.

Cái chết của al-Zawahiri là một thắng lợi mang ý nghĩa chính trị và chiến lược với Mỹ.

Tập kích từ ngoài ban công

Khoảng 6 giờ 15 phút sáng Chủ nhật, ngày 31/7, Ayman al-Zawahiri, thủ lĩnh số hai al-Qaeda, bước ra ngoài ban công tầng ba trong một nhà ẩn náu nằm ở khu Shirpur, trung tâm thủ đô Kabul, Afghanistan. Ông ta thường đứng ngoài ban công từ khi trời còn tờ mờ sáng và đọc báo. Xung quanh al-Zawahiri không có lính canh gác.

Sau nhiều tháng theo dõi, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã phát hiện hành tung của al-Zawahiri tại đây. Các nhà phân tích tình báo quan sát ngôi nhà, xây dựng một khuôn mẫu dựa trên số lượng người đến và đi khỏi địa điểm này. Trong đó, al-Zawahiri chưa từng rời đi.

Ngôi nhà nằm trong khu vực an ninh tương đối tốt. Phía sau nó là một ngân hàng lớn và một số con hẻm nhỏ nối liền với các tòa nhà chính phủ. Nó chỉ cách trụ sở Đại sứ quán Hoa Kỳ ở trung tâm thủ đô Kabul một quãng ngắn.

Khi đã nắm tương đối chắc chắn hành tung của người đàn ông sống trong căn nhà này, CIA đã trình kế hoạch tiêu diệt al-Zawahiri lên Tổng thống Joe Biden.

Ông Biden đã phê chuẩn kế hoạch nhưng yêu cầu các cố vấn xây dựng biện pháp chỉ al-Zawahiri bị tiêu diệt và đảm bảo an toàn cho khu vực xung quanh. Chính vì vậy, ban công – nơi al-Zawahiri thường đứng một mình khi trời mới hửng sáng, là địa điểm lý tưởng để hành động.

Trở lại rạng sáng ngày 31/7, máy bay không người lái (UAV) của Mỹ đã phóng hai tên lửa Hellfire trong lúc al-Zawahiri bước ra ban công của ngôi nhà. Thủ lĩnh al-Qaeda bị tiêu diệt sau một tiếng nổ lớn.

Tối 1/8, tại Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden cho biết: “Theo chỉ thị của tôi, lực lượng Mỹ đã thực hiện cuộc không kích thành công ở thủ đô Kabul của Afghanistan ngày 31/7 và tiêu diệt thủ lĩnh al-Qaeda Ayman al-Zawahiri”.

Vụ tập kích bằng máy bay không người lái là cuộc không kích đầu tiên ở Afghanistan kể từ khi lực lượng Mỹ rời khỏi đất nước này từ tháng 8/2021.

Đối với Mỹ, cái chết của al-Zawahiri là một thắng lợi mang ý nghĩa chiến lược và chính trị. Quốc gia này không chỉ tiêu diệt một kẻ khủng bố khét tiếng, mà đã khép lại lịch sử của vụ tấn công 11/9. Động thái trên cũng củng cố cam kết của Washington rằng Mỹ có thể đối phó với những mối đe dọa từ Afghanistan mà không cần hiện diện tại đây.

Ayman al-Zawahiri được biết đến là thủ lĩnh số hai của tổ chức khủng bố al-Qaeda nhưng trên thực tế này, người đàn ông này là “bộ não” đứng sau nhiều vụ tấn công của tổ chức khủng bố.

Ngôi nhà được cho là nơi ẩn náu của al-Zawahiri.

Ngôi nhà được cho là nơi ẩn náu của al-Zawahiri.

Người cộng sự của Bin Laden

Sinh năm 1951, al-Zawahiri lớn lên trong một khu phố dành cho giới thượng lưu tại thủ đô Cairo, Ai Cập. Cha ông là một bác sĩ nổi tiếng và ông ngoại ông là Hiệu trưởng Trường Đại học Cairo. Thời điểm al-Zawahiri ra đời, nơi gia đình ông sinh sống có đông người Do Thái và tự hào sở hữu nhiều nhà thờ Thiên chúa giáo hơn cả thánh đường Hồi giáo.

Thời trẻ, al-Zawahiri là người say mê học tập và có tính cách sôi nổi. Ông thường cùng bạn bè đến rạp chiếu phim, đi nghe nhạc hoặc tán gẫu. Nhưng al-Zawahiri cũng bị ảnh hưởng bởi tư tưởng của Sayyid Qutb, một trong những người sáng lập chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan thế kỷ XX.

Năm 1996, Chính phủ Ai Cập đã quyết định hành quyết Qutb. Nhằm phản đối hành động này, al-Zawahiri, khi đó 15 tuổi, bí mật thành lập một nhóm lật đổ chính phủ và thành lập một chế độ Hồi giáo, có tên là nhóm Hồi giáo Jihad. Các thành viên đã cố gắng xâm nhập vào quân đội Ai Cập và tàng trữ vũ khí tại nhà.

Trong thời gian này, al-Zawahiri vẫn hoàn thành chương trình phổ thông và theo học ngành Y tại Trường Đại học Cairo. Năm 1974, ông tốt nghiệp cử nhân và trở thành bác sĩ. Thành thạo tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Ả Rập, 4 năm sau, al-Zawahiri lấy bằng thạc sĩ phẫu thuật và tham gia vào lực lượng quân y Ai Cập. Về sau, al-Zawahiri mở một phòng khám chữa bệnh tại Cairo.

Năm 1978, al-Zawahiri kết hôn với Azza Nowair, con gái một gia đình thượng lưu tại Ai Cập. Hai người có một con trai và 5 con gái. Từ năm 1980, al-Zawahiri bắt đầu tham gia chữa trị trong các trại tị nạn dọc biên giới Afghanistan – Pakistan. Sự khủng khiếp của chiến tranh đã thôi thúc al-Zawahiri thành lập Hội thánh chiến Hồi giáo Ai Cập (EIJ) từ nhóm Hồi giáo Jihad.

Tháng 10/1981, EIJ đã thực hiện vụ ám sát Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat. Dù chính quyền không tìm ra mối liên hệ giữa al-Zawahiri và EIJ, họ vẫn bắt ông ta ngồi tù vì tội tàng trữ vũ khí. Ông bị giam trong một phòng giam nhỏ và bị đánh đập mỗi ngày. Có cáo buộc cho rằng sau khi bị tra tấn bằng điện, al-Zawahiri buộc phải khai tên hàng trăm tín đồ.

Ba năm sau, al-Zawahiri được trả tự do. Ông rời Ai Cập đến Ả-rập Xê-út, sau đó là Pakistan và không bao giờ trở lại quê hương. Năm 1986, ông gặp Osama bin Laden ở thành phố Peshawar, Pakistan.

Cả hai đều được truyền cảm hứng bởi tay súng thánh chiến người Palestine, Abdullah Azzam. Sau này, Osama bin Laden đã thuyết phục Azzam trở thành cố vấn và trợ lý riêng cho mình.

Sau khi Azzam bị sát hại vào năm 1989, al-Zawahiri thay hắn ta trở thành cố vấn, bác sĩ riêng, người phát ngôn và người giao dịch vũ khí cho Bin Laden. Nhiều người cho rằng, al-Zawahiri đã “chèo lái” Bin Laden hướng tới giấc mơ chinh phục thế giới.

Ngoài ra, al-Zawahiri tiếp tục thúc giục tín đồ Ai Cập thực hiện các cuộc tấn công quy mô nhỏ ở quê nhà. Năm 1997, al-Zawahiri đã giúp lập kế hoạch cho vụ tấn công đẫm máu nhắm vào khách du lịch nước ngoài tại khu di tích Luxor của Ai Cập khiến 62 người thiệt mạng.

Sau vụ tấn công này, người dân Ai Cập vô cùng phẫn nộ nên quyết định dừng ủng hộ nhóm Hồi giáo Jihad. Giờ đây, hoạt động ở Ai Cập không còn khả thi nên al-Zawahiri đã kêu gọi tín đồ chuyển mục tiêu sang Israel cùng đồng minh chính của họ là Mỹ. Nhóm Jihad đã hợp nhất với al-Qaeda, tổ chức do Bin Laden thành lập.

Từ đó, al-Zawahiri kêu gọi người Hồi giáo ở khắp nơi tấn công lính Mỹ và cướp bóc của cải của họ. Ngày 7/8/1998, al-Qaede đã thực hiện một vụ đánh bom nhằm vào Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Kenya và Tanzania khiến 200 người thiệt mạng. FBI đã treo thưởng 5 triệu USD cho việc bắt giữ al-Zawahiri, sau đó tăng lên 25 triệu USD.

Năm 2000, al-Zawahiri được cho là đứng sau vụ tấn công tàu USS Cole ở Yemen. Ông cũng giám sát quá trình lập kế hoạch cho sự kiện ngày 11/9 ở New York và Washington, một trong những vụ tấn công khủng bố kinh hoàng nhất trong lịch sử. Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế Interpol đã tìm cách bắt giữ ông ta.

Kể từ đó, ông và Bin Laden bị truy lùng gắt gao tại Afghanistan. Nơi trú ẩn của al-Qaede bị phá hủy, các thành viên phân tán, có người bị giết hoặc bị bắt giữ. Hai người âm thầm xây dựng lại lực lượng ở khu vực biên giới Afghanistan – Pakistan.

Trong khi Bin Laden có phần “im hơi lặng tiếng”, al-Zawahiri thường xuyên xuất hiện trong những video trên các trang web thân al-Qaeda. Với bộ râu rậm, cặp kính gọng dày cùng vết bầm tím nổi rõ trên trán, al-Zawahiri nổi tiếng là người có tính cách gay gắt, thích kiểm soát. Trái ngược với al-Zawahiri là Bin Laden, người có giọng nói nhẹ nhàng và được các thành viên tôn thờ.

Tuy nhiên, al-Zawahiri đã thiết lập mối quan hệ với các nhóm Hồi giáo ở Algeria, Mali, Libya, Nigeria, Uzbekistan... Năm 2009, Zawahiri chấp thuận việc sáp nhập Saudi và Các chiến binh Yemen thành al-Qaeda ở Bán đảo Ả Rập. Đến giai đoạn này, tình báo Mỹ coi al-Zawahiri là tên chỉ huy chiến lược còn Bin Laden chỉ còn những tư tưởng bù nhìn.

Ayman al-Zawahiri trong một video được đăng vào tháng 4/2022.

Ayman al-Zawahiri trong một video được đăng vào tháng 4/2022.

Những năm tháng cuối đời

Sau cái chết của Bin Laden vào tháng 2/2011, al-Zawahiri trở thành thủ lĩnh số một của al-Qaeda, vai trò mà giới quan sát cho rằng ông ta không hoàn toàn phù hợp.

Zawahiri, với phong cách bộc trực, thẳng thừng của mình, đã không thể truyền cảm hứng mạnh mẽ cho các chiến binh Hồi giáo như Bin Laden hay các thủ lĩnh trẻ hơn như Abu Musab al-Zarqawi, người sáng lập lực lượng nổi dậy Iraq mà sau này trở thành IS.

Trong điếu văn dành cho Bin Laden, al-Zawahiri cam kết sẽ tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công vào phương Tây. Nhưng ông sớm phải thất vọng khi chứng kiến al-Qaeda ngày một suy yếu.

Chi nhánh hàng đầu của al-Qaeda ở Syria, Mặt trận al-Nusra, cuối cùng đã chọn từ bỏ tổ chức mẹ, từ chối công nhận mối liên hệ với al-Qaeda. Một phe phái lớn khác, IS, cũng đoạn tuyệt với Zawahiri.

Tháng 9/2021, trang web thân al-Qaeda đã công bố đoạn video chia sẻ bài phát biểu của al-Zawahiri để bác bỏ tin đồn về cái chết của mình lúc bấy giờ.

Ông đã tận dụng cơ hội này để một lần nữa kêu gọi các cuộc tấn công bạo lực nhằm chống lại kẻ thù ở khắp mọi nơi. “Cũng giống như họ đã đến từ mọi nơi trên thế giới để chống lại chúng ta. Chúng ta phải tấn công họ thật mạnh mẽ ở khắp mọi nơi”, al-Zawahiri nói.

Tallha Abdulrazaq, nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Exeter, cho biết: “Dù al-Zawahiri thừa kế lớp vỏ lãnh đạo nhưng ông ta không thể mang chất lãnh đạo như Bin Laden. Tính hợp pháp, khả năng truyền cảm hứng của ông ấy giữa các chi nhánh của al-Qaeda là rất khác nhau”.

Đến năm 2020, al-Zawahiri càng trở nên xa cách. Khi Taliban lên nắm quyền điều hành Afghanistan, al-Zawahiri lui về ẩn náu tại một nhà an toàn ở khu Shirpur, trung tâm thủ đô Kabul. Al-Zawahiri qua đời tại đây sau khi bị CIA tập kích.

Ông Colin Clarke, Giám đốc Công ty an ninh toàn cầu Soufan Group, đánh giá cái chết của al-Zawahiri sẽ là “đòn giáng mạnh” với al-Qaeda, dù vai trò của ông ta không đậm nét như Bin Laden. Ngoài ra, việc al-Zawahiri ẩn náu tại Kabul cũng đặt câu hỏi về mối quan hệ của ông ta với chính quyền Taliban.

“Ít nhất, chúng ta cũng biết rằng al-Zawahiri cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều kể từ khi Taliban tiếp quản Afghanistan”, Clarke nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.